Nokia-Vương quốc sụp đổ (K2): Con tàu đắm

Sai lầm trong chiến lược, tụt hậu trong cuộc cạnh tranh smartphone và màn hình cảm ứng, năm 2010 Nokia đã mời cựu Giám đốc Microsoft Stephen Elop về làm CEO nhằm vực dậy công ty. Tuy nhiên, kết quả là 3 năm sau, Nokia phải “bán mình” cho Microsoft.

Sai lầm trong chiến lược, tụt hậu trong cuộc cạnh tranh smartphone và màn hình cảm ứng, năm 2010 Nokia đã mời cựu Giám đốc Microsoft Stephen Elop về làm CEO nhằm vực dậy công ty. Tuy nhiên, kết quả là 3 năm sau, Nokia phải “bán mình” cho Microsoft.  

Nokia-Vương quốc sụp đổ (K1): Kết nối mọi người

Sai lầm

Vài năm gần đây, Apple làm mưa làm gió bằng những chiếc iPhone chạy hệ điều hành iOS, có màn hình cảm ứng toàn phần. Cùng lúc, những chiếc điện thoại di động chạy hệ điều hành mở Android của Google rầm rộ trỗi dậy, mà dẫn đầu là Samsung.

Trong khi đó, Nokia loay hoay thử nghiệm với những hệ điều hành Maemo, Meego bên cạnh Symbian. Nokia không nhanh chóng nắm bắt xu hướng màn hình cảm ứng toàn phần, thay vào đó, hãng cho ra những chiếc điện thoại bàn phím QWERTY để cạnh tranh với BlackBerry mặc dù kiểu dáng điện thoại đó đã có dấu hiệu thoái trào, và cả những chiếc điện thoại bàn phím lai cảm ứng “nửa nạc nửa mỡ”.

Quý IV-2007, hệ điều hành Symbian vẫn còn thống trị 62,5% thị trường, bỏ xa Windows Mobile (11,9%) và RIM (10,9%), nhưng bằng iPhone 3G, iOS đã giành dần vị thế của Symbian.

Đối với đông đảo người Phần Lan, những chiếc điện thoại Nokia là một phần ký ức cuộc đời.

Tháng 5-2008, tại đại hội cổ đông thường niên, Nokia công khai ý định không còn muốn mặc chiếc áo công ty điện thoại mà muốn chuyển thành một công ty kinh doanh internet; Google, Apple và Microsoft không còn là địch thủ cạnh tranh mà sẽ là đối tác quan trọng.

Tiếp đó, Nokia thông báo dừng phân phối điện thoại di động tại thị trường Nhật Bản. Năm 2009, bộ phận an ninh mạng của Nokia bị Check Point thôn tính. Năm 2010, hệ điều hành Android bùng phát mạnh mẽ và đến quý IV-2010, thị phần Symbian chỉ còn 32%, ngược lại, Android vươn lên 30%.

Thay hồn

Với kỳ vọng cứu vãn công ty, năm 2010 Nokia bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mời cựu Giám đốc Microsoft Stephen Elop về làm CEO. Đó là CEO ngoại quốc đầu tiên của Nokia, mà với nhiều người Phần Lan, việc thuê người từ Microsoft đồng nghĩa với trước sau gì Nokia cũng bị dính vào mối ràng buộc với Microsoft.

Những diễn biến sau đó cho thấy sự lo sợ của họ là có cơ sở. Năm 2011, Elop viết “tâm thư” rằng Nokia thiếu thốn công nghệ nội tại và cần nhảy khỏi “một nền tảng đang cháy”, ám chỉ hệ điều hành riêng Symbian.

Những chiếc Nokia đã đồng hành với hàng trăm triệu người, nay sắp đi vào dĩ vãng.

Những chiếc Nokia đã đồng hành với hàng trăm triệu người, nay sắp đi vào dĩ vãng.

Lúc đó, một số kỹ sư Nokia đã phản đối chuyện rước Windows Phone về, họ cho rằng bản thân Symbian đang là một “chiến binh” tốt, nếu cần thì cải thiện Symbian phát triển cao hơn nữa để cạnh tranh với những iOS, Android chứ không việc gì phải “mượn hồn” lính mới Windows Phone.

Nhiều nhà đầu tư cũng chỉ trích việc Elop đặt cược tương lai Nokia vào Windows Phone của Microsoft. Tuy nhiên, CEO Elop đã gạt phăng những ai can gián và khăng khăng dùng Windows Phone mặc dù Windows Phone không phải là một hệ điều hành được ưa chuộng.

Tháng 2-2011, Nokia tuyên bố đối tác chiến lược với Microsoft, bắt đầu bỏ rơi hệ điều hành riêng Symbian để thay bằng hệ điều hành Windows Phone của Microsoft. Ước tính quý II vừa qua, chỉ có 3,7% điện thoại chạy hệ điều hành Windows Phone trong khi iOS và Android chiếm lĩnh 90%. Và có tới 82% các thiết bị Windows Phone là do Nokia sản xuất.

Đổi xác

Sau 3 năm lèo lái Nokia, Elop không những chẳng vực dậy được Nokia mà còn khiến Nokia ngày càng xuống dốc. Nếu như năm 2007, Nokia chiếm 40% thị phần điện thoại di động thì bây giờ giảm mạnh còn 15%, và chỉ 3% thị phần smartphone. Năm 2012-2013, Nokia liên tục cắt giảm nhân viên. Đến tháng 10-2012, Nokia phải rao bán cả tổng hành dinh tại Espoo, Phần Lan.

Khi dòng smartphone Lumia bắt đầu khởi sắc và mang lại chút sinh khí mới cho Nokia thì đột nhiên ngày 3-9-2013, Microsoft thông báo mua bộ phận điện thoại di động của Nokia với giá 3,79 tỷ EUR và thêm 1,65 tỷ EUR mua nhượng quyền 10 năm các bản quyền của Nokia (nằm trong số những bản quyền chất lượng nhất của thị trường di động).

Nokia “bán mình” với một cái giá quá bèo, chỉ bằng một nửa so với giá Google mua Motorola Mobility năm 2012. Elop đã rời ghế CEO Nokia để trở về làm Giám đốc bộ phận thiết bị và dịch vụ của Microsoft. Ở cương vị này, Elop tiếp tục quản lý bộ phận kinh doanh điện thoại mua từ Nokia. Trước đó không lâu, CEO Microsoft Steve Ballmer đã thông báo sẽ về hưu sớm để mở đường cho một CEO mới lãnh đạo Microsoft chuyển hướng sang kinh doanh thiết bị và dịch vụ. Nhiều khả năng chiếc ghế CEO Microsoft sẽ về tay Elop.

Còn Nokia, 1 thập niên trước, họ thống trị thị trường điện thoại di động và giá trị thị trường của công ty lên tới 200 tỷ EUR. Bây giờ, họ đánh mất mảng kinh doanh điện thoại chủ lực, chỉ còn bộ phận thiết bị mạng, định hướng và các bản quyền công nghệ, giá trị công ty còn chừng 15 tỷ EUR.

Thời hoàng kim, Nokia từng đóng góp 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Phần Lan. Bây giờ, nhiều người dân Phần Lan xem sự sụp đổ của “vương quốc điện thoại Nokia” là cú đấm mạnh vào niềm tự hào quốc gia.

Các tin khác