'Nút thắt' tín dụng không dễ tháo gỡ như kỳ vọng

(ĐTTCO) - Nền kinh tế đang rơi vào cảnh ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp khát vốn, không mặn mà vay vốn. Hệ quả là tín dụng 9 tháng mới đạt gần 50% mục tiêu đề ra.
Ngân hàng cần đẩy nhanh việc “chữa bệnh” thừa tiền. Ảnh: N. THẮNG
Ngân hàng cần đẩy nhanh việc “chữa bệnh” thừa tiền. Ảnh: N. THẮNG

Để kích tín dụng, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp lớn, trong đó có giảm lãi suất. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn chưa khơi thông được thị trường.

Nơi thừa tiền, nơi thiếu vốn

Sau nhiều năm, hệ thống NHTM đã đối mặt tình trạng huy động nhiều hơn cho vay. Điều này thể hiện rõ trên báo cáo tài chính quý III. Theo công bố của ABBank, huy động từ khách hàng 9 tháng qua đạt 102.018 tỷ đồng, nhưng dư nợ tín dụng chỉ đạt 86.069 tỷ đồng.

Tương tự, LPBank huy động vốn gần 274.580 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ ở mức 263.640 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng của Saigonbank 19.516 tỷ đồng, còn tiền gửi khách hàng đạt 22.878 tỷ đồng. Cho vay khách hàng của BacABank 98.642 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng 114.586 tỷ đồng…

Dữ liệu NHNN cập nhật đến cuối tháng 8, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống TCTD đạt hơn 12,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 147.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7 và tăng hơn 627.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Riêng số dư tiền gửi của khách hàng dân cư cuối tháng 8 hơn 6,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với đầu năm.

Theo đó, liên tục 21 tháng tiền gửi của dân cư đạt mức tăng trưởng dương. Các chuyên gia tài chính lý giải năm 2023 tiền đổ về kênh NH vì lãi suất cao, nay tiền đổ về kênh này vì kênh trái phiếu, chứng khoán và bất động sản đều gặp trắc trở, kênh vàng và ngoại tệ nhiều bấp bênh.

Nhưng ở chiều ngược lại, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã chỉ ra và đề nghị tập trung đánh giá kỹ thực trạng nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn. Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29-9 chỉ tăng 6,92%.

Nhận định về số liệu này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cho rằng đã có dấu hiệu tốt hơn so với các số liệu công bố trước đó. Tuy nhiên, đặt vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả năm 2023, tức còn đến 7% tăng trưởng tín dụng cho 3 tháng còn lại, là mục tiêu rất thách thức.

Muốn giảm lãi suất phải đi từ những việc căn cơ hơn, thay vì đi theo lối cũ như giảm lãi suất điều hành và nghiệp vụ thị trường mở.

Tín dụng tăng chậm, NH ế vốn đồng nghĩa các DN đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong tham luận gửi đến Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023 mới đây, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, nêu vấn đề trong bối cảnh phục hồi xuất hiện 2 nghịch lý. Một là, các NH đang phải ôm lượng tiền gửi lớn chưa từng có của người dân, trong khi tín dụng tăng chậm dù lãi suất cho vay giảm. Hai là, tiền dư, lãi suất giảm nhưng DN không thể tiếp cận.

Theo ông Thân đến nay phần lớn DN có nhu cầu vay vốn đã kiệt quệ về tài chính, không còn tài sản thế chấp, trong khi hệ thống NH cũng gặp khó khăn vì dư thừa nguồn lực nhưng không thể cho vay.

NHNN sẽ tiếp tục hành động?

Thực tế, NHNN đã đặt ra vấn đề mở rộng tín dụng thông qua các giải pháp lớn để giải bài toán NH thừa tiền, DN khát vốn, cũng như hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong đó, giảm lãi suất là một trong những giải pháp được thực thi mạnh nhất. Theo đó, NHNN đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 0,5-2%/năm.

Nhưng dù lãi suất huy động cũng lùi sâu song tăng trưởng tín dụng vẫn rất chậm, bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan và chủ quan của cả NH và DN. Cụ thể, nhiều DN muốn vay nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ, trong khi nhiều DN được NH mời chào vay nhưng chưa có nhu cầu vay.

Cho vay chậm, tiền gửi nhiều khiến thanh khoản VNĐ dư thừa, cộng với đà tăng của USD trên thị trường thế giới, đã khiến tỷ giá gặp áp lực trong mấy tháng qua. NHNN đã phải sử dụng trở lại kênh phát hành tín phiếu để giảm áp lực giữa tỷ giá, cân bằng lãi suất thị trường liên NH, hạn chế tác động lên lãi suất trên thị trường 1.

Dù vậy, nhiều tổ chức dự báo tỷ giá vẫn còn đối mặt với nhiều áp lực và sẽ căng thẳng hơn nếu USD tăng giá trị. Phát hành tín phiếu chỉ là giải pháp tạm thời. Công cụ hữu hiệu NHNN thường dùng để kiểm soát tỷ giá là dự trữ ngoại hối quốc gia, ở thời điểm này cũng có giới hạn nhất định, sau khi NHNN mạnh tay bán ngoại tệ can thiệp thị trường vào năm 2022. Từ lo ngại tỷ giá, khiến tiến trình giảm lãi suất điều hành được dự báo tạm dừng ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024.

Vậy có giải pháp nào để NHNN không giảm lãi suất điều hành nhưng lãi suất cho vay vẫn giảm, kích thích nhu cầu tín dụng? Ở đây cùng nhìn lại một vấn đề, Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu, trong đó đánh giá năm 2022 NHNN đã triển khai các biện pháp để tác động giảm lãi suất cho vay của các TCTD.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay không giảm, thậm chí còn tăng. Báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra nhiều NH thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ DN lại tăng biên độ lãi suất so với đầu năm.

Tại hội nghị kết nối NH-DN diễn ra ngày 20-10, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, cho biết hiện nay một số khoản vay của DN vẫn phải chịu lãi suất cao (chủ yếu những khoản vay cũ), đồng thời cũng yêu cầu các NH tiếp tục chủ động giảm lãi suất cho vay, nhất là với các khoản vay cũ.

Như vậy, câu chuyện lãi suất phải chăng đang nằm ở vấn đề thị trường, xuất phát từ các vấn đề của NH và mối quan hệ NH-DN? Nói cách khác, lãi suất cho vay giảm nhưng không dành cho tất cả, khiến DN khó phục hồi và tiếp cận vốn mới?

Một chuyên gia kinh tế cho rằng muốn đạt được mục giảm tiếp lãi suất, cơ quan quản lý nhà nước cần sử dụng các công cụ mạnh mẽ hơn, như dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn, để cung ứng lượng vốn với lãi suất thấp và ổn định hơn vào hệ thống NHTM.

Chẳng hạn, các giấy tờ có giá đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định được các NHTM sử dụng để tiếp cận với một lượng vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn đáng kể so với huy động từ thị trường, từ đó làm giảm chi phí huy động vốn bình quân và kéo giảm lãi suất cho vay.

Còn nếu tiếp tục sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ như giảm lãi suất điều hành và nghiệp vụ thị trường mở, sẽ chỉ mang lại một phần hiệu quả trong nhiệm vụ giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

Các tin khác