Nợ xấu tiềm ẩn rất cao

(ĐTTCO) - Quy định về cơ cấu nợ tại các Thông tư 01, 03 và 14 của NHNN đang hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua dịch bệnh, giảm áp lực nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) đối với hệ thống NH. Tuy nhiên, điều này lại đẩy rủi ro về tương lai nếu sức khỏe DN không sớm phục hồi, kéo theo tiến độ giảm tỷ lệ nợ xấu về mốc an toàn cũng bị ảnh hưởng.

Nợ xấu sẽ lên xấp xỉ 8%
Đầu năm 2020, NHNN ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH, trong đó phấn đấu năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng (TCTD), nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các NHTM yếu kém)... 
Tuy nhiên đến cuối năm, báo cáo với Quốc hội, NHNN nhận định tác động bất thường của đại dịch Covid-19 đã khiến mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu nhận diện tổng thể xuống dưới mốc 3% phải chuyển tiếp sang năm 2021. Cụ thể số liệu do NHNN cho thấy, năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống NH 2,46%, năm 2017 giảm xuống còn 1,99%, năm 2018 còn 1,91%, năm 2019 là 1,63% và năm 2020 là 1,76%. Nếu tính cả khoản nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn, năm 2016 là 10,58%, năm 2017 là 7,36%, năm 2018 là 5,85%, năm 2019 là 4,43% và năm 2020 là 3,81%.
Nhưng kế hoạch chuyển tiếp mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu về 3% trong năm nay dự kiến sẽ không hoàn thành bởi đại dịch. Trong dự báo đưa ra gần đây, Maybank Kimeng cho biết tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống sẽ tăng lên mức 7%, dựa trên ước tính thận trọng các khoản vay thuộc các ngành đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như vận tải, du lịch nghỉ dưỡng và tài chính tiêu dùng.
 Ngày 29-9, tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, cho biết NHNN đã lên kịch bản kỹ lưỡng và báo cáo Chính phủ về xu hướng nợ xấu tăng mạnh trong thời gian tới. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến ở mức 7,1-7,7%. Đây là kết quả được dự báo khi các NH đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01, 03 và 14.
Con số này đáng chú ý vì hồi đầu năm, NHNN dự báo đến cuối tháng 12-2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng từ 1,54-1,91%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của các TCTD ở mức 3,43-3,84%. Nếu tính thêm các khoản nợ không chuyển nợ xấu do được cơ cấu thời hạn trả nợ do dịch Covid, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD sẽ ở mức gần 5%.
Nhìn vào số liệu, vào thời điểm giữa năm 2021, tín hiệu kém khả quan về nợ xấu cũng đã xuất hiện, khi một số NH đã ghi nhận mức tăng mạnh của nợ nhóm 4 và nhóm 5. So với trước đây, lần này nợ xấu phát sinh là bất khả kháng. 

Thận trọng theo dõi nợ cơ cấu
Nợ xấu tăng lên cần phải có giải pháp xử lý. Ở lần này, dù nợ xấu phát sinh do bất khả kháng nhưng giải pháp xử lý cũng không khác trước, NH phải chủ động thông qua việc trích lập DPRR. Chỉ khác NHNN có cơ chế để các TCTD giãn thời gian thực hiện trích lập DPRR, cho phép các nhà băng trích bổ sung trong 3 năm để có nguồn lực xử lý rủi ro nợ xấu, tối thiểu 30% năm 2021, 60% năm 2022 và đủ 100% năm 2023. Bên cạnh đó, NHNN cũng đang đề xuất xây dựng Luật xử lý nợ xấu dựa trên Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD để hỗ trợ về cơ chế xử lý nợ.
Việc cho phép trích lập trong vòng 3 năm giúp các NHTM giảm áp lực để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng NH phải sẽ phải tiêu tốn nguồn lực lớn cho khoản nợ xấu này. Theo ước tính của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo - Nghiên cứu BIDV, với việc thực hiện quy định tại Thông tư 14, lợi nhuận của ngành NH năm 2021 ước giảm thêm 3.400 tỷ đồng và phải tăng trích DPRR thêm 70.000 tỷ đồng, đồng thời tăng áp lực trích lập bổ sung DPRR trong giai đoạn 2021-2023.
Con số nói trên là áp lực lớn, nhưng đáng chú ý hơn trong văn bản gần đây, NHNN lại khuyến khích các NH trích lập DPRR đầy đủ 100% số tiền dự phòng. Cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung trong năm 2021. Ghi nhận cho thấy, một vài NHTMCP đã trích lập đầy đủ cho toàn bộ số dư nợ được tái cơ cấu, thay vì phân bổ trong 3 năm.
Tuy nhiên, số lượng này không nhiều và dự kiến rất khó để tuân thủ đại trà, bởi hiện nay hoạt động tín dụng diễn ra rất chậm sau khi đợt dịch thứ 4 bùng lên. Rất nhiều DN đứng trước nguy cơ nợ xấu rất lớn, NHTM cũng không thể mạnh tay cho vay. Do vậy, khả năng đáp ứng trích lập 100% số tiền DPRR theo khuyến khích của NHNN rất khó vì sẽ ăn mòn lợi nhuận của NH.
Thực tế này cho thấy cơ quan điều hành đang có nhiều lo ngại với tình hình nợ xấu, cũng như muốn nhanh đẩy tỷ lệ nợ xấu về mức 3% như kế hoạch đã đề ra.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trên số liệu tình hình nợ xấu có cải thiện, có NH có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, có NH lên đến 200-300%, nhưng thực tế sẽ không khả quan như vậy, rủi ro nợ xấu vẫn còn ẩn nấp phía sau tấm thảm đẹp.
Vì NHNN cho phép không chuyển nhóm nợ, nên các NH có thể không trích dự phòng cụ thể cao như thực tế và thổi phồng lợi nhuận của họ lên. Tuy nhiên, rủi ro sẽ xảy ra khi các NH chỉ theo dõi nợ trên sổ sách không theo dõi thực tế. 
 Chính sách cho phép các NH cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là điều tốt trong bối cảnh hiện nay. Song bản chất của nợ xấu vẫn xấu. Nếu xử lý không rốt ráo, nợ xấu sẽ tiềm ẩn thì tương lai.

Các tin khác