Sở thích ngông cuồng
Durov sinh ra ở St Petersburg, Nga, và trở nên nổi tiếng ở nước mình khi mới ngoài 20 tuổi nhờ việc thành lập mạng xã hội VKontakte (VK), đáp ứng nhu cầu của người dùng nói tiếng Nga và đánh bại Facebook trên khắp các nước Liên Xô cũ.
Tuy nhiên, sau những tranh chấp với chính quyền Nga và các cuộc chiến giành quyền sở hữu, Durov đã bán VKontakte và thành lập một dịch vụ nhắn tin mới có tên là Telegram. Ứng dụng này nhanh chóng thu hút được sự chú ý nhưng lại gây tranh cãi, khi những người chỉ trích lên án việc thiếu kiểm soát đối với nội dung cực đoan.
Một trong những hành vi ngông cuồng của Durov là hành động ném những tờ tiền mệnh giá cao vào người đi bộ từ trụ sở chính của VK trên nóc một hiệu sách lịch sử trên phố Nevsky Prospekt, St Petersburg, vào năm 2012.
Trong các cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra ở Nga vào đầu năm 2012, Durov cũng nổi lên như một anh hùng của phe đối lập tự do, khi từ chối đóng cửa các nhóm trên trang web chuyên tổ chức các cuộc tuần hành phản đối. Nhưng sau khi gặp rắc rối với Điện Kremlin vì từ chối giao dữ liệu cá nhân của người dùng cho Cơ quan An ninh Nga (FSB), Durov đã bán cổ phần của mình và rời khỏi Nga vào năm 2014.
Durov đã từ chức khỏi VK với một hành động không giống ai, là đăng một bức ảnh cá heo và khẩu hiệu "Tạm biệt và cảm ơn vì tất cả những chú cá", một tiêu đề trong loạt phim khoa học viễn tưởng Hitchhiker's Guide to the Galaxy.
Durov là một nhân vật thất thường và đôi khi bí ẩn, hiếm khi trả lời phỏng vấn và chỉ giới hạn bản thân trong những tuyên bố đôi khi khó hiểu trên Telegram. Là một người tự nhận theo chủ nghĩa tự do, Durov ủng hộ tính bảo mật trên internet và mã hóa trong tin nhắn.
Ông đã kiên quyết từ chối cho phép kiểm duyệt tin nhắn trên Telegram, trong khi cho phép người dùng đăng video, hình ảnh và bình luận thoải mái trên các kênh công khai. Đây là nguyên nhân khiến Durov bị truy nã tại Pháp với loạt hành vi, từ gian lận đến buôn bán ma túy, khiêu dâm, bắt nạt trên mạng và tội phạm có tổ chức (bao gồm cả việc thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố và gian lận).
Tính bảo mật của Telegram
Durov đã phát triển Telegram cùng anh trai Nikolai trong khi đi du lịch từ nước này sang nước khác, và ra mắt dịch vụ này vào năm 2013. Ông định cư tại Dubai và nhập quốc tịch của quần đảo Saint Kitts và Nevis thuộc vùng Caribe. Tháng 8-2021, Durov nhập quốc tịch Pháp sau một thủ tục khá “kín tiếng” mà Paris vẫn giữ bí mật tuyệt đối.
Trong khi đó, Telegram đã đạt được thành công vang dội, khi tự coi mình là nhà vô địch của các quyền tự do cá nhân, từ chối kiểm duyệt và bảo vệ tính bảo mật của người dùng. Sự kết hợp giữa tính tiện dụng và quyền riêng tư đã khiến ứng dụng này trở nên phổ biến với những người biểu tình ủng hộ dân chủ trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, điều này khiến chính quyền tức giận, đặc biệt là ở quê nhà của ông. Năm 2018, một tòa án ở Moscow đã ra lệnh chặn dịch vụ này. Tuy nhiên, quyết định này gây phản ứng hỗn loạn khi những người biểu tình phản đối trước trụ sở FSB. Kể từ đó, Nga đã từ bỏ nỗ lực chặn Telegram và dịch vụ nhắn tin này được cả Chính phủ Nga lẫn phe đối lập sử dụng.
Telegram cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, được các blogger từ cả hai bên sử dụng. Những người này đăng các phân tích và video về cuộc chiến đang diễn ra. Các kênh ủng hộ Moscow do "Z-blogger" điều hành, những người ủng hộ cuộc chiến này đã chứng tỏ có ảnh hưởng rất lớn và đôi khi chỉ trích chiến lược quân sự của Nga.
Theo Forbes, tài sản của Durov là 15,5 tỷ USD, nhưng giá trị của Toncoin, tiền điện tử mà Durov tạo ra, đã giảm mạnh hơn 15% kể từ khi có thông báo về vụ bắt giữ Durov tại Pháp.
Dù luôn né tránh các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông, nhưng vào tháng 4 vừa qua Durov đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Mỹ Tucker Carlson.
Trong cuộc phỏng vấn, Durov nói: “Mọi người thích sự độc lập. Họ cũng thích sự riêng tư, tự do, có rất nhiều lý do khiến ai đó chuyển sang Telegram”. Durov cũng không ngại đăng tin nhắn trên kênh Telegram của riêng mình, tuyên bố rằng ông sống một cuộc sống đơn độc, kiêng thịt, rượu và thậm chí là cà phê.
Luôn mặc đồ đen, Durov có ngoại hình giống với nam diễn viên Keanu Reeves trong bộ phim Ma trận. Thậm chí, Durov còn khoe rằng mình là cha ruột của hơn 100 đứa trẻ nhờ tinh trùng hiến tặng của mình ở hàng chục quốc gia. Theo Durov, đây là "nghĩa vụ công dân" với thái độ nuôi dạy con cái giống với ông trùm công nghệ Elon Musk.
Trách nhiệm của các ông trùm
Telegram từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của các cơ quan tư pháp châu Âu vì cáo buộc phát tán thuyết âm mưu, dù Durov khẳng định sẽ phản hồi mọi yêu cầu xóa nội dung kêu gọi bạo lực hoặc giết người. Việc Pháp bắt giữ và điều tra Durov làm dấy lên câu hỏi, liệu các CEO công nghệ có phải chịu trách nhiệm trực tiếp với những nội dung mà người khác tạo ra trên các nền tảng của họ hay không.
Trước đây, các ông trùm công nghệ thường ít khi phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra trên nền tảng của họ. Đơn cử là Mục 230 của Đạo luật Chuẩn mực truyền thông (Communications Decency Act), nằm trong Đạo luật Viễn thông (Telecommunications Act) của Mỹ, đã bảo vệ các nền tảng Internet không cần chịu trách nhiệm đối với nội dung do người dùng tạo ra.
Đạo luật này giúp các CEO công nghệ không phải đối mặt với hậu quả trực tiếp do hành vi phạm pháp trên nền tảng. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy hàng rào bảo vệ này đang suy yếu, đặc biệt khi liên quan đến trẻ em.
Theo New York Times, các cơ quan thực thi pháp luật đang dần tăng cường giám sát các nền tảng và sàn giao dịch trực tuyến. Họ bắt đầu cân nhắc khi nào nên quy trách nhiệm trực tiếp cho các lãnh đạo. Đơn cử như Luật An toàn trực tuyến mới của Anh buộc các lãnh đạo công nghệ chịu trách nhiệm cá nhân, nếu công ty biết có nội dung gây nguy hiểm cho trẻ em nhưng không gỡ bỏ.
Ngay trong đạo luật của Mỹ cũng không áp dụng cho một số hình thức phát ngôn trái pháp luật, chẳng hạn như lạm dụng tình dục trẻ em. Sự thay đổi này phản ánh một xu hướng mới. Đó là các cơ quan quản lý và nhà lập pháp sẵn sàng buộc các giám đốc điều hành chịu trách nhiệm, đặc biệt là khi nội dung đó là bất hợp pháp hoặc gây hại.