Đây được xem là “Hội nghị Diên Hồng” nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn, giúp Chính phủ và các địa phương ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn, nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100.
Các nguồn lựcchưa phân bổ thỏa đáng
Huy động nguồn lực cho ĐBSCL trước tiên phải xuất phát từ chính nội tại vùng, thông qua việc tái cơ cấu các ngành kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù và thu hút đầu tư tư nhân trong, ngoài nước. Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về bố trí nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho ĐBSCL, giai đoạn 2011-2015 ngân sách trung ương (NSTW) đã bố trí 17.907 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư do Trung ương quản lý trên địa bàn. Giai đoạn 2016-2020 kế hoạch vốn đã bố trí 26.970 tỷ đồng, trong đó năm 2016 là 13.396 tỷ đồng.
Ngoài ra, vốn đầu tư phát triển phân bổ cho các địa phương trong vùng giai đoạn 2011-2015 là 99.105 tỷ đồng, chiếm 13% vốn phân bổ cho các địa phương cả nước. Trong đó vốn chương trình mục tiêu 21.297 tỷ đồng, vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) 31.411 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 2.771 tỷ đồng, vốn nước ngoài 6.893 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) 36.733 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 8,5% vốn đầu tư phát triển phân bổ cho địa phương).
Giai đoạn 2016-2020 đã bố trí 187.417 tỷ đồng, trong đó vốn các chương trình mục tiêu 30.509 tỷ đồng, vốn TPCP 15.712 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 8.967 tỷ đồng, vốn nước ngoài 15.644 tỷ đồng, vốn cân đối NSĐP 114.061 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 16% vốn phân bổ cho các địa phương). Bên cạnh đó, còn các nguồn vốn bố trí gián tiếp thông qua các cơ chế chính sách của Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, NSNN dự kiến phân bổ cho các dự án đầu tư phục vụ cho các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của vùng ĐBSCL khoảng 90.800 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhu cầu tối thiểu cho vùng để khắc phục các thiệt hại gây ra bởi BĐKH và nâng cao khả năng chống chịu đối với các tác động cực đoan của BĐKH trong giai đoạn này 105.000 tỷ đồng, chưa tính đến nhu cầu đầu tư khoảng 43.000 tỷ đồng cho các dự án thủy lợi, cấp nước, xử lý nước thải, được xác định là “không hối tiếc” theo Kế hoạch châu thổ (MDP).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ những bất cập trong việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho ứng phó với BĐKH. Cụ thể, chưa phân bổ thỏa đáng các nhiệm vụ, các chương trình dự án cần được ưu tiên làm trước, có tác động lan tỏa, lâu dài đến sự phát triển bền vững của vùng. Chưa tôn trọng nguyên tắc “Không hối tiếc” - ưu tiên thực hiện trước những hành động ít rủi ro, sai lầm khó có điều kiện sửa chữa. Nhiều địa phương chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề BĐKH đối với tương lai của vùng, coi việc đầu tư cho các dự án BĐKH là trách nhiệm của Trung ương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu thí dụ việc đề xuất các dự án sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2017-2020 chỉ có 1 địa phương trong vùng đề xuất sử dụng nguồn vốn này cho dự án thủy lợi. Một vấn đề nữa là lựa chọn dự án đầu tư không xuất phát từ quy hoạch, dẫn đến dàn trải, lãng phí nguồn lực. Do chồng chéo trong các quy hoạch hiện nay, nhiều dự án đầu tư mới chỉ giải quyết vấn đề của từng ngành, từng địa phương, thiếu sự tính toán đến tác động tổng thể lên toàn vùng, đến các ngành và địa phương khác.
Điều này làm giảm hiệu quả đầu tư của vùng. Bộ trưởng lưu ý việc vẫn chưa có cơ chế phù hợp, hiệu quả để thu hút được nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước vào ĐBSCL, đặc biệt là các dự án liên quan trực tiếp đến ứng phó BĐKH. Đầu tư theo phương thức PPP cũng còn nhiều bất cập. Việc thu hút các dự án BOT giao thông trong vùng đã góp phần nâng cao sự liên kết giữa các địa phương, nhưng mặt khác lại làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, qua đó, giảm năng lực cạnh tranh của vùng.
Cầu cần Thơ đưa vào sử dụng tháng 4-2010 đã mở ra trang mới cho sự phát triển của Cần Thơ và cả khu vực ĐBSCL.
Ưu tiên các dự án “Không hối tiếc”
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực cho 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 cần xác định các dự án ưu tiên trên cơ sở Quy hoạch tích hợp và kiến nghị của MDP để ưu tiên bố trí vốn giai đoạn 2018-2020 và 2021-2025. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án BĐKH đã được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Đặc biệt, phải rà soát lại các nguồn vốn trong trung hạn (bao gồm cả TPCP, ODA) chưa đủ điều kiện phân bổ hoặc không có khả năng giải ngân để ưu tiên đầu tư cho một số dự án quan trọng, cấp bách thuộc danh mục các dự án “Không hối tiếc” theo MDP.
Đối với giai đoạn 2021-2025, giải pháp ưu tiên bố trí ngân sách cho các dự án ưu tiên theo Quy hoạch tích hợp, “Không hối tiếc”, các dự án sử dụng giải pháp mềm, phi công trình được đặt lên hàng đầu. Giai đoạn này sẽ tăng mức hỗ trợ của NSTW cho vùng lên mức 20% trên tổng số ngân sách hỗ trợ cho các địa phương để đầu tư cho các dự án ưu tiên trên cơ sở Quy hoạch tích hợp và MDP cho ĐBSCL. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù sử dụng ODA cho các dự án BĐKH ở ĐBSCL.
Theo các đại biểu, để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH cần phải chuyển đổi quy mô lớn về mô hình phát triển ĐBSCL.
Theo đó, cần thực hiện 3 mục tiêu. Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, từng địa phương trong vùng cũng như rà soát quy hoạch, kế hoạch phát triển một số ngành, sản phẩm, nhằm tận dụng tối đa ưu thế của vùng và có tính đến những yếu tố mới như BĐKH phù hợp với tình hình thực tiễn tại vùng.
Thứ hai, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với BĐKH, đặc biệt là hạ tầng về giao thông, thủy lợi, phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông. Quá trình xây dựng hạ tầng giao thông phải được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ; việc đầu tư cơ sở hạ tầng cần gắn kết với tính chất vùng.
Thứ ba, chuyển đổi định hướng phát triển sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển bền vững cho các tiểu vùng ĐBSCL. Bước đầu cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong vùng được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của từng ngành, địa phương, tiến tới hình thành các vùng sản xuất chuyên canh liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí.
Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, theo Bộ Tài chính cần ưu tiên phân bổ NSTW để đầu tư hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn như hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy), các công trình thủy lợi, công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, trồng rừng phòng hộ.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu ban hành định mức phân bổ ngân sách (bao gồm định mức chi đầu tư và chi thường xuyên) theo hướng ưu tiên phân bổ cho vùng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững; ưu tiên phân bổ vốn bổ sung có mục tiêu từ NSTW để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh, chương trình khuyến công, khuyến nông...
Bên cạnh đó rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về tài chính có tính đến yếu tố đặc thù của vùng, giúp huy động tối đa nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng.
Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, khai thác tốt thuế thu từ tài nguyên, bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước như tín dụng nông nghiệp, nông thôn, tín dụng giải quyết việc làm, giảm nghèo; thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, phí để khuyến khích đầu tư phát triển đối với địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn trong vùng, cũng như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền hoàn thiện một số chính sách về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân...