Không nên cào bằng ngân sách
Kể từ khi Luật NS có hiệu lực năm 2002, tỷ lệ giữ lại từ tổng thu NS của TPHCM chỉ còn 18% và 82% phải điều tiết về NS trung ương. Về mặt tích cực, việc điều tiết NS này hàm ý phân phối lại thu nhập từ các tỉnh giàu, làm ăn hiệu quả đến những tỉnh nghèo còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, việc phân phối NS này cũng tạo ra những mặt trái của nó, như thiếu hụt lượng đầu tư cho phát triển, trong khi khoản NS điều tiết cho các địa phương khác dễ dẫn đến tình trạng ỷ lại, nhiều khi “không muốn lớn”, hoặc địa phương thực chất không phải nghèo, khó khăn nhưng vẫn muốn có khoản kinh phí từ NS trung ương nên số liệu cứ “coi như vẫn nghèo”.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, có nghịch lý đang diễn ra là tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) dường như tỉnh nào cũng muốn thành tích, nhưng khi muốn nhận khoản kinh phí từ NS không ai muốn mình giàu.
Từ thực trạng này, vấn đề cần nghiên cứu kỹ là dựa tiêu chí nào để đánh giá mức độ giàu nghèo của các tỉnh. Nếu không các tỉnh phát triển kinh tế hiệu quả nói chung và TPHCM nói riêng (được xem là “con bò sữa” của NS) sẽ mất đi động lực và cơ hội tăng trưởng do thiếu kinh phí đầu tư.
Báo cáo của UBND TPHCM mới đây cho thấy, 11 tháng năm 2019 tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 412.474 tỷ đồng, đạt 103,34% dự toán và tăng 9,01% so với năm trước. Nếu xét riêng kết quả thu phần nội địa, ước thực hiện đạt 97,85% dự toán, nhưng tăng 9,63% so với năm trước. Nếu không tính số Bộ Tài chính ghi thu cho NS địa phương, ước thực hiện thu nội địa đạt 91,53% dự toán.
Đặc biệt, đối với số thu từ khu vực kinh tế, dù ngay từ đầu năm TPHCM đã triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ, phát triển kinh tế nhằm nuôi dưỡng, huy động nguồn thu, kết quả thu tăng 8,93% so với cùng kỳ, song vẫn không đạt dự toán được giao, chỉ đạt hơn 90% dự toán.
Nguyên nhân được cho do Trung ương giao dự toán thu từ khu vực kinh tế tăng quá cao so với thực hiện năm 2018 (tăng 20,97%), vượt quá khả năng huy động nguồn thu trên địa bàn. Về chi NS của TP trong năm 2019 ước thực hiện 77.718 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí chi trả thu nhập tăng thêm 7.244 tỷ đồng), trong đó chi thường xuyên 47.027 tỷ đồng, chi cho đầu tư phát triển 22.611 tỷ đồng.
Như vậy, với tình hình thu chi NS này và tỷ lệ điều tiết NS của Trung ương cho TPHCM 18%, địa phương này đang bội chi.
Từ đó, TPHCM cho rằng cần nghiên cứu về tỷ lệ điều tiết hợp lý cho NS TP và các tỉnh, TP khác. Trong đó, tỷ lệ giữ lại NS của TPHCM giai đoạn 10 năm 2020-2030 cần nâng từ 18% lên 33% nhằm đảm bảo đủ nguồn lực, điều kiện để phát triển bền vững, giữ vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước.
Tác động lan tỏa kinh tế lớn
Tác động lan tỏa kinh tế lớn
Nhiều địa phương thực chất không phải khó khăn nhưng vẫn muốn có khoản kinh phí từ NS trung ương, nên số liệu cứ “coi như vẫn nghèo”. |
Nghiên cứu qua mô hình liên vùng của Việt Nam, cho thấy nhu cầu GRDP của TPHCM lan tỏa đến các vùng khác rất mạnh.
Cụ thể, chỉ số lan tỏa của TPHCM cao gấp 1,5 lần các tỉnh phía Bắc, gấp 1,7 lần các tỉnh miền Trung và gấp 1,9 lần các tỉnh còn lại ở phía Nam. Cụ thể hơn nữa, tiêu dùng cuối cùng hộ gia đình của TPHCM lan tỏa đến các vùng khác cao hơn chỉ số này của các tỉnh phía Bắc 1,6 lần, các tỉnh miền Trung và các tỉnh còn lại phía Nam 1,72 lần. Bên cạnh đó, đầu tư cũng lan tỏa mạnh đến sản xuất của các vùng khác, trong đó nổi bật là xuất khẩu.
Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu sản xuất của TPHCM lan tỏa đến các vùng khác gấp 2 lần xuất khẩu các vùng khác đến TPHCM. Một điều thú vị là trong cả 8 vùng kinh tế, TPHCM là vùng nhiều ngành kinh tế có chỉ số lan tỏa lớn nhất. Những điều này cho thấy TPHCM có nhiều ngành có thể xem là mũi nhọn không chỉ lan tỏa đến nội tại TP còn lan tỏa đến các vùng kinh tế khác.
Một điểm đáng chú ý, mức độ lan tỏa của đầu tư là tài sản cố định từ nguồn vốn nhà nước của TPHCM rất ấn tượng và cao hơn hẳn các vùng khác. Thí dụ, chỉ số lan tỏa của TPHCM 1,51, trong khi Hà Nội cao thứ nhì cũng chỉ 1,304. Chỉ số lan tỏa của khu vực tư nhân về đầu tư tài sản cố định của TPHCM cũng cao nhất trong 8 vùng (1,25).
Còn đối với đầu tư về tài sản lưu động trong cả 7 vùng đều lan tỏa nhỏ hơn 1, trong khi TPHCM cao hơn 1 khá nhiều. Ngoài ra, khi nhu cầu nội tại (bao gồm tiêu dùng cuối cùng của người dân, đầu tư và xuất khẩu) của TPHCM tăng lên, theo tính toán cho thấy mức độ lan tỏa đến nội tại TP đạt khoảng 85% và lan tỏa tới các vùng khác 15% (tiêu dùng của người dân TP sẽ lan tỏa đến vùng khác của cả nước lên đến 20%, trong khi đầu tư và xuất khẩu của TP lần lượt chiếm tỷ lệ 81% và 11%).
Như vậy, xét ở góc độ kinh tế, có thể xem TPHCM là vùng đặc biệt quan trọng giữ vai trò đầu tàu của cả nền kinh tế. Do đó, nếu kinh tế TPHCM tăng trưởng chậm lại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp một cách đơn thuần mang tính số học, còn có những ảnh hưởng số nhân đến các vùng khác và cả nước trong những chu kỳ sản xuất sau.
Đã có những nghiên cứu dự báo cho thấy, đầu tư nhà nước giảm 10% sẽ ảnh hưởng đến mức độ lan tỏa GRDP của TPHCM ở chu kỳ sau khoảng -1,3% và cả nước -0,6%. Đồng thời, NS cả nước cũng theo đó bị ảnh hưởng, cụ thể sẽ chịu sự giảm thu từ thuế sản xuất (VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu…) khoảng 2,6%. Nhưng nếu tăng đầu tư của TPHCM 10%, GRDP của TP có thể tăng khoảng 1,5% và GDP chung của cả nước tăng 0,8-1%, thu NS từ thuế sản xuất đạt trên 3%.