Trải qua 5 năm thực hiện (2016-2020), bước sang năm thứ 5 này, Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2020 (CSI 2020) được thực hiện bởi Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã có rất nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia.
Năm 2020, Chương trình sẽ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực trên toàn quốc, thông qua hình thức nộp hồ sơ bản cứng hoặc khai trực tuyến và không thu bất kỳ khoản phí nào từ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ khai thông tin theo Bộ chỉ số CSI 2020 với 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững, Chỉ số Quản trị; Chỉ số Môi trường; và Chỉ số Lao động.
Chỉ số CSI 2020 đã được VBCSD-VCCI cùng các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội nghiên cứu, cập nhật nhiều điểm mới để phù hợp với những yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do quan trọng (FTA) mà Việt Nam đã ký kết gần đây (như CPTPP – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, EVFTA – Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU), cũng như các thay đổi quan trọng trong các chính sách quản lý về lao động và môi trường có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.
Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến 17 Mục tiêu PTBV và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV đã được đơn giản hóa và lồng ghép vào Bộ chỉ số CSI 2020.
Phát biểu tại buổi lễ, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng một thực trạng của toàn cầu, sau đại dịch thế giới sẽ được định hành lại, không chỉ nền kinh tế mà cả hệ thống chính trị, xã hội cũng sẽ tương tự.
“Thế giới sau đại dịch sẽ không còn là thế giới của những năm qua chúng ta đã sống. Có thể nói rằng, đại dịch phải chăng chính là cái giá phải trả khi chúng ta không phát triển bền vững, khi chúng ta đối xử chưa chuẩn mực với môi trường, xã hội. Cho nên, hậu đại dịch những giá trị bền vững sẽ lên ngôi”, ông Lộc nói.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch VCCI, 4 chữ “phát triển bền vững” (PTBV) chính là 4 chữ vàng phát triển của nền kinh tế toàn cầu, của nền kinh tế mỗi quốc gia và của từng doanh nghiệp. “Động lực PTBV phải là nền móng cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế toàn cầu” – TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, để PTBV, chúng ta không chỉ dừng lại ở những thông điệp, tuyên ngôn, mà PTBV phải thể hiện bằng những mô hình, những công cụ, quan trọng nhất phải có thước đo, không có thước đo không thể quản trị, không thể đánh giá được nhất là trong lĩnh vực kinh tế để xác định mức độ, không gian, dư địa thúc đẩy phát triển trong tương lai.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI khuyến khích mỗi doanh nghiệp hãy đưa Bộ chỉ số CSI vào trọng tâm chiến lược quản trị của doanh nghiệp; áp dụng Bộ chỉ số CSI để lập báo cáo phát triển bền vững; thường xuyên tham chiếu Bộ chỉ số để có thể kịp thời phát hiện những điểm yếu, thiếu sót trong quá trình vận hành, sản xuất kinh doanh để cải thiện, đồng thời nắm bắt những cơ hội tiềm năng để đầu tư và “đi tắt đón đầu”.
Trao đổi kinh nghiệm về việc áp dụng bộ chỉ số CSI vào hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và thương mại TNG cho biết: “Hiểu được rằng quản trị công ty phải gắn liền với PTBV và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, TNG đã tích hợp tất cả các yếu tố đảm bảo PTBV xuyên suốt mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp”.
Phó chủ tịch HĐQT TNG cũng nhấn mạnh rằng: “Thực hiện Bộ chỉ số CSI như là một cam kết về việc theo đuổi PTBV và minh bạch các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trải qua 4 năm triển khai, Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam đã tạo được những dấu ấn với hơn 1.500 doanh nghiệp tham gia, qua đó hơn 300 doanh nghiệp đã được biểu dương doanh nghiệp bền vững; nâng cao nhận thức và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thực hiện PTBV nói chung và quản trị doanh nghiệp bền vững nói riêng một cách mạnh mẽ hơn.
Chương trình và Bộ chỉ số CSI cũng đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao của Chính phủ về tính hiệu quả trong việc lan tỏa, hỗ trợ thực hiện PTBV doanh nghiệp.