Cần phát triển nhanh thuốc điều trị
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã xuất hiện gần 2 năm và vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường với những biến thể mới phát sinh, các chuyên gia quốc tế đều đồng thuận nhận định rằng, để chung sống bình thường với Covid-19 cần đảm bảo 3 yếu tố: xét nghiệm nhanh, chính xác; đảm bảo tỷ lệ cần thiết người dân được tiêm vaccine, nhưng cũng cần phát triển nhanh thuốc trị bệnh.
Theo các chuyên gia dịch tễ học khắp thế giới, virus SARS-CoV-2 và các biến chủng của loại virus này sẽ không biến mất hoàn toàn mà tồn tại giống như cúm mùa. Vì thế, việc phát triển các loại thuốc uống chữa Covid-19 tại nhà, giảm thiểu khả năng nhập viện cho người bệnh là rất cần thiết.
Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết: "Thuốc điều trị Covid-19 vô cùng quan trọng vì vaccine khó có thể cho hiệu quả phòng bệnh 100%. Một số người sẽ từ chối tiêm vaccine, trong khi người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng tái nhiễm. Vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra nhiều sự lựa chọn tốt hơn, hữu hiệu hơn để điều trị cho họ".
Thuốc Remdesivir dù là thuốc đắt và khó tiếp cận trên thế giới nhưng đã được Việt Nam đưa vào trong phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng
Các chuyên gia y tế cũng cho biết, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều tiến bộ trong nghiên cứu thuốc đặc trị được ghi nhận. Theo đó, từ năm 2020, Trung Quốc là nước đầu tiên cấp phép sử dụng Favipiravir để điều trị Covid-19, sau đó các nước như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Italy… cũng có quyết định tương tự.
Tháng 7 vừa qua, Tổ chức chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa ra khuyến nghị sử dụng thuốc trị viêm khớp Actemra của hãng dược phẩm Roche (Thụy Sĩ) và thuốc Kevzara của hãng dược Sanofi (Pháp) cho bệnh nhân Covid-19 thể nặng.
Kịp thời và hiệu quả
Tại Mỹ, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của nước này cũng đã thông qua sử dụng thuốc Remdesivir để điều trị bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên và nặng tối thiểu 40kg. Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm mạnh tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5-2020. Tuy nhiên, Remdesivir là một trong những loại thuốc điều trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.
Thuốc Remdesivir có hai dạng là nước và đông khô. Dưới dạng nước, Remdesivir đòi hỏi bảo quản trong kho lạnh 2-8 độ C với điều kiện kỹ thuật khắt khe, hệ thống trang thiết bị cầu kì, tốn kém. Để khắc phục tình trạng này, Remdesivir cũng đã được bào chế dưới dạng đông khô. Remdesivir ở dạng này dễ dàng bảo quản trong nhiệt độ khoảng 25 độ C, giúp vận chuyển dễ dàng hơn giữa các khu vực, quốc gia, châu lục.
Tại các nước đang phát triển, số ca bệnh tăng nhanh, diễn biến phức tạp, trong đó có Việt Nam), điều này lại càng ý nghĩa hơn bao giờ hết, giúp đơn vị điều trị bệnh nhân dễ dàng bảo quản, nhất là tại các bệnh viện dã chiến, trang thiết bị, vật tư y tế còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Thuốc Molnupiravir đã được Bộ Y tế và TPHCM đưa vào trong túi thuốc cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ điều trị tại nhà
Tại Việt Nam, ngay từ đầu tháng 8, những lô thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 đầu tiên đã cập Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Ngay sau đó, Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế đã thống nhất quyết định bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam và sử dụng Remdesivir để điều trị cho một số bệnh nhân Covid-19 nặng tại một số cơ sở y tế ở TPHCM và một số tỉnh phía Nam. Kết quả bước đầu cho thấy thuốc Redemsivir giúp bệnh nhân giảm lượng virus nhanh.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, việc Bộ Y tế quyết định đưa thuốc Remdesivir vào điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ giúp các bác sĩ có sự lựa chọn liệu pháp điều trị thuốc kháng virus hiệu quả cho những bệnh nhân Covid-19 nặng nhưng đây là thuốc kháng virus dạng tiêm truyền nên cần phải có chỉ định của bác sĩ dựa trên tình trạng từng bệnh nhân.
Túi thuốc thiết yếu cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ điều trị tại nhà ở TPHCM đã phát huy hiệu quả lớn trong công tác điều trị và phòng chống dịch
Theo Bộ Y tế, đối với thuốc Molnupiravir dạng viên do Hãng dược phẩm Merck (Mỹ) và Công ty Ridgeback Biotherapeutics (Rigibel, Đức) nghiên cứu, loại thuốc này đã hoàn tất 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đạt hiệu quả 100% đối với tất cả bệnh nhân Covid-19.
Sau 5 ngày, tải lượng virus của các bệnh nhân này xuống thấp đến ngưỡng không lây lan. Hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với 1.850 bệnh nhân trên toàn cầu sử dụng thuốc Molnupiravir sắp hoàn tất và dự kiến kết quả sẽ được công bố ngay sau đó. Nếu thành công, Merck sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp và đưa ra thị trường loại thuốc này trong 2-3 tháng tới.
Theo các chuyên gia y tế, Molnupiravir được nghiên cứu dựa trên thuốc gốc chống lại virus cúm, có tác dụng ức chế sự sao chép của các virus RNA, trong đó có SARS-CoV-2, khiến virus không nhân lên và bị đào thải rất nhanh, giúp bệnh nhân khỏi bệnh.
Hơn nữa, thuốc có rất ít tác dụng phụ. Đây là loại thuốc dễ dàng được sử dụng qua đường uống, dùng điều trị giai đoạn đầu của bệnh và hiện nay thuốc Molnupiravir đã được Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM đã đưa vào chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng tại TPHCM.