Chậm trễ lên sàn
Cuối tháng 7, phát biểu tại cuộc họp giao ban về tình hình sắp xếp, CPH, thoái vốn, tái cơ cấu DNNN và phát triển DN 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, cho biết 6 tháng đầu năm 2018 đã đạt được những kết quả đáng mừng.
Việc chậm niêm yết trên TTCK làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị DN sau CPH theo thông lệ và chuẩn mực của các DN niêm yết CP trên TTCK, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các DN này. Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính |
Về thể chế, đã hoàn thiện những nghị định quan trọng như Nghị định 32/2018/NĐ-CP, Nghị định 126/2017/NĐ-CP. Thế nhưng, số lượng DNNN được CPH niêm yết trên TTCK vẫn rất thấp, mới chỉ có 150 trong số khoảng 700 DNNN đã CPH thực hiện niêm yết. Chính điều này đã làm giảm tính hiệu quả trong bán vốn nhà nước. Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tình hình, kế hoạch triển khai trong 6 tháng cuối năm, đồng thời công khai các DNNN đã CPH mà không niêm yết trên TTCK.
Mặc dù Chính phủ đã có những động thái hết sức khẩn trương nhằm đẩy nhanh tiến trình niêm yết sau CPH, nhưng những số liệu mới vừa được Bộ Tài chính công bố khiến nhiều người giật mình. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, đến thời điểm cuối năm 2018, vẫn còn 667 DN chưa thực hiện định kỳ đăng ký giao dịch trên TTCK (số lượng DNNN sau CPH chưa niêm yết trong năm 2017 là 747 DN). Hiện mới chỉ có 231/747 DN (tương đương 31%) đã đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN. Trong đó, có 152 DN đã niêm yết, 56 DN chưa niêm yết, 23 DN đã hủy đăng ký công ty đại chúng. Như vậy, chỉ có 152/747 DN (tương đương 20,3%) thực hiện nghĩa vụ đăng ký niêm yết sau CPH. Trong đó, TPHCM là địa phương có nhiều DNNN chưa niêm yết sau CPH nhất với 11 công ty mẹ và hàng trăm công ty con.
PG Bank không thể lên sàn do còn phải chờ phương án sáp nhập vào ngân hàng khác.
Những nguyên nhân không đáng
Danh sách những DN chậm niêm yết sau CPH vẫn là những cái tên khá quen thuộc bởi từng bị “bêu tên” trong những năm trước như: NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), TCTCP Thương mại kỹ thuật và Đầu tư (Petec), CTCP Len Việt Nam, CTCP Vật tư và Xuất nhập khẩu hóa chất, CTCP Vinalines Nha Trang, CTCP Điện tử và Truyền hình cáp Việt Nam, CTCP Kinh doanh thiết bị và Truyền thông, CTCP Gạch men Cosevco, CTCP Môi trường dịch vụ đô thị Phú Thọ, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Nam, CTCP Thép Tân Thuận, CTCP Than Miền Nam, CTCP Sơn tổng hợp Hà Nội, TCTCP Thiết bị y tế Việt Nam, TCTCP Vận tải Hà Nội, CTCP Vận tải thương mại VEAM, CTCP Cơ khí chính xác số 1...
Các nguyên nhân được DN đưa ra để giải thích cho việc chậm trễ này là chưa phải công ty đại chúng, vì không đáp ứng tiêu chí có ít nhất 100 NĐT hoặc do vốn điều lệ chưa đạt đủ 10 tỷ đồng. Ngoài lý do chính này, nhiều DN giải trình đang trong quá trình làm thủ tục đăng ký niêm yết, hoặc đang trong quá trình bàn giao sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Thậm chí, có DN còn biện minh cho việc chậm trễ này là do chưa nắm được các quy định về đưa CP lên sàn, hay chờ tổ chức ĐHCĐ để xin ý kiến cổ đông về phương án đưa CP lên sàn sao cho hợp lý.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) là một trong những DNNN đã có thành công nhất định trong việc đưa các DN thành viên lên sàn trong năm 2018. Nổi bật nhất là 3 DN gồm: TCTCP Dầu Việt Nam (OIL), TCTCP Điện lực dầu khí (POW) và TCTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Ngay sau khi đưa 3 DN này lên sàn, PVN đã rất thuận lợi trong việc bán vốn tại các DN dù tổng giá trị thoái vốn đạt 45.000 tỷ đồng.
Thậm chí, số tiền thu về từ các đợt thoái vốn tại 3 tổng công ty này cao hơn 7.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm chào bán. Tuy nhiên, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV PVN, thừa nhận việc CPH và đưa CP lên sàn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vướng mắc về xác định giá trị DN, đặc biệt là những DN phân tán nhiều nơi, khiến cho công tác xác định giá trị bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Truy người đứng đầu
Truy người đứng đầu
Theo các chuyên gia, những lý do kể trên có thể đúng nhưng không là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ niêm yết. Trên thực tế, việc DN chậm niêm yết đa phần bắt nguồn từ yếu tố công khai minh bạch theo quy định khi CP lên sàn.
Thậm chí, việc chậm trễ niêm yết còn có yếu tố lợi ích nhóm, bởi các DNNN này đều có những lợi thế nhất định do được thừa hưởng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và một số ưu đãi từ chính sách CPH. Có thể lấy dẫn chứng từ trường hợp TCTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB). Việc chậm niêm yết không chỉ khiến cho việc thoái vốn của Bộ Công Thương phải kéo dài, mà còn tạo điều kiện để lãnh đạo DN này thực hiện phi vụ bán rẻ đất vàng tại TPHCM gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, quá trình CPH DNNN hiện nay còn gặp khó ở cổ đông chiến lược. Thực tế, hầu hết DNNN khi thực hiện CPH không tìm được cổ đông chiến lược. Nguyên nhân do cổ đông chiến lược chỉ tham gia DNNN khi nắm được cổ phần áp đảo, để chi phối được hoạt động kinh doanh của DN sau khi đã CPH.
Tuy nhiên, các DNNN khi thực hiện CPH lại vừa muốn tìm kiếm cổ đông chiến lược, nhưng vẫn muốn nắm cổ phần chi phối. Nếu giải quyết được mấu chốt vấn đề này quá trình CPH và đưa CP lên niêm yết trên TTCK sẽ rất dễ dàng.
Để đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới DNNN và xử lý việc chậm CPH và đưa CP lên niêm yết, mới đây, Bộ Tài chính đã đề ra nhóm giải pháp tập trung vào xử lý trách nhiệm cán bộ và thu hồi tài sản nếu cố tình trì hoãn. Cụ thể, từ nay đến ngày 31-12 phải hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các DN thuộc lĩnh vực quản lý, theo đúng quy định tại Quyết định 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm. Gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu. Từ đó, đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN.