Nỗi lòng đằng sau những con số đẹp của ngành du lịch

(ĐTTCO) - Giữa cao điểm du lịch hè nhưng vé máy bay đi nhiều chặng đang có mức giá giảm mạnh, giá phòng khách sạn cũng trong tình huống tương tự.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các DN và cả khách du lịch đều đang trong xu hướng thắt chặt chi tiêu. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG DƯỠNG
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các DN và cả khách du lịch đều đang trong xu hướng thắt chặt chi tiêu. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG DƯỠNG

Chưa hết, nhiều tỉnh, thành có lượng khách du lịch lớn, doanh thu cao nhưng nhiều cơ sở lưu trú lại đang trong tình trạng phải rao bán.

Giá vé rẻ bất ngờ

Vốn không có ý định du lịch Phú Quốc dịp hè này nhưng nghe tin giá vé rẻ, chị Hoài Thương (quận 3, TPHCM) đã thử đặt một cặp vé khứ hồi TPHCM - Phú Quốc với ngày đi 22-7 và ngày về 24-7 trên agoda.com, thì đúng là giá vé rất hợp lý khi chưa tới 1,5 triệu đồng/khách khứ hồi. Thử chuyển qua đặt chiều Hà Nội - Phú Quốc cũng trong những ngày này giá vé cũng chỉ nhỉnh hơn đôi chút, khoảng 1,8 triệu đồng/khách khứ hồi.

Theo dõi trang facebook cá nhân của chị H.P (một đại lý vé máy bay), sẽ liên tục thấy những thông tin “sốc” về giá vé máy bay siêu rẻ ngay trong giai đoạn tháng 7, 8 này trên nhiều chặng bay nội địa. Chị H.P khẳng định với kinh nghiệm bán vé cả chục năm nay đây là năm giá vé nội địa đợt cao điểm hè rẻ đến ngỡ ngàng.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ GTVT diễn ra ngày 10-7, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT của Vietnam Airline thừa nhận, hiện nay chi phí đầu vào vẫn cao nhưng giá vé máy bay rẻ nhất trong 6 năm gần đây, đặc biệt mùa hè này.

Cụ thể, giá vé nội địa bình quân của Vietnam Airlines tháng 6-2023 đã giảm gần 7% so với cùng kỳ năm 2019. Về tải cung ứng, số lượng ghế trên các chuyến bay của Vietnam Airlines đến những điểm du lịch nổi tiếng như Huế, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc… mới chỉ đầy 60-70% trong tháng 7.

Lý giải việc giá vé máy bay nội địa giảm mạnh, giám đốc một doanh nghiệp (DN) du lịch cho biết, năm nay sức mua thấp do các DN và cả khách cá nhân đều đang trong xu hướng thắt chặt chi tiêu trước bối cảnh kinh tế khó khăn. Khách có xu hướng cắt giảm các chuyến nghỉ mát phải di chuyển bằng máy bay, lưu trú dài ngày, chuyển qua những địa điểm gần có thể di chuyển bằng ô tô, thậm chí đi về trong ngày.

Lấy thí dụ như từ TPHCM (thị trường khách nguồn cho nhiều điểm đến), du khách giờ đang rất háo hức với tour du lịch đến Phan Thiết hay Nha Trang, bởi thời gian di chuyển đã rút ngắn rất nhiều khi có cao tốc Phan Thiết - Dầu Dây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Các điểm đến như Vũng Tàu hay một số tỉnh miền Tây hiện cũng được du khách TPHCM ưa chuộng. Còn lượng khách có tiền lại chọn đi du lịch nước ngoài.

Khách ít còn khiến rất nhiều khách sạn tại các điểm đến như Phú Quốc, Hội An… phải giảm giá mạnh. Thậm chí có những khách sạn giá phòng giảm tới 70-80%. Không ít người đang kỳ vọng với việc giá vé giảm, giá phòng rẻ khách đến các điểm du lịch sẽ cải thiện trong nửa cuối của cao điểm hè năm nay.

Khách tăng nhưng nhiều cơ sở lưu trú vẫn rao bán?

Song hành với câu chuyện giá vé rẻ bất ngờ, thì việc nhiều cơ sở lưu trú ở một số tỉnh/thành rao bán trong nhiều tháng nay cũng đang trở thành điểm nóng trong ngành du lịch. Như tại TPHCM, là trung tâm du lịch lớn của cả nước, trong 6 tháng đầu năm nay TPHCM đã đón hơn 16,41 triệu lượt khách nội địa, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022.

Lượng khách quốc tế ước đạt hơn 1,94 triệu lượt, tăng 306% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 80.833 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách tăng, doanh thu cũng tăng so với cùng kỳ, thế nhưng rất nhiều cơ sở lưu trú tại TP lại đang rao bán.

Trên trang alonhadat.com.vn có rất nhiều tin đăng bán khách sạn tại TPHCM trong những ngày gần đây, trong đó có không ít khách sạn ở khu vực đắc địa quận 1 được rao bán với giá hàng trăm tỷ đồng. Còn những khu vực khác như quận 7, Tân Bình, Gò Vấp… giá rao bán cũng khoảng vài chục tỷ đồng cho một khách sạn.

Trước đó vào cuối tháng 5, trên trang web chính thức, khách sạn Norfolk chạy dòng thông báo sau 30 năm, khách sạn này đã khép lại hành trình phục vụ khách hàng. Vì sao các con số thống kê thì đẹp mà thực tế nhiều cơ sở lưu trú lại phải bán mình?

Lâu nay các khách sạn tại TPHCM, nhất là khu vực trung tâm dựa vào lượng khách quốc tế là chủ yếu, thế nhưng đến nay khách quốc tế vẫn chưa quay lại nhiều. Con số tăng trưởng hơn 300% so với cùng kỳ nói trên thực tế cũng không thấm bao nhiêu, vì lượng khách quốc tế rất quan trọng lại giảm mạnh.

Còn lượng khách nội địa tuy tăng mạnh nhưng theo chia sẻ của một số người làm trong ngành du lịch, con số này có thể bao gồm cả khách nội đô (khách của TP), khách đến để di chuyển sang những tỉnh/thành du lịch khác… nên sẽ không lưu trú hoặc lưu trú ít ngày. Nên tăng trưởng của khách nội địa cũng không cứu được nhiều khách sạn thoát khỏi cơn bĩ cực.

Thực tế không chỉ TPHCM, mà tại nhiều tỉnh/thành vốn là điểm nóng du lịch tình trạng rao bán khách sạn cũng diễn ra khá phổ biến. Tìm kiếm cụm từ rao bán khách sạn Nha Trang sẽ ra rất nhiều kết quả đăng bán mới nhất, trong khi theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh đã đón 2,78 triệu lượt khách lưu trú, tăng 165,3% so với cùng kỳ, đạt 69,5% kế hoạch năm 2023.

Trong đó, có hơn 780.000 lượt khách quốc tế, tăng gấp 17,6 lần so với cùng kỳ; hơn 1,9 triệu lượt khách nội địa, tăng 99,3% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt gần 12.567 tỷ đồng, tăng 126,2% so với cùng kỳ.

Tương tự nếu tìm kiếm sẽ thấy rất nhiều resort, khách sạn ở Hội An, Quảng Nam được rao bán ngay trong thời điểm cao điểm du lịch hè nội địa. Mới đây, VietinBank vừa thông báo gần 400 tài sản cần xử lý, trong đó có nhiều resort, khách sạn 3-4 sao, nhà hàng ở các TP du lịch nổi tiếng. Một số ngân hàng khác cũng rao bán resort để xử lý, thu hồi nợ vay do khách hàng không có khả năng trả.

Tình trạng rao bán khách sạn đang cho thấy một thực tế ngành du lịch vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh nguyên nhân chính là khách quốc tế chưa phục hồi, không ít người đang đặt ra câu hỏi số liệu thống kê lượng khách du lịch lâu nay có thực sự chính xác?

Trở lại câu chuyện của Quảng Nam, trên một số phương tiện truyền thông không ít DN tỏ ra nghi ngờ con số 4,6 triệu lượt khách, vì thực tế DN đang rất khó khăn, ngay trong cao điểm hè mà khách sạn còn rất nhiều chỗ trống.

Đang có tình trạng ngành du lịch tại không ít tỉnh/thành tính cả lượng khách địa phương đến các điểm vui chơi giải trí trong ngày thành khách du lịch, khiến những con số thống kê luôn ấn tượng. Đã đến lúc ngành du lịch Việt Nam phải thành thật với con số để nhìn ra cái khó, cái thực từ đó có bài toán chính xác nhất cho toàn ngành.

Các tin khác