Để có cái nhìn tổng thể, ĐTTC đã có cuộc phỏng vấn với hai nhà kinh tế GS.TS TRẦN NGỌC THƠ, Đại học Kinh tế TPHCM và TS. HỒ QUỐC TUẤN, Đại học Bristol (Anh) xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa hai ông, với góc nhìn của chuyên gia kinh tế tài chính, vì sao Trung Quốc phải định hình lại thị trường vốn của họ?
TS. HỒ QUỐC TUẤN: - Theo tôi các lãnh đạo Trung Quốc đang cho rằng sự phát triển thiếu kiểm soát của kinh tế tư nhân, bao gồm việc các công ty công nghệ lấn sân sang lĩnh vực tài chính, và một số nhân sự trong chính quyền “thân thiết quá mức” với những công ty này giúp họ đạt lợi ích bất chính. Song thật ra đây chỉ là phần nổi của tảng băng.
Minh chứng là sự tăng giá mất kiểm soát của thị trường bất động sản và cổ phiếu, tạo ra những rủi ro bất ổn với kinh tế-xã hội của Trung Quốc, làm gia tăng bất bình đẳng trong thu nhập. Khả năng kiểm soát dữ liệu cá nhân qua các nền tảng công nghệ cũng là điều mà Chính phủ Trung Quốc quan tâm. Với quan điểm chủ đạo lấy ổn định là yếu tố quan trọng hàng đầu, các lãnh đạo lo ngại những diễn biến “mất trật tự” này sẽ gây bất ổn cho cả hệ thống.
Vì vậy, ngược với quan điểm “ủng hộ thị trường” hồi 2013, ông Tập Cận Bình đang dần quay về hướng siết chặt lại sân chơi của các công ty công nghệ và thị trường tài chính. Phương Tây nhìn nhận là ông đã “quay xe” lại với mô hình thị trường. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc siết chặt vốn vào bất động sản, cấm các ứng dụng công nghệ như Didi, gây áp lực dừng phát hành lần đầu (IPO) ở Mỹ như Ant, hạn chế cấp phép trò chơi điện tử, kiểm soát thị trường dạy thêm trực tuyến là một vài thí dụ.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận sự bùng nổ có phần thiếu kiểm soát của những hoạt động này đi ngược với tiêu chí hàng đầu là “ổn định” của các lãnh đạo Trung Quốc.
Đúng là Trung Quốc đi ngược với quan điểm chính sách “ủng hộ thị trường” đưa ra hồi 2013. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận sự bùng nổ có phần thiếu kiểm soát của những công ty mang tính “thị trường" này đang đi ngược với tiêu chí hàng đầu là “ổn định” của các lãnh đạo Trung Quốc. |
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cùng chung số phận với các công ty nội địa Trung Quốc. Theo những quy định được viết lại, nhà đầu tư nước ngoài phải phải tự kiểm tra xem họ có thuộc trong danh mục phủ định (không được đầu tư hoặc đầu tư có điều kiện) của 550 danh mục ngành nghề, rồi phải tìm xem cơ quan quản lý chịu trách nhiệm cấp phép, có lĩnh vực họ còn bị buộc phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc như là một phần của chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”.
Chưa hết, nhà đầu tư nước ngoài còn phải tuân thủ Luật bảo mật dữ liệu và Luật bảo vệ thông tin cá nhân vừa được thông qua vào năm rồi. Điều này đã hạn chế đáng kể việc xử lý dữ liệu khách hàng và chuyển dữ liệu ra nước ngoài. Thậm chí mới tuần rồi, các cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc đã chỉ đạo các ngân hàng nước ngoài (và trong nước) phải khống chế mức trả lương, thưởng cho giám đốc điều hành, ít nhất 40% tiền thưởng cho nhân viên cấp cao phải được hoãn lại trong ba năm trở lên, như dấu hiệu mới nhất cho nỗ lực thúc đẩy “thịnh vượng chung” của ông Tập Cận Bình tăng tốc nhanh nhất trước đại hội Đảng trong năm nay.
Nói tóm lại, ông Tập Cận Bình không muốn nhìn thấy tình trạng mở rộng tư bản vô trật tự, thậm chí đối với các nhà đầu tư nước ngoài, vì thế ông đang tìm cách viết lại luật chơi.
- Như phân tích của hai ông, thì cách làm hiện nay của Trung Quốc khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước lo ngại. Điều này trông có vẻ mâu thuẫn? Chẳng lẽ ông Tập Cận Bình lại tự “lấy đá ghè chân mình”?
GS.TS TRẦN NGỌC THƠ: - Vào cuối tháng 4 năm nay, ông Tập Cận Bình nói với các Ủy viên Bộ Chính trị trong một hội nghị tại Bắc Kinh, rằng nếu tư bản chỉ theo đuổi lợi nhuận không hạn chế sẽ mang lại “tác hại khôn lường” cho Trung Quốc. Nhưng theo tôi, nguyên nhân sâu xa là mang tính chính trị.
Có lẽ Trung Quốc đã tự tin rằng họ hiểu về nền kinh tế hơn là thị trường. Theo đó, họ chấp nhận trả giá cho diễn biến bất ổn của thị trường trong ngắn hạn để “uốn nắn” lại nền kinh tế theo định hướng của một trật tự mới về kinh tế, bao gồm một thị trường vốn và công nghệ phát triển “có trật tự” hơn. |
TS. HỒ QUỐC TUẤN: - Có thể nói các lãnh đạo Trung Quốc đã tự tin là họ hiểu về nền kinh tế hơn là thị trường, ít nhất là trong cách nhận định của một số nhà quan sát như Hudson Lockett trên tờ Financial Times. Theo đó, họ chấp nhận trả giá cho diễn biến bất ổn của thị trường trong ngắn hạn để “uốn nắn” lại nền kinh tế theo định hướng của một trật tự mới về kinh tế, bao gồm một thị trường vốn và công nghệ phát triển “có trật tự” hơn.
Tuy nhiên, họ có thể đã không dự đoán được những tác động lớn của những quyết định đó, thí dụ như áp lực vỡ nợ đối với tập đoàn bất động sản như Evergrande, hay mức giảm giá mạnh của thị trường cổ phiếu và bất động sản…
- Vậy theo hai ông, việc “quay xe” đối với các gã khổng lồ công nghệ và định hình lại thị trường vốn, nhất là từ tháng 4 sau khi nổ ra chiến sự Nga-Ukraine, có liên quan gì đến việc Trung Quốc đang tính toán vị thế của họ trên toàn cầu? Hai ông có thể đưa ra một hàm ý chính sách cho Việt Nam?
GS.TS TRẦN NGỌC THƠ: - Đây là vấn đề rộng lớn trên nhiều khía cạnh. Tôi chỉ xin tập trung vào 2 ý chính có liên quan đến góc nhìn của người đang sống và làm việc tại Việt Nam. Thứ nhất, ông Tập Cận Bình từ lâu đã chủ trương phát triển khu vực doanh nghiệp nhà nước như là “hòn đá tảng” của nền kinh tế quốc dân.
Phong trào “tiến ra toàn cầu” lâu nay cũng lấy binh chủng chủ lực là doanh nghiệp nhà nước. Khi nổ ra chiến sự Nga-Ukraine, ông Tập Cận Bình càng có cơ hội tận dụng vũ khí hạt nhân từ doanh nghiệp nhà nước làm thay đổi cuộc chơi.
Chẳng hạn mới đây, Trung Quốc đã nỗ lực hợp nhất 3 tập đoàn thép lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước, trở thành người mua thép lớn nhất toàn cầu với hy vọng ép giá thép nhập khẩu về Trung Quốc ở mức thấp nhất có thể. Là nhà nhập khẩu thép chiếm 70% sản lượng toàn cầu, ông Tập Cận Bình nuôi mộng hình thành “người mua thép tập trung” để Bắc Kinh trở thành trung tâm định giá thép.
Trước mắt, Australia nhà xuất khẩu thép lớn nhất đang dần cảm thấy những thiệt hại nặng nề. Các nước, trong đó có Việt Nam cần phải nghiên cứu kỹ để có đối sách thích hợp. Chúng ta đã chứng kiến tình trạng người mua hàng từ Trung Quốc ở mọi lĩnh vực từ du lịch (tour không đồng), thu mua nông sản, khai thác tài nguyên, bất động sản… với giá rẻ. Ắt hẳn đâu đó có bóng dáng phương thức “người mua tập trung” với quyền lực định giá từ đầu mối trung ương.
Có thể thấy, trọng tâm chiến lược vực dậy kinh tế Trung Quốc được xây dựng quanh việc thúc đẩy đầu tư công, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, mà trong chiến lược đó vai trò doanh nghiệp nhà nước sẽ là chủ đạo. |
Ông Tập Cận Bình cho rằng nếu thừa nhận thị trường đóng vai trò “quyết định”, thì vai trò của Đảng vẫn phải “quyết định hơn”.
Kể từ năm 2013 đến nay, khoảng 1.800 quỹ hướng dẫn của chính phủ đã huy động được hơn 900 tỷ USD cho các ngành công nghiệp chiến lược như sản xuất cao cấp, năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học. Tương lai của chiến lược này thành công đến mức nào cần chờ thời gian.
Nhưng trước mắt, việc biến thị trường vốn Trung Quốc thành một thị trường mà nơi đó giá cả hình thành chỉ do Bắc Kinh chỉ đạo, đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tháo chạy khỏi Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ.
Trong báo cáo của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, họ gọi tên Trung Quốc giờ là “quốc gia không thể đầu tư”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa hiểu một nền kinh tế phát triển cần phải có hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả.
Ông Tập Cận Bình hoàn toàn nhìn thấy đồng đô la hùng mạnh đã cho phép Mỹ vũ khí hóa tài chính để trừng phạt Nga, và ông cũng muốn có đòn bẩy tương tự. Điều này chỉ có thể đạt được bằng cách dỡ bỏ kiểm soát vốn và làm cho đồng nhân dân tệ tự do chuyển đổi hoàn toàn. Nhưng vấn đề là hiện tại Bắc Kinh không có đủ tự tin làm một cuộc hiện đại hóa thị trường vốn và chính sách tiền tệ của họ.
Theo tôi, trừ phi để cho điều này xảy ra, thì cho dù có tính toán thế nào, ông Tập Cận Bình sẽ khó thể thực hiện được đầy đủ tham vọng đưa Trung Quốc trở thành siêu cường tài chính.
Theo tôi, đây là thời cơ để Việt Nam tiến hành những cải cách sâu rộng, đặc biệt chú ý cải cách và hiện đại hóa thị trường tài chính, nhằm thu hút các nhà đầu tư quốc tế lấp đầy chỗ trống từ Trung Quốc.
TS. HỒ QUỐC TUẤN: - Trước tiên cần nhận ra rằng, việc Chính phủ Trung Quốc muốn tiếp tục bành trướng và mở rộng đầu tư vào một chiến lược đầu tư hạ tầng lớn (“all-out”) để vực dậy nền kinh tế đang nhiều khả năng không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% (dù đã là mục tiêu thấp nhất trong nhiều năm), và xa hơn là rõ ràng hướng tới tham vọng bành trướng thành một siêu cường trên thế giới, tạo một thế giới đa cực mà Trung Quốc gần đây thường nhấn mạnh.
Một trong những điểm nhấn có thể thấy trong chiến lược đó là vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước và những mô hình “hợp tác công tư”. Như vậy có thể thấy, trọng tâm chiến lược vực dậy kinh tế Trung Quốc được xây dựng quanh việc thúc đẩy đầu tư công, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, mà trong chiến lược đó vai trò doanh nghiệp nhà nước sẽ là chủ đạo.
Kết hợp mô hình này với quan điểm lập lại trật tự trên thị trường tài chính và công nghệ, đồng thời đẩy mạnh cạnh tranh về công nghệ và ảnh hưởng với phương Tây, chúng ta có thể dự đoán rằng vai trò của các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc sẽ ngày càng được gia cố thêm, đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt trong đầu tư hạ tầng và cạnh tranh công nghệ, ảnh hưởng với phương Tây, vì đây là nhóm doanh nghiệp mà lãnh đạo Trung Quốc tự tin kiểm soát được.
Từ năm 2019, lần lượt các tờ báo Economist rồi Financial Times đều đăng bài phân tích chỉ ra rằng, sự quay lưng của ông Tập Cận Bình với mô hình thị trường sẽ đặt mô hình tăng trưởng của Trung Quốc trước rủi ro vì tín dụng sẽ đổ vào các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thay vì các doanh nghiệp tư nhân linh hoạt, hiệu quả và sáng tạo hơn. Song cho đến nay, tăng trưởng chậm lại đáng kể so với tốc độ tăng trưởng trước đây là một minh chứng cho thấy các nhận định này đã đúng.
Đây là một bài học mà Việt Nam nên lưu ý. Ông Tập Cận Bình đã tập trung sử dụng sức mạnh của khu vực kinh tế nhà nước để thực thi một số mục tiêu chính trị của mình, nhưng đồng thời vẫn không thể kiểm soát được nợ của chính quyền địa phương, và cũng không thành công với mục tiêu kiểm soát thị trường bất động sản, cũng không đạt được chiến lược “Cùng giàu lên” (common prosperity), mà giờ đây phải quay lại cấp phép trở lại cho các công ty công nghệ làm trò chơi mới, nới lỏng kiểm soát thậm chí tung tiền đẩy thị trường bất động sản lên lại.
Đó là vì suy cho cùng, chiến lược của ông buộc phải dẫn đến sự dịch chuyển dòng vốn từ khu vực hiệu quả hơn là khu vực doanh nghiệp tư nhân, sang khu vực kém hiệu quả và thiếu sáng tạo là khu vực doanh nghiệp nhà nước. Mà làm như vậy thì không tạo ra được bất kỳ đột phá nào để giải quyết những vấn đề mà ông Tập muốn nhắm đến như bất bình đẳng trong xã hội, hay cạnh tranh với phương Tây và tự chủ công nghệ cả.
Khuyết tật do thị trường tạo ra không phải cứ chuyển nguồn lực sang khu vực nhà nước là xử lý được, có khi còn làm vấn đề méo mó hơn hoặc tạo ra vấn đề mới.
- Xin cảm ơn hai nhà kinh tế trong cuộc trao đổi này.