Hồi quý I, lãi suất huy động “nóng hừng hực” khi nối tiếp xu hướng tăng từ những tháng cuối năm 2022. Những vấn đề vốn dĩ đã “mất tích” khá nhiều năm trên thị trường, như lãi suất huy động ở mức 10-11,5%/năm, nhà băng và người gửi tiền âm thầm “đi đêm”… NHNN đã phải hành động.
Trong tháng 3, nhà điều hành đã thông báo điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 2 lần liên tiếp, để kéo giảm mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp (DN) và người dân. Đồng thời, NHNN cũng sớm giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) cho các NH là 11%, và đặt mục tiêu TTTD cả năm tăng 14-15%. Trong khi đó, thị trường ngoại tệ đầu năm khá yên ổn, VNĐ chỉ tăng giá 0,5% so với USD. Tỷ giá USD/VNĐ xuống mức 23.640 - 23.650 đồng/USD.
Quý II-2023, NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 2 lần vào tháng 5, tháng 6 và duy trì cho đến nay. Ngày 23-4, NHNN ban hành Thông tư 02/2023, quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, có hiệu lực đến hết ngày 30-6-2024.
Đồng thời để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản (BĐS), NHNN chỉ đạo các NHTM triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các NHTM, lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các NH trên thị trường. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế 6 tháng chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022.
Nửa cuối năm 2023, thị trường xuất hiện thêm nhiều khó khăn. Tín dụng trong tháng 7 ghi nhận mức tăng trưởng thụt lùi so với các tháng trước. NHNN đã yêu cầu các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay phấn đấu mức giảm tối thiểu từ 1,5-2%/năm.
Tiếp theo, NHNN ban hành Thông tư 10/2023, ngưng hiệu lực thi hành Khoản 8, 9, 10 Điều 8 của Thông tư 06/2023 quy định về hoạt động cho vay của các TCTD, nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế và đặc biệt là cho thị trường BĐS.
Quý III, thanh khoản của các NH dồi dào do tín dụng tăng chậm, lãi suất liên NH duy trì ở mức rất thấp. NHNN lại duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, ngược lại với chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ, tạo ra mức chênh lệch lớn, lãi suất qua đêm tại Mỹ khoảng 5,5% nhưng Việt Nam khoảng 0,19%.
Trong nước, lãi suất VNĐ trên thị trường liên NH cũng thấp hơn lãi suất USD khoảng 5%. Các yếu tố này tạo áp lực lớn lên tỷ giá. Tỷ giá USD/VNĐ tại các NH đã phi nước đại, vượt mức 24.600 đồng/USD, khiến VNĐ đã mất giá 3% kể từ đầu năm.
Điều đó buộc NHNN nối lại hoạt động phát hành tín phiếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở vào ngày 21-9 sau 6 tháng im ắng, nhằm điều tiết thanh khoản thị trường 2 và hạn chế việc đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn. Theo thống kê từ ngày 21-9 đến 8-11, NHNN đã phát hành tổng cộng 360.345 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn 28 ngày.
Quý IV, nền kinh tế vẫn còn đối mặt nhiều thách thức. TTTD trong tháng 10-2023 chững lại sau khi tăng tích cực vào cuối tháng 9, chỉ đạt 7,39%. Để thúc đẩy TTTD, NHNN đã chủ động bổ sung hạn mức tín dụng cho các NH có dư nợ tín dụng đạt 80% room tín dụng đã được cấp, dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022 để thúc đẩy tín dụng.
Còn Chính phủ cũng liên tục ban hành các công điện, văn bản “nhắc nhở” NHNN về điều hành TTTD. Dù vậy, mức tăng đến ngày 20-12 chỉ đạt gần 11%. Ở mặt huy động, lãi suất tiền gửi tiết kiệm 1 tháng tại Vietcombank chỉ còn 1,9%/năm. Mặt bằng chung, lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng về mức 2,2-4,25%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng trong khoảng 3,7-5,3%/năm và 12 tháng khoảng 3,8-5,6%/năm.
Một bức tranh cho thấy năm nay cơ quan quản lý đã khá vất vả khi phải bám sát khó khăn của thị trường, kịp thời có chính sách tháo gỡ.
Dẫu vậy vẫn phải thừa nhận còn nhiều vấn đề gút mắc vẫn tồn tại, như giảm lãi suất điều hành và triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ đã không được như kỳ vọng, trong khi các NH “ngồi trên đống tiền”. Đó là những vấn đề cần phải được xử lý tốt hơn trong năm 2024.