Thu nhập là yếu tố chính thu hút các shipper
Những ngày này, giữa cao điểm dịch bệnh, cộng với cái nắng như thiêu như đốt khiến phố phường vắng hoe. Thế nhưng, đây lại là thời điểm vàng của nghề shipper.
Tại một hàng ăn nổi tiếng trên phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, các shipper trong trang phục quần áo, khẩu trang kín mít, nêm chật trong quán, tràn ra cả ngoài đường chờ mua hàng. Không nhớ đây là chuyến hàng thứ bao nhiêu trong ngày, nhìn list đơn dày chi chít, Nguyễn Văn Trọng, một tài xế của Baemin nóng ruột như ngồi trên đống lửa.
“Từ khi thành phố cấm các cửa hàng ăn uống bán tại chỗ thì đơn đồ ăn “nổ” liên tục, nhất là giờ cao điểm buổi trưa từ 11 - 13 h, lượng đơn hàng tăng đến 50%. Khách gọi đông lắm, nhiều quán ăn đông kín anh em đợi hàng...” - anh Trọng cho biết.
Chỉ với vài thao tác đơn giản, đăng nhập vào phần ứng dụng “On driver”, Nguyễn Văn Cường, một shipper tự do ở Tây Mỗ, Hà Nội đã nhanh chóng tìm được đơn hàng mà không phải chi trả bất kỳ khoản phí nào. Cường cho biết, có hàng chục ứng dụng giao hàng tương tự như “On driver” có thể giúp các shipper kết nối với khách hàng chỉ sau vài “tích tắc”.
“Bây giờ có rất nhiều app, kể cả grab hay bee trước đây chỉ chở người nhưng bây giờ cũng có ship hàng, ship đồ ăn. Như grab chỉ tải về riiuf ra 76 Duy Tân đăng ký, cầm giấy tờ theo là bạn có thể đăng ký được và chạy luôn" - anh Cường chia sẻ.
Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, bất kể mặt hàng nào cũng có thể được bán trên mạng. Đi theo hình thức kinh doanh này, dịch vụ giao hàng cũng “gặp mùa”. Với các yêu cầu đơn giản, không đòi hỏi bằng cấp, kèm mức thu nhập hấp dẫn, số người gia nhập “đội ngũ shipper” ngày càng trở nên đông đảo hơn với đủ giới tính, độ tuổi.
Chị Đặng Thị Thanh Thảo, 47 tuổi ở Hà Nội, gắn bó với công việc giao hàng cho Viettel Post được hơn 2 năm. Trước khi trở thành một nữ tài xế, chị từng là một giáo viên mầm non. Từ bỏ một nghề “nắng không đến mặt, mưa không đến đầu” để làm một công việc “dầm mưa dãi nắng”, chị Thảo cho rằng, một công việc thoải mái về thời gian và ít áp lực là lựa chọn đúng đắn đối với chị.
Theo chị Thảo: “Trước tôi làm giáo viên mầm non nhưng ông bà ốm nhiều quá nên mình không thể đi làm mà nghỉ nhiều như thế, bắt buộc mình phải ra ngoài xin đi làm tự do. Và làm như thế này tôi vẫn có thể chăm ông bà, đưa đón con đi học. Tôi cũng đã thử đi nấu ăn, giúp việc cho gia đình, thế nhưng sau khi làm công việc này thì thấy yêu thích và gắn bó với nó hơn hai năm”.
Với những shipper, thu nhập là yếu tố chính thu hút họ. Mức thu cho mỗi đơn hàng giao trong nội thành khoảng 20.000 - 40.000 đồng, tùy vào khoảng cách và tính chất hàng hóa. Nếu siêng năng và biết cách săn đơn, một shipper có thể kiếm được 600.000 - 700.000 đồng/ngày. Công việc này lôi cuốn đến nỗi, nhiều nhân viên văn phòng bỏ việc, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không chọn làm đúng nghề mà quyết định tìm đến nghề shipper để mưu sinh.
Anh Phạm Đình Duy, tốt nghiệp ngành kỹ thuật của một trường Trung Cấp, làm nghề shipper tự do ở Hà Nội được hơn 10 năm cho biết, thu nhập của shipper “ăn đứt” nhiều công việc văn phòng khác: “Nếu cho tôi chọn lại thì vẫn làm shipper vì lương ổn định hơn nhà nước, nhưng phải biết cách. Trước tôi cũng làm kế toán kho của tư nhân, nhưng lương chỉ được 4,5 triệu đồng, một thời gian thì tôi nghỉ, bây giờ chuyển sang nghề shipper này. Nếu mà người nào biết dành dụm ở đất Hà Nội thì thu nhập cũng được. Trung bình tầm 15 triệu đồng, còn nếu cao hơn tầm 30-40 triệu đồng cũng có. Có hôm chạy cả đêm thu nhập được khoảng 1,5 triệu đồng/ngày".
Khác với trường hợp “nhảy việc” như Duy, Nguyễn Văn Hà - sinh viên năm cuối một trường đại học ở Hà Nội lại chọn nghề shipper như một công việc tăng gia. Hà tiết lộ, thu nhập bình quân của một sinh viên đi làm thêm thế này khoảng 5 triệu/ tháng. Dù không phải là một công việc thuộc chuyên ngành, cũng chẳng được “trải nghiệm” môi trường công sở ra sao, song công việc này cũng ít nhiều đem lại những bài học thực tế cho Hà.
Anh Nguyễn Văn Hà chia sẻ: “Tôi đi làm để kiếm thêm chút tiền cho việc đi chơi, chi trả sinh hoạt cá nhân. Bản tính khoái vi vu, đi lại loanh quanh cũng thư giãn được đầu óc nên là tôi đi làm thêm nghề này”.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hơn 60% người dân Việt Nam tiếp cận internet, 98% trong đó đang mua hàng qua mạng. Dịch vụ giao nhận tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM bởi thế ngày càng nở rộ. Không chỉ những ông lớn về dịch vụ chuyển phát như Viettel Post, EMS, VNPost, mà các công ty start-up (giaohangnhanh, supership, giaohangtietkiem) và những doanh nghiệp nước ngoài (Grap, Now, Baemin, Lalamove) cũng nhảy vào chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này. Mỗi công ty, doanh nghiệp lại thu hút hàng chục nghìn lao động làm nghề giao nhận hàng hóa.
Anh Đặng Nhật Minh, cán bộ quản lý chất lượng tài xế cho ứng dụng LaLamove Hà Nội chia sẻ: “Từ 2017 khi đặt chân vào Việt Nam chúng tôi xác định đây là một thị trường rất tiềm năng, với rất nhiều cơ hội. Trước đây người dân quen với các hình thức mua hàng truyền thống. Thì hiện nay với những ứng dụng giao hàng thông minh chỉ rất nhanh, thời gian phục vụ tính theo phút, chứ không phải theo ngày như trước kia".
Nếu như năm 2013 chỉ có vài công ty thì đến nay thị trường đã có hàng chục cái tên khác nhau trong lĩnh vực giao vận, quy mô cũng ngày một lớn hơn. Chưa kể, những người làm shipper tự do. Sự phát triển phong phú đa dạng của nghề này không chỉ tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân mà còn tạo nên bức tranh sống động cho thị trường giao nhận hàng hóa tiêu dùng, là một mắt xích không thể thiếu của cỗ máy thương mại điện tử hiện nay.
Đối mặt với hiểm nguy, lọc lừa
Dù là công việc vất vả, “đội nắng, gánh mưa” trên những cung đường để mưu sinh, song những người làm nghề shipper luôn kỳ vọng có được thu nhập cao từ công việc ít áp lực, chủ động thời gian làm việc. Nhưng cũng ít ai biết rằng, đằng sau nó là những gian nan, cạnh tranh, lừa lọc và cả hiểm nguy. Nhất là trong thời buổi dịch bệnh, khi phần lớn mọi người chọn ở nhà để tránh nguy cơ, thì nghề shipper lại đối mặt với không ít rủi ro tiềm ẩn mà không có bất kể 1 lá chắn bảo vệ nào cho mình.
Bỏ nghề kế toán sang làm shipper tự do với thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, anh Phạm Đình Duy (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) phải đánh đổi bằng những ngày dắt xe ra khỏi nhà khi vợ và hai con còn chưa dậy và trở về khi con đã ngủ say, chỉ còn người vợ trằn trọc lo lắng khi thấy chồng chưa về. Cùng với những chuyến xe đêm là nguy cơ phải đối mặt với rủi ro dịch bệnh, tai nạn và sợ nhất là gặp cướp.
“Trước vợ tôi bầu đứa thứ nhất, nên hay đi làm thêm, lắm hôm đến 2-3h sáng vẫn phải đi lấy hàng cho khách. Nhưng bây giờ tôi chỉ đi đến 12h. Hôm nào muộn quá, shop quen tôi mới chạy, kể cả tiền nhiều cũng không chạy vì rủi ro cao lắm. Cầm được tiền thì sẽ dễ nhưng không cầm được tiền bị nó cướp lại thì còn nguy hiểm hơn" - anh Duy chia sẻ.
Với thu nhập từ nghề giao hàng, vợ chồng anh Duy đã chuyển sang sinh sống ở một nhà trọ rộng rãi hơn trước. Song những trận cãi vã, xích mích xung quanh công việc của chồng cứ tăng dần. Chị Trương Thị Nhã, vợ của anh Phạm Đình Duy luôn thường trực nỗi bất an khi chồng mình làm một nghề tự do “đi sớm, về khuya” trong lúc dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp.
Chị Nhã cho biết: “Nhiều hôm anh ý đi về muộn, điện thoại gọi thuê bao không liên lạc được là cả đêm đó tôi mất ngủ. Thực sự tôi cũng không hài lòng lắm vì có thể ở khía cạnh nào đó, thu nhập có thể cao nhưng không ổn định, được ngày nào hay ngày đấy. Có cái gì đó mình cảm thấy không an toàn và không yên tâm".
Ngoài ra, dịch bệnh là nỗi lo lớn các shipper khi hàng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều người lạ. Dưới cái nóng gần 40 độ tại Hà Nội, chiếc điện thoại của Nguyễn Mạnh Đạt – 20 tuổi không ngừng “nổ” những đơn hàng giao đồ ăn. Đưa tay vội lau những giọt mồ hôi, Đạt kể, thời buổi dịch dã như hiện nay ai cũng hạn chế ra đường nhưng với đặc thù của nghề shipper, mỗi ngày Đạt phải tiếp xúc với khoảng 40 người kể cả khách hàng và chủ cửa hàng kinh doanh. Dù đã chủ động các biện pháp phòng dịch, khẩu trang thay liên tục nhưng Đạt vẫn rất lo lắng trước rủi ro lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình giao hàng:
“Tôi cũng tự trang bị nước rửa tay, rồi khẩu trang thay thường xuyên, quần áo ngày thay hai bộ nhưng nói thật cũng vẫn hơi sợ... Ngày nào vào đọc tin tức thấy báo có nhiều ca nhiễm Covid-19 là tôi cũng e dè nhưng không dám nghỉ. Vì nếu nghỉ thì không có thu nhập” - anh Đạt chia sẻ
Nghề shipper có thể mang lại thu nhập đủ sống cho những lao động yêu thích công việc thoải mái về đầu óc, không đòi hỏi bằng cấp, nhưng rủi ro cũng tỷ lệ thuận. Thường gặp nhất vẫn là tình huống khách "boom" hàng. Lê Văn Minh - shipper giao đồ ăn ở Cầu Giấy, Hà Nội có lần nhận được yêu cầu ứng trước 500.000 đồng lấy đồ ăn cho khách. Lần đó, Minh đã phải vét sạch số tiền có trong túi để mua hàng, khách giục cháy máy. Oái ăm là, khi giao đến địa chỉ yêu cầu, người đặt hàng với bao hứa hẹn đã “biến mất”, tắt cả điện thoại. Vậy là Minh mất trắng tiền công một ngày đi làm.
“Tôi đưa đồ ăn, có đơn vài trăm nghìn. Đến khách không nghe máy hoặc khách không nhận thì coi như mình mất tiền. Nếu không giải quyết được thì mình phải tự xử lý. Đời shipper ai cũng dính vài ba lần khách boom hàng như thế. Có hôm uống vài cốc trà sữa khách "bùng" là chuyện bình thường" - anh Minh bày tỏ.
Đằng sau tay lái của một shipper, phảng phất cả những lời nhiếc móc của khách khi giao hàng trễ giờ, đồ ăn nguội, hoặc giao hàng không đúng yêu cầu (mặc dù lỗi thuộc về phía người bán). Dẫu những lần giao hàng đi cùng với mỏi mệt, đắng chát, vẫn rất nhiều shipper cố gắng vượt qua và bám trụ với nghề. Nhưng nỗi lo sợ lớn nhất với bất cứ shipper nào, đó là gặp phải chủ hàng lừa đảo.
Từng bị lừa mất số tiền 2 triệu đồng do cả tin nên Nguyễn Văn Cường, ở Tây Mỗ, Hà Nội rất cẩn trọng trong quá trình giao hàng. Trong giới shipper, với những đơn hàng shop yêu cầu thu tiền của khách, các tài xế thường ứng trước tiền hàng để sau đó không mất công quay về shop trả tiền. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều kẻ mạo danh là shop bán hàng đưa cho tài xế món hàng không có giá trị, giao đến địa chỉ ảo rồi biến mất cùng với số tiền đã nhận.
Anh Cường Tâm sự, đa số shipper khi bị lừa thường “bấm bụng”, chịu mất trắng số tiền đặt cọc vì không tìm ra bất cứ thông tin gì về người thuê giao hàng. “Đối tượng lừa đảo dùng rất nhiều mánh khóe, chiêu trò. Những người mới đi ship cứ thấy tiền ship cao, là nhận. Lúc sau quay lại gọi điện là cả đầu nhận lẫn đầu gửi hàng thuê bao hết. Một ngày đi làm chả được bao nhiêu, tiền công, xăng xe các thứ, mệt nhọc trên đường... nhưng bị lừa thì phải chịu".
Dịch vụ giao hàng phát triển nhưng loại hình vận chuyển này đang bị nhiều đối tượng xấu lợi dụng. Anh Trần Khắc Tiệp, nhân viên giao hàng khu vực Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, nhiều đơn hàng khách không ứng tiền nhưng bọc gói rất cẩn thận, không ai kiểm duyệt được đó là hàng gì. Nếu trong đó là hàng cấm, là ma túy hay chất gây cháy nổ, shipper không kiểm tra sẽ vô tình tiếp tay cho tội phạm.
Theo anh Tiệp: “Rủi ro lớn nhất là bị nhầm hàng mất hàng, bị hàng cấm ở bên trong. Có rất nhiều hàng chúng tôi không có thời gian để kiểm tra, sau một vài vụ công ty bắt phải mở ra kiểm tra hết. Một ngày 200 đơn, nếu mà kiểm tra sẽ mất thêm nhiều thời gian để mở ra đóng lại, mất thời gian quá thì mình không lấy được đơn hàng”.
Không chỉ đối mặt với những rủi ro, lừa lọc, nghề giao hàng cũng đang đứng trước cuộc khủng hoảng thu nhập do số lượng đội ngũ shipper tăng chóng mặt, khiến thị trường dần bão hòa.
Dạo qua một vòng các hội nhóm trên mạng xã hội như “Ship tìm người, người tìm ship”, hay “Hội Shipper Hà Nội” chỉ cần một mẩu rao vặt xuất hiện với nội dung cần tìm nhân viên giao hàng là lập tức thu hút hàng chục người vào nhận việc, thậm còn “ phá giá thị trường” với mức thù lao rất thấp.
Còn không ít tình huống bi hài, thậm chí cả những ấm ức, tủi hờn mà shipper nào cũng phải trải qua. Họ như những "chú ong thợ" cần mẫn vẫn mải miết hòa vào dòng người tấp nập với lỉnh kỉnh hàng hóa, để đổi lấy sự hài lòng của khách hàng, và cũng là để “tích tiểu thành đại” từ những đồng tiền công ít ỏi đằng sau những chuyện buồn vui sau tay lái.