Nikkei Asia: Việt Nam, Philippines, Myanmar và Thái Lan đứng cuối bảng về chỉ số phục hồi Covid-19

(ĐTTCO) - Chỉ số Phục hồi Covid-19 của Nikkei Asia đánh giá hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, việc triển khai tiêm vaccine và tình trạng đi lại tự do trong xã hội...

Phun thuốc khử trùng trên đường phố ở Hà Nội - Ảnh: Reuters
Phun thuốc khử trùng trên đường phố ở Hà Nội - Ảnh: Reuters

Theo Chỉ số Phục hồi Covid-19 mới cập nhật của tờ Nikkei Asia, các quốc gia Đông Nam Á đang phải vật lộn chống lại các đợt bùng dịch mạnh do biến thể Delta và việc chậm tiêm vaccine ngừa Covid-19. Việt Nam, Philippines, Myanmar và Thái Lan là 4 quốc gia đứng cuối bảng về chỉ số phục hồi hậu Covid-19, còn Malaysia đứng thứ 7 từ dưới lên.

Chỉ số Phục hồi Covid-19 của Nikkei Asia đánh giá hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, việc triển khai tiêm vaccine và tình trạng đi lại tự do trong xã hội. Quốc gia có chỉ số càng cao thì càng tiến gần tới trạng thái phục hồi với số ca nhiễm Covid-19 thấp, tỷ lệ tiêm vaccine cao và/hoặc ít phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn.

Nikkei Asia: Việt Nam, Philippines, Myanmar và Thái Lan đứng cuối bảng về chỉ số phục hồi Covid-19 - Ảnh 1

Theo Nikkei Asia, Việt Nam, từng là “ngôi sao” khi kiểm soát dịch bệnh thành công kể từ khi dịch bùng phát cho tới cuối tháng 6, giờ đây ghi nhận số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 kỷ lục. Trong tuần cuối tháng 8, Việt Nam ghi nhận hơn 87.000 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó gần 40% ở TPHCM - cũng là nơi chiếm khoảng 80% tổng số ca tử vong toàn quốc. Với việc Việt Nam áp dụng các biện pháp về sức khỏe cộng đồng giãn cách xã hội nghiêm ngặt ở nhiều thành phố lớn, Nikkei Asia xếp Việt Nam ở cuối bảng về Chỉ số Phục hồi Covid-19.

Xếp thứ hai từ cuối lên, Philippines tụt 14 bậc so với xếp hạng hồi tháng 7. Ngày 30/8, quốc gia đông Nam Á này ghi nhận kỷ lục 22.366 ca nhiễm mới giữa làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Delta. Trung bình 7 ngày qua, nước này có hơn 17.700 ca nhiễm mới. Khu vực thủ đô Manila và một số tỉnh khác của Philippines đang áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch ở mức nghiêm ngặt cao thứ hai cho tới ngày 7/9.

Cũng tại Đông Nam Á, Thái Lan dù tăng hai bậc nhưng vẫn đứng gần chót bảng - ở vị trí 118. Số ca nhiễm mới tại nước này đã giảm so với mức đỉnh hơn 20.500 ca nhưng vẫn ở mức cao.

Từ ngày 1/9, chính phủ Thái Lan đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đối với hoạt động bán lẻ và dịch vụ ăn uống nhằm cứu nền kinh tế. Các nhà chức trách nước này cũng cho phép khôi phục khai thác một số chuyế bay nội địa đến và đi từ thủ đô Bangkok tới các khu vực có nguy cơ cao. Trong tháng 8, số lượng chuyến bay nội địa tại Thái Lan đã giảm hơn 95% so với mức trước đại dịch, theo dữ liệu từ Cirium.

Mặc dù vậy, Đông Nam Á vẫn có một số điểm sáng. Hai quốc gia cũng thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Campuchia và Indonesia đều tăng hạng trong Chỉ số Phục hồi Covid-19 của Nikkei Asia.

Campuchia tăng 30 bậc lên vị trí thứ 52 khi số ca nhiễm mới giảm mạnh và tiến độ tiêm vaccine được cải thiện. Campuchia hiện là nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Theo dữ liệu từ Our World in Data, tính tới ngày 31/8, hơn 50% dân số Campuchia đã được tiêm vaccine đầy đủ.

Trong khi đó, Indonesia cũng tăng từ vị trí 114 lên 92 dù phục hồi trong nước chưa đồng đều. Thủ đô Jakarta dự kiến dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trong vài tuần tới khi số ca nhiễm tiếp tục giảm và 50% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ. Tuy nhiên, các khu vực khác của quốc gia này vẫn có nguy cơ cao do số ca nhiễm tăng cao và chiến dịch tiêm vaccine còn hạn chế.

Hơn nữa, theo dữ liệu của Our World in Data tính tới cuối tháng 8, tỷ lệ tử vong vì Cocid-19 tại Indonesia là 3,57% - cao hơn hầu hết quốc gia trên thế giới nhưng tương đương với các quốc gia láng giếng có tốc độ tiêm chủng chậm. Dữ liệu từ Our World in Data cho thấy Myanmar và Việt Nam hiện có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ dưới 4%, và tỷ lệ tử vong lần lượt là 3,85% và 2,88%.

Tại châu Đại Dương, New Zealand tụt 78 bậc từ vị trí thứ 2. Quốc gia này mất điểm khi dịch bùng phát trở lại và phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Australia cũng tụt xuống từ vị trí 45 xuống 84 do ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục gần đây.

Một số quốc gia có tốc độ tiêm vaccine “thần tốc” hiện cũng đang phải vật lộn với số ca nhiễm tăng trở lại, khiến chỉ số phục hồi sụt giảm mạnh. Israel và Mỹ, hai trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ cao nhất thế giới, hiện lần lượt xếp thứ 54 và 74. Cả hai nước này đều đang chuẩn bị tiêm mũi vaccine nhắc lại để tăng khả năng bảo vệ cho người dân trước các biến thể Covid-19.

Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) mới đây nhận định nhiều quốc gia tại châu Á đang tiêm vaccine với tốc độ nhanh hơn dự báo. Tuy nhiên, vì hầu hết các nước châu Á sử dụng các loại vaccine có hiệu quả tương đối thấp, nên cần phải có độ phủ lớn hơn và thậm chí phải tiêm mũi nhắc lại thì mới có thể đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng.

"Với khả năng chống chịu Covid-19 của châu Á thấp hơn, chúng tôi dự báocác biện pháp hạn chế như giãn cách xã hội, phong tỏa và kiểm soát biên giới sẽ vẫn được áp dụng tại hầu hết khu vực này trong năm 2021-2021”, EIU cho biết.

Các tin khác