Nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện những “đầu tàu”

(ĐTTCO)-Với phương thức như hiện nay nền nông nghiệp khó có thể phát triển khi vai trò kinh tế nông hộ đạt tới hạn. Cần phải sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp thì mới tạo sức bật mới. Nhưng người nông dân không thể có số vốn lớn để đầu tư và cũng không có kinh nghiệm quản trị. Những doanh nghiệp lớn phải dấn thân vào, hỗ trợ, liên kết nông hộ nhỏ để cùng ra “biển lớn”.

(ĐTTCO)-Với phương thức như hiện nay nền nông nghiệp khó có thể phát triển khi vai trò kinh tế nông hộ đạt tới hạn. Cần phải sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp thì mới tạo sức bật mới. Nhưng người nông dân không thể có số vốn lớn để đầu tư và cũng không có kinh nghiệm quản trị. Những doanh nghiệp lớn phải dấn thân vào, hỗ trợ, liên kết nông hộ nhỏ để cùng ra “biển lớn”.

Đại gia nhập cuộc

Nghị định 210/2013/NĐ-CP “về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”… dù vẫn còn không ít những rào cản, nhưng đã và đang có những chuyển động đáng mừng. Tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp năm 2015 chiếm chưa tới 1% trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước, với khoản 4.000 doanh nghiệp, nhưng so với trước đó, con số doanh nghiệp chỉ mới vài trăm và chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vậy nhưng hơn 1 năm nay bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp đầu đàn ở nhiều lĩnh vực khác đầu tư vào nông nghiệp.

Sự tham gia của những doanh nghiệp vốn ngoại đạo nhưng lấn sân sang nông nghiệp ngày càng nhiều. Năm 2015, khi Hòa Phát, tập đoàn hàng đầu về sản xuất thép đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, sau đó là việc nhập 500 heo giống từ Đan Mạch, chính thức đánh dấu việc tập đoàn này đặt chân vào nông nghiệp.

Với diễn biến này có thể thấy, Hòa Phát hướng tới mô hình chăn nuôi khép kín. Từ việc cung cấp thức ăn, sau đó là con giống đến việc thiết lập các trang trại chăn nuôi, xây dựng nhà máy chế biến và mạng lưới phân phối, tạo thành chuỗi khép kín.

 

Trước đó, Vingroup, tập đoàn hàng đầu về bất động sản vào cuộc khi liên kết 1.000 HTX nông nghiệp cung ứng nông sản an toàn cho người tiêu dùng, không những bao tiêu đầu ra mà còn hỗ trợ đầu vào như giống, phân bón, kỹ thuật với mục tiêu cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng; hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm thay đổi và tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp; tiến tới xây dựng các thương hiệu nông sản.

Sau 3 tháng phát động, 250 hợp tác xã và hộ sản xuất đầu tiên thuộc các lĩnh vực rau, nấm, gạo, trái cây ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty VinEco. Vingroup đầu tư cả hệ thống phân phối để có thể chủ động khi tham gia vào ngành hàng này.

Tháng 7 năm nay, 750 con heo giống cụ kỵ (GGP) từ Đan Mạch đã về đến TPHCM của Công ty cổ phần Hùng Vương, một doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu cá tra. Số heo giống này đưa về nuôi tại trại giống Long An, Bình Định, An Giang... Đây là lô heo giống đầu tiên do Tập đoàn Danbred (Đan Mạch) cung cấp theo hợp đồng mua trọn gói 4.200 con (trong đó có 1.500 GGP, còn lại là ông bà và bố mẹ). Công ty Hùng Vương cũng đầu tư 35 triệu USD xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 500.000 tấn/năm tại Long An.

Dự kiến quý 1-2017, nhà máy đi vào hoạt động, cung cấp cho thị trường. Thực hiện dự án này, Công ty Hùng Vương muốn khép kín từ con giống đến sản xuất thức ăn, hệ thống trang trại ở nhiều tỉnh, thành với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng IPSARD (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho rằng, việc các công ty hàng đầu như Vingroup, Hòa Phát... đầu tư vào nông nghiệp đánh dấu sự thành công trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bởi ngoài tiềm lực về kinh tế, đầu tư vốn cho những mô hình sản xuất hiệu quả, doanh nghiệp còn làm tốt khâu quản lý trong phân phối, tiếp thị nâng cao giá trị nông sản.

“Thung lũng thực phẩm an toàn”

Việc thành lập CLB Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam quy tụ khoảng 200 doanh nghiệp cho thấy khả năng tập hợp các doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài ngành nông nghiệp cả nước để cùng bắt tay giải quyết vấn đề cốt lõi ngành nông nghiệp.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch CLB, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, DAA có sứ mệnh cùng nỗ lực nâng tầm vị thế nông nghiệp theo hướng doanh nghiệp hóa, số hóa, liên kết hóa, góp phần mang lại cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và sung túc hơn cho người dân...

Một trong những mục tiêu của DAA là để các doanh nghiệp có thể tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh và thúc đẩy các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ cao. Tập đoàn FPT sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện giải pháp quản lý nông nghiệp thông minh trên nền công nghệ điện toán đám mây (Akisai Cloud) với sự hỗ trợ từ tập đoàn hàng đầu Nhật Bản Fujitsu. Ứng dụng công nghệ cao nhằm tối ưu năng suất nông nghiệp là giải pháp để phá trần phát triển cho nông nghiệp Việt Nam kể từ sau sự đột phá của “Khoán 10”.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định, nếu có chính sách phù hợp và đầu tư đúng, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra các mô hình trong nông nghiệp công nghệ cao. Khi doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp, nâng cao chuỗi liên kết thì quy mô, năng suất sẽ tăng, tạo ra khả năng cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ số vào quá trình hoạt động sản xuất sẽ có sản phẩm vượt trội hơn sản phẩm nông nghiệp truyền thống, không những vậy còn tạo ra sản phẩm an toàn cho xã hội.

Sự kết nối của DAA mới đây đã hình thành dự án “Thung lũng thực phẩm an toàn” ở tỉnh Bình Phước và Đồng Nai được Công ty TNHH Hùng Nhơn (Bình Phước), với hệ thống trang trại hàng đầu cả nước, đơn vị tiên phong và là đầu tàu trong việc liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp an toàn khi  ký kết với Công ty TNHH De Heus (Thuộc Tập đoàn De Heus Hà Lan) - đơn vị hàng đầu trong thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra có sự hợp tác của Công ty giống Bel Gà (Bỉ) và Công ty tư vấn Fresh Studio (Hà Lan).

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Hùng Nhơn, triển khai dự án này nhằm hình thành chuỗi thực phẩm sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc theo dạng khép kín từ con giống đến thành phẩm, cung ứng cho thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu. Sản lượng dự kiến của dự án: 3 triệu gà thịt, 1 triệu gà đẻ, 1.600 heo nái và 15.000 heo thịt mỗi năm; ngoài ra còn sản xuất và cung cấp rau quả với sản lượng khoảng 900.000 tấn/năm.

Tất cả sản phẩm đều đạt chuẩn GlobalGAP và truy xuất nguốn gốc. Vốn đầu tư dự án 50 triệu USD. Có thể nói, chính sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu với quản trị tiên tiến nhiều hy vọng sẽ giúp cho việc chuyển đổi hẳn nền nông nghiệp từ lượng sang chất, trong đó, vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc được đặt lên hàng đầu.

Các tin khác