DN ngán thủ tục
Tại một hội nghị gần đây, sau khi Sở KHCN TPHCM trình bày về các chính sách hỗ trợ nghiên cứu KH và phát triển CN của TP, một DN đã phải thốt lên “nghe hấp dẫn nhưng tiếp cận quá gian nan”.
Vì một trong những điều kiện cần để tiếp cận được các gói chính sách hỗ trợ DN phải là DN KHCN. Nghe thật nghịch lý bởi nếu không có vốn và chính sách làm sao DN “lên đời” thành DN KHCN?
Theo quy định DN KHCN là DN thực hiện sản xuất kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hình thành từ kết quả nghiên cứu KH và phát triển CN. Nhưng để được cấp chứng nhận DN phải đủ hồ sơ với nhiều tiêu chí trình lên cấp sở để xét duyệt.
“Đa phần hồ sơ của DN khi gửi lên thường không hoàn thiện nên sở phải hướng dẫn lại, đây chính là nút thắt khiến nhiều DN dễ nản”- ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KHCN TPHCM cho biết.
Theo số liệu thống kê hiện cả nước mới có khoảng 400 DN KHCN, trong đó TPHCM có 76 DN. Như vậy để đạt được mục tiêu đề ra trong hơn 1 năm còn lại xem ra không thể hoàn thành.
Để cải thiện tình hình, trong tháng 3 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP (thay thế cho Nghị định 80 trước đây) về DN KHCN, với những cải tiến về đơn giản hóa thủ tục hành chính, cũng như đưa ra nhiều ưu đãi hơn dành cho DN.
Cụ thể, Nghị định 13 sẽ tạo thuận lợi hơn bằng việc cho phép DN thuộc mọi lĩnh vực đều có thể đăng ký là DN KHCN và hưởng ưu đãi. Điều kiện hưởng ưu đãi thuế cũng thông thoáng hơn: chỉ cần tối thiểu 30% doanh thu hàng năm từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN (ngoại trừ các DN mới thành lập dưới 5 năm), so với điều kiện 70% doanh thu trước đây thì con số mới này được coi là “khả thi” và phù hợp hơn rất nhiều.
Các DN KHCN sẽ được miễn thuế thu nhập trong 4 năm đầu, và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Kỳ vọng từ startup CN
Nhà nước luôn kêu gọi DN quan tâm đầu tư nghiên cứu KH và phát triển CN. Song chính các thủ tục đang khiến DN không mặn mà. Đã vậy, việc hình thành quỹ KHCN trong DN cũng từng là một vấn đề nóng trong nhiều hội thảo, bàn tròn. |
Nhìn lại thị trường Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây, rất nhiều startup CN được hình thành và thu hút được nhiều sự quan tâm của người dùng, DN và cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nay nếu có thêm những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, startup CN sẽ có cơ hội bứt phá nhiều hơn.
“Việc có nhiều startup CN ra đời cũng khá dễ hiểu, vì chất lượng nhân lực của Việt Nam đang ngày một tăng và cơ hội đang có ở khắp nơi”- ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM nhận định.
Ông Tuấn lấy một thí dụ, chi phí trong ngành logistics của Việt Nam đang cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực, đó là cơ hội cho các startup CN khai thác. Thực tế trong mảng này đang xuất hiện những cái tên rất đáng chú ý như Logivan hay Abivin…
Ứng dụng công nghệ Logivan giúp DN tìm kiếm và quản lý xe tải online. Nền tảng này kết nối mạng lưới hàng ngàn xe tải tin cậy, giúp đáp ứng nhu cầu xe mọi lúc, mọi nơi với giá cạnh tranh. Với mục tiêu số hóa ngành công nghiệp vận tải đường bộ, cô gái trẻ Linh Phạm (người sáng lập Logivan) đã sớm giành được nhiều giải thưởng cho nhóm DN khởi nghiệp CN và hút được nguồn vốn triệu USD từ các quỹ đầu tư.
Hay Abivin đang trở thành niềm tự hào cho startup Việt khi vượt qua các startup ở 40 quốc gia, giành quán quân cuộc thi Startup World Cup 2019 tại Hoa Kỳ ngay trong dịp kỷ niệm ngày KHCN Việt Nam. Abivin cung cấp một sản phẩm công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tiết kiệm chi phí logistics cho DN. Trong tương lai gần, Abivin sẽ nghiên cứu hoàn thiện thêm và đưa sản phẩm của mình ra các nước trong khu vực.