NHTM biết NHNN sẽ phải nới hạn mức
NHNN mới đây đã có văn bản chấp thuận về việc nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 cho một số NHTM trong nước. Một số NH đã được điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên tới 14-15%, so với mức cao nhất là 10-12% đã cấp hồi đầu năm.
Cụ thể, NHNN đồng ý cho MB điều chỉnh mức dư nợ tín dụng tối đa đến hết năm 2021 từ 10,5% lên 15% theo đề nghị của NH này. Vietcombank nới room tín dụng từ 10% lên 14%, VPBank từ 8,5% lên 12,1%, Sacombank từ 6,5% lên 10,5%, Techcombank từ 12% lên 17%, Eximbank từ 6,5% lên 10%, VIB từ 8,5% lên 14,1%, thậm chí TPBank được nâng room tín dụng lên 17,4%...
Hạn mức tín dụng của nhiều NH được nâng lên trong bối cảnh chỉ mới nửa đầu năm nhưng nhiều NH đã sắp cạn room. Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng, tín dụng Vietcombank đã tăng 9,8%, MB tăng 10,5%, Techcombank tăng 11,2% so với đầu năm…
Do vậy, từ tháng 6 đã có khoảng 10 nhà băng đề xuất nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như Techcombank, ACB, Sacombank, MB, VPBank, OCB, VIB, HDBank, Vietcombank, LienVietPostBank…
Trong khi trước đó vào đầu năm 2021, NHNN xây dựng 3 kịch bản cho tăng trưởng tín dụng. Kịch bản 1, việc tiêm chủng vaccine đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12% đến 13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vaccine kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10% đến 12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7% đến 8%. Về kỳ vọng, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12%.
Vậy nhưng, ngay từ đầu năm các NH đã rất lạc quan về việc NHNN sẽ phải nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Đơn cử như VIB được cấp hạn mức 8%, nhưng đặt mục tiêu tăng tín dụng đến 31%. Lãnh đạo VIB nói với cổ đông, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng 12% cho toàn hệ thống trong năm 2021, nhưng chỉ tiêu này cũng linh động theo diễn biến của nền kinh tế.
Bởi lẽ NHNN luôn thận trọng trong các lần giao chỉ tiêu đầu tiên cho NH ở mức 7-12%, sau đó đánh giá mức độ lành mạnh, chất lượng tín dụng, sức khỏe tài chính để giao bổ sung.
Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng trung bình trong 4 năm qua của NH khoảng 25-30%. VIB không phải là ngoại lệ. Theo dõi đại hội cổ đông của các NH cho thấy, đa số các NHTMCP đều tự tin đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao hơn so với chỉ tiêu được giao.
Nhưng dòng vốn có chảy vào sản xuất?
NHNN cho rằng điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) đảm bảo nguyên tắc nhất quán để đạt được mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, và thực hiện chủ trương của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.
Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của TCTD, đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD; ưu tiên đối với TCTD thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân. Tuyên bố của NHNN cho thấy, nhà băng được nới room tín dụng thuộc diện khỏe mạnh và tham gia vào hoạt động giảm lãi suất cho vay.
Thực chất vào lúc này, giải pháp tăng hạn mức tín dụng cho các NHTM là lựa chọn tối ưu để thực hiện mục tiêu ngành NH hỗ trợ nền kinh tế. Vì dư địa của chính sách tiền tệ hiện nay khá hạn hẹp, NHNN không thể giảm thêm lãi suất điều hành trong bối cảnh có nhiều áp lực về lạm phát. Trong khi đó, theo nguyên tắc, tín dụng càng ít thì lãi suất sẽ càng cao.
Khi các NHTM gần chạm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, họ không thể tiếp nhận nhiều hồ sơ vay vốn, đồng thời sẽ khắt khe hơn trong việc lọc khách hàng vay để chọn hồ sơ tốt nhất. Hơn nữa, room tín dụng hạn chế như vậy cũng sẽ làm tăng lãi suất cho vay, bởi tín dụng là yếu tố chính giúp NH đảm bảo mục tiêu lợi nhuận.
Như vậy, NHNN muốn NH hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp (DN) buộc phải mở room tín dụng. Điều này giải quyết được nhiều vấn đề như thêm vốn cho nền kinh tế và ghìm cương lãi suất cho vay, cũng như quyết định “thưởng” room tín dụng còn đi kèm với yêu cầu giảm lãi suất cho vay.
Như vậy, với việc mở room tín dụng, NHNN giải được phần nào bài toán về lãi suất trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng tăng lên theo lạm phát, dẫn đến nhiều dự báo lãi vay sẽ tăng lên trong quý III, quý IV năm nay.
Thế nhưng, câu hỏi đi kèm với việc này là liệu lĩnh vực sản xuất kinh doanh có được hưởng lợi sau quyết định hay không? Thực tế cho thấy, nhu cầu vốn của các lĩnh vực này luôn rất lớn, nhưng khả năng tiếp cận vốn không đồng đều. Lâu nay, cơ quan quản lý vẫn phải thực hiện nhiều “động tác” như khuyến khích, nhắc nhở thậm chí thanh tra, giám sát các NHTM để nắn dòng vốn vào sản xuất kinh doanh.
Hiện tại, rất nhiều DN sản xuất kinh doanh đã được cơ cấu nợ, tuy nhiên khả năng tiếp cận vốn mới cũng sẽ hạn chế nếu không đáp ứng được các tiêu chí thẩm định của NH. Khó khăn tiếp cận vốn sẽ càng nhân lên trong bối cảnh dịch bệnh chưa được đẩy lui hoàn toàn, tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của các DN.
Như vậy, lo ngại tăng trưởng tín dụng cao có thể dẫn đến việc vốn chảy sang các lĩnh vực rủi ro khác, không hỗ trợ được nền kinh tế. Và thực tế năm 2020, chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng không mang lại nhiều lợi ích cho khu vực sản xuất thực mà cho khu vực đầu cơ nhiều hơn, thể hiện qua mức tăng tín dụng tăng 12,13% trong khi GDP chỉ tăng 2,91%. Đó là vấn đề cơ quan quản lý tiền tệ cần quan tâm và kiểm soát.
Năm 2020, chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng không mang lại nhiều lợi ích cho khu vực sản xuất thực mà cho khu vực đầu cơ nhiều hơn, thể hiện qua mức tăng tín dụng tăng 12,13% trong khi GDP chỉ tăng 2,91%. |