Ông Tập Cận Bình phản đối phương Tây dùng khủng hoảng Ukraine làm 'vật tế thần'

(ĐTTCO) - Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định rằng nước này phản đối những nỗ lực sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để làm vật tế thần hoặc khơi dậy một cuộc chiến tranh lạnh mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đang thực hiện chuyến công du 6 ngày tới châu Âu trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU) gia tăng do lo ngại về quan hệ gần gũi của Bắc Kinh và Nga.

“Trung Quốc không phải là người tạo ra cuộc khủng hoảng, cũng không tham gia vào cuộc khủng hoảng đó. Nhưng chúng tôi cũng không phải là người ngoài cuộc, chúng tôi luôn đóng góp tích cực để đạt được hòa bình”, ông Tập nói trong cuộc họp báo.

Cuộc họp báo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Cuộc họp báo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

“Chúng tôi cũng phản đối việc sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để làm vật tế thần hoặc bôi nhọ nước thứ ba và kích động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, ông Tập nói thêm, ám chỉ những cáo buộc từ Washington về vai trò của hàng xuất khẩu “lợi ích kép” của Trung Quốc trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Những xung đột thương mại của châu Âu với Trung Quốc và những nghi ngờ về tham vọng toàn cầu của nước này gia tăng sau khi chiến sự Ukraine nổ ra.

Bắc Kinh cho tới nay vẫn từ chối lên án chiến sự tại Ukraine và thay vào đó nước này bị phương Tây cáo buộc như một huyết mạch quan trọng cho nền kinh tế Nga đang bị trừng phạt nặng nề.

Chuyến thăm của ông Tập tới châu Âu diễn ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ trong những tuần gần đây đã nêu lên quan ngại với những người đồng cấp Trung Quốc về hàng hóa lưỡng dụng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga, mà họ cho rằng đang cho phép Nga mở rộng cơ sở công nghiệp quốc phòng khi nước này tiếp tục tấn công dữ dội vào Ukraine.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết vào tháng trước rằng sự hỗ trợ mà Trung Quốc đang cung cấp bao gồm số lượng đáng kể máy công cụ, động cơ máy bay không người lái và động cơ phản lực cũng như công nghệ tên lửa hành trình, vi điện tử và nitrocellulose mà Nga sử dụng để sản xuất nhiên liệu đẩy cho vũ khí.

Dù vậy, Trung Quốc đã bảo vệ quan hệ thương mại của nước này với Nga như một phần của quan hệ song phương thông thường.

Ký 18 thỏa thuận hợp tác

Cũng tại buổi họp báo, ông Tập cho biết Trung Quốc và Pháp sẽ nỗ lực hướng tới sự cân bằng trong thương mại song phương.

Họ sẽ mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, tài chính và các lĩnh vực khác, đồng thời thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới chung trong các lĩnh vực bao gồm hàng không, hàng không vũ trụ và năng lượng hạt nhân dân dụng.

Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu thêm các sản phẩm chất lượng cao từ Pháp và tạo điều kiện cho cơ chế “từ trang trại Pháp đến bàn ăn Trung Quốc”.

Cuộc hội đàm giữa phái đoàn Trung Quốc và Pháp.

Nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Pháp, hai bên đã ký 18 thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, bao gồm các lĩnh vực như hàng không, nông nghiệp, phát triển xanh và hợp tác doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chủ tịch Trung Quốc chỉ ra rằng thế giới ngày nay còn lâu mới yên bình, do đó Trung Quốc và Pháp, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nên lên tiếng giải quyết hòa bình các vấn đề nóng và đóng góp cho một thế giới hòa bình lâu dài và an ninh chung.

Sau khi rời Pháp, ông Tập sẽ thăm Hungary và Serbia - hai quốc gia được coi là thân thiện với Trung Quốc và gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các tin khác