Nội chiến Thị trường bán lẻ (K1): Nhật - Thái tranh giành thị phần

(ĐTTCO) - Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đã được minh chứng thông qua việc rất nhiều thương hiệu lớn trong khu vực và thế giới đã, đang và sẽ đổ bộ. 
Nhưng trong cuộc chiến của các thương hiệu ngoại tranh giành thị phần giữa các nhà bán lẻ Nhật Bản và Thái Lan có vẻ gay cấn hơn cả trên sân nhà Việt Nam.
Nhật: Có là lợi thế của người đến sau?

Đã hơn một tuần kể từ ngày chuỗi 7-Eleven chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam, nhưng tin tức về sức hút của nó với một bộ phận người tiêu dùng Việt vẫn khá được quan tâm. Điều này cũng không có gì lạ, bởi chuỗi cửa hàng tiện lợi này hiện là một trong những chuỗi lớn nhất trên thế giới với 62.000 cửa hàng hiện diện tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, và trước khi vào Việt Nam đã được cơ quan truyền thông người nhà là tờ báo nổi tiếng Nikkei PR rất mạnh “Người Nhật đang nhắm đến thị trường bán lẻ cuối cùng ở Đông Nam Á”.
Đến Việt Nam theo hình thức nhượng quyền độc quyền, chuỗi này được xem là ông lớn tiếp theo của Nhật Bản tiến vào thị trường bán lẻ Việt Nam. 7-Eleven đến Việt Nam khi người tiêu dùng bắt đầu quen với mô hình cửa hàng tiện lợi, cộng thêm việc Việt hóa cửa hàng với rất nhiều những món ăn quen thuộc, nên cũng không lạ khi đơn vị nhận nhượng quyền đưa ra mục tiêu phát triển hàng trăm cửa hàng sau 3 năm và hàng ngàn cửa hàng sau 10 năm có mặt. Thực ra việc mở hàng loạt có thể không khó với một ông lớn, nhưng việc có thực sự thành công trong một thị trường mà mô hình cửa hàng tiện lợi chưa tìm ra điểm bứt phá vẫn còn là câu hỏi phải bỏ ngỏ. 

Nhắc đến những nhà bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam không thể không nhắc đến AEON. Đến sau nhiều nhà bán lẻ từ các quốc gia khác, nhưng AEON lại mang đến mô hình “one stop shopping” đáp ứng nhu cầu của những gia đình trẻ, nên nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Khung cảnh người người nhà nhà đổ đến AEON vào mỗi dịp cuối tuần hay những dịp lễ tết đã không còn lạ ở những nơi AEON Tân Bình, Bình Tân…
Đến nay AEON đã có 4 trung tâm và đang triển khai thêm 2 trung tâm nữa. Theo kế hoạch đến năm 2020, nhà bán lẻ này sẽ có 20 trung tâm mua sắm lớn ở thị trường Việt Nam. Không dừng ở đó, đầu năm 2015 Aeon đã được quyền nắm giữ cổ phần 2 hệ thống siêu thị, gồm Citimart và Fivimart với tỷ lệ nắm giữ 49% và 30%. Ngoài ra, ông lớn bán lẻ này cũng đang phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop với tham vọng có 800 cửa hàng ở thị trường Việt Nam. 

Cũng nằm trong nhóm cửa hàng tiện lợi đến từ Nhật Bản phải nhắc đến chuỗi Family mart. Mặc dù những thông tin liên quan đến chuỗi này không mấy khả quan, nhưng họ vẫn chưa có ý định rời khỏi thị trường Việt Nam. Đó là tháng 5 vừa qua thông tin về chuỗi Family mart từ hãng thông tấn Reuters cho biết dù các cửa hàng của Family mart tại Trung Quốc và Đài Loan đang sinh lời, tuy nhiên tại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia tập đoàn này lại đang chịu cảnh thua lỗ.
Danh sách những nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn chưa dừng lại ở đó. Cuối tháng 7-2016, Takashimaya đã chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam, mang đến một không gian mua sắm mới ngay khu vực trung tâm. Khi các nhà bán lẻ Nhật Bản đổ bộ vào thị trường Việt Nam, người tiêu dùng không chỉ có cơ hội được mua sắm nhiều sản phẩm chất lượng, mà còn được thưởng thức một văn hoá kinh doanh kiểu Nhật luôn ân cần, trân trọng khách hàng. 
Nội chiến Thị trường bán lẻ (K1): Nhật - Thái tranh giành thị phần ảnh 1 Khách hàng xếp hàng mua đồ ăn tại của hàng 7-Eleven. 
 
Thái: Đẩy mạnh chiếm lĩnh trọn gói

Không chọn hình thức đầu tư từng bước, người Thái chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam bằng những thương vụ mua bán khủng gây nhiều chú ý cho cả giới trong và ngoài ngành bán lẻ.
Những thương hiệu người Thái chọn mua đều là những thương hiệu lớn, có lịch sử kinh doanh khá lâu tại thị trường Việt Nam và được người tiêu dùng tin tưởng. Thương vụ mua lại Big C đến giờ vẫn còn được nhắc đến rất nhiều, thời điểm tập đoàn mẹ của Big C đưa ra những thông tin muốn bán Big C Việt Nam, người ta đã đồn đoán về một cuộc thâu tóm của người Thái. Và Central Group đã biến lời đồn đó thành hiện thực khi bỏ ra 1 tỷ USD để sở hữu Big C Việt Nam.

Trước đó, Central Group cũng mua lại 49% cổ phần của chuỗi điện máy Nguyễn Kim. Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì Central Group có ở Việt Nam. Năm 2014, Central Group gây chú ý khi khai trương trung tâm thương mại và thời trang Robin. Đồng thời cũng gây bất ngờ khi mua lại chuỗi phân phối chủ yếu ở khu vực nông thôn là Lan Chi…
Cũng thực hiện một thương vụ đình đám ở thị trường bán lẻ Việt Nam, Tập đoàn TCC Holdings mua lại toàn bộ chuỗi Metro Cash & Carry Việt Nam (Đức) và đổi tên thành MM Mega Market. Ngoài việc sở hữu chuỗi này, TCC còn tập trung cho mảng cửa hàng tiện lợi ở thị trường Việt Nam với việc đẩy nhanh chuỗi B’mart. 

Sau khi thâu tóm những chuỗi bán lẻ lớn, các ông chủ Thái khiến DN sản xuất Việt lo lắng về một cuộc đổ bộ của hàng hóa Thái Lan vào thị trường Việt Nam. Có ý kiến cho rằng khi Big C và Metro còn hoạt động người ta chẳng mảy may lo ngại hàng Đức hay hàng Pháp, bởi hàng Đức, Pháp thường là hàng có giá thành cao không phù hợp với văn hóa tiêu dùng của phần đông người dân Việt Nam.
Trong khi hàng Thái từ lâu đã được người tiêu dùng Việt ưa chuộng nhờ niềm tin chất lượng và giá thành phải chăng. Nay cộng với thế mạnh khi người tiêu dùng lo sợ chất lượng sản phẩm “made in China”, nên hàng Thái tranh thủ chiếm lĩnh thị trường. 

Tất nhiên hiện nay ở những chuỗi siêu thị như Big C, MM Mega Mart hay cửa hàng tiện lợi B’mart cũng vẫn còn một tỷ lệ khá lớn hàng Việt cũng như hàng hóa từ nhiều quốc gia khác, bởi các nhà bán lẻ Thái Lan cũng không dại gì chỉ bán hàng hóa của quốc gia mình.
Thậm chí người Thái còn làm nhiều chương trình nhằm hỗ trợ DNNVV cũng như các DN siêu nhỏ của Việt Nam có thể đi sâu vào các hệ thống bán lẻ hiện đại, chỉ có điều hàng Thái phong phú hơn rất nhiều. Thực tế những mặt hàng hóa mỹ phẩm Thái Lan cũng hay được quảng cáo với những lời hoa mỹ, nhưng không phải sản phẩm nào cũng được như vậy. Nhưng chính nhờ tâm lý chuộng hàng Thái nên nhiều người mua vẫn cứ mặc định hàng Thái là ngon, tốt. 

Có thể thấy cuộc chiến bán lẻ đang ngày càng gay cấn, kéo theo cuộc đua của các nhà sản xuất trong nước cũng phải gấp rút không kém. Khi hàng Nhật, Thái theo các kênh bán lẻ vào Việt Nam nhiều hơn, hàng Việt cũng khó để định vị được mình trong tâm trí người tiêu dùng. 

(còn tiếp)

Các tin khác