Phát triển chuỗi giá trị từ hạt macca

(ĐTTCO)- Mới đây Bộ NN-PTNN đã làm việc với Hiệp hội Macca Việt Nam (VMA), nắm bắt tình hình thực tế và triển vọng loại cây này, cho rằng cần nghiên cứu phát triển các loại nông sản mới. 
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại thực địa vườn cây macca của ông Lê Đức Ba ở Đơn Dương, Lâm Đồng
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại thực địa vườn cây macca của ông Lê Đức Ba ở Đơn Dương, Lâm Đồng
Sau khi nghe giải trình của VMA, các chuyên gia, nông dân…, Bộ trưởng Bộ NN-TPNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, riêng với loại cây trồng mới macca, cần chớp thời cơ tạo ra được chuỗi chế biến sâu, mang lại giá trị cao cung ứng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Loại cây công nghiệp nhiều triển vọng
 Macca là loài cây ăn quả thân gỗ, nhân dùng trực tiếp làm thực phẩm hoặc chế biến các loại bánh, kẹo, mỹ phẩm, dầu ăn..., là loài cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cây ưa khí hậu mát mẻ, á nhiệt đới, có thể trồng trên đất tơi xốp, nhất là vùng đất đỏ ba-zan. Qua thực tế phát triển macca hơn 10 năm qua, vùng Tây nguyên và Tây Bắc của Việt Nam rất phù hợp với cây macca. 
 Ngành công nghiệp macca trên thế giới có nhiều tiềm năng phát triển khi so sánh doanh thu với các loại hạt khác. Hiện tổng sản lượng tiêu thụ macca toàn cầu mới đạt khoảng 44.000 tấn, chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng tiêu thụ các loại hạt nói chung.
Nhiều chuyên gia đầu ngành đã đánh giá ngành công nghiệp macca trong tương lai có triển vọng tăng trưởng ổn định, trong trung và dài hạn kỳ vọng đạt mức 5%. Giá trị hạt macca đang có xu hướng tăng trên thế giới. Sự tăng trưởng này đến chủ yếu từ các thị trường mới, nơi thu nhập người dân đang được cải thiện và bản thân hạt macca đã được chứng minh có lợi cho sức khỏe và có hương vị ngon.
 Theo ông Jolyon Burnett, Tổng Giám đốc Hiệp hội Macca Australia, Chủ tịch Hội đồng Hạt khô Australia, có tới 98% tổng doanh số hạt nguyên vỏ được bán ra tại thị trường là Trung Quốc, trong khi 80% tổng doanh số nhân được bán ra tại 5 thị trường (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Đức và Brazil).
Lượng tiêu thụ macca không ngừng tăng với lượng tiêu thụ hạt lớn như Ấn Độ, Trung Đông, Nga, Indonesia. Nếu có thể tăng lượng tiêu thụ tại các thị trường này lên khoảng 1g/người, tổng lượng cầu sẽ tăng thêm khoảng 750.000 tấn.
 Về giá trị kinh tế, theo Giáo sư Hoàng Hòe, cây macca trồng sau 3 năm cho thu hoạch (bình quân 1kg hạt/cây), sản lượng tăng dần theo tuổi cây; năm thứ 7 bình quân 10 kg hạt/cây; đến năm thứ 10 bình quân 20kg hạt/cây và đến năm thứ 13 bình quân 30kg hạt/cây. Với giá bán hạt macca hiện nay ở Việt Nam khoảng 100.000 đồng/kg hạt, nếu trồng xen macca vào cà phê mật độ 100 cây/ha/năm, ngoài doanh thu từ cà phê, hàng năm doanh thu macca từ năm thứ 3 đạt khoảng 10 triệu đồng/ha.
Doanh thu sẽ tăng dần theo tuổi cây, đến năm thứ 7 khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, năm thứ 10 khoảng 200 triệu đồng/ha/năm và đến năm thứ 13 khoảng 300 triệu đồng/ha. Chi phí chăm sóc, thu hoạch của cây macca chỉ khoảng 10% doanh thu.
 Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, diện tích đất và vùng khí hậu phù hợp trồng macca trên thế giới rất ít, do đó đây là loại cây trồng cho ra sản phẩm khó có thể bão hòa. Giáo sư Hoàng Hòe nhận xét, ngành macca của Việt Nam, tuy đi sau nhưng về cơ bản vẫn có thể coi như bước vào cuộc đua từ điểm xuất phát, không phải là kẻ gây đảo lộn thị trường như trường hợp cây cà phê, mà sẽ tham gia từ đầu quá trình hình thành cung cầu.
Một lợi thế nữa là mức đầu tư vào trồng cây macca ở Việt Nam sẽ thấp hơn nhiều so với một số nước như Australia, Hoa Kỳ, Nam Phi… Nếu quyết tâm khai thác được thành tựu chọn giống và kinh nghiệm kỹ thuật của các nước đi trước, với ưu thế về tài nguyên khí hậu và con người sẽ cho phép Việt Nam tạo được bước đột phá thứ hai về sản phẩm này sau hạt cà phê.
 Hỗ trợ nông dân khởi nghiệp
 Qua khảo sát của VMA, dựa vào số lượng cây giống macca đã cung cấp từ các vườn ươm, đến hết năm 2016, ít nhất cả nước trồng 1,4 triệu cây (tương đương 3.500 - 4.000ha); trong đó khoảng 0,6 triệu cây trồng giống không đạt tiêu chuẩn (khoảng 40%).
Nhiều nông dân đã đầu tư trồng macca xen vào vườn cà phê thành công, có thu hoạch cao hơn nhiều so với cà phê, do trồng vào đúng vùng sinh thái thích hợp, giống tốt và chăm sóc tốt. Đây là những mô hình tốt để người nông dân học tập. Tuy nhiên, có một số hộ nông dân trồng macca thất bại, vì trồng nơi thổ nhưỡng không thích hợp, mua phải giống “dởm”, lại không chăm sóc, hoặc chăm sóc không đúng kỹ thuật. 
 Thực tế hiện nay đã có nhiều cơ sở chế biến nhỏ thu mua và nhập hạt macca để chế biến cung ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Giá bán hạt macca trong nước (100.000 - 200.000 đồng/kg), cao hơn giá thế giới do cung không đủ cầu.
Để hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, đạt kết quả với loại cây trồng mới, VMA ra đời đã chuyển giao kỹ thuật, xúc tiến thương mại và hỗ trợ nhà nước trong việc quản lý, quy hoạch phát triển vùng macca, đồng thời góp phần tích cực xây dựng ngành công nghiệp macca hiện đại, khai thác chuỗi giá trị khép kín, thu hút nguồn vốn, nhân lực, tạo ra những sản phẩm phong phú từ macca.
 VMA đã tổ chức nhiều đoàn nông dân đi tham quan, khảo sát và học hỏi kinh nghiệm trồng, chế biến macca trong nước và ngoài nước; mời 80 chuyên gia đến từ Hiệp hội Macca các nước tham vấn.
Sau khi tham quan các vườn và vườn ươm macca tại Tây nguyên, cũng như tham dự Hội thảo canh tác và tư vấn vay vốn trồng macca, Tổng Giám đốc Hiệp hội Macca Australia, đã đánh giá cao công tác hướng dẫn kỹ thuật và tạo điều kiện vay vốn cho người trồng do VMA và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thực hiện. Với cách làm như hiện nay, theo họ, là vượt trội hơn so với các quốc gia đang phát triển khác, sẽ giúp đỡ được người trồng toàn diện trong quá trình chọn giống, trồng cây, thu hoạch với khoản vay được thiết kế linh hoạt, phù hợp với kỳ thu nhập dự kiến.
 Ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký VMA, cho biết: VMA đưa ra định hướng phát triển cây macca ở Việt Nam trong 10 năm tới là trồng mới 30 triệu cây, trong đó, chủ yếu trồng xen 20 triệu cây (khoảng hơn 100.000ha), trồng thuần 10 triệu cây (khoảng 25.000ha). Sản lượng hạt macca đạt 350.000 - 400.000 tấn, tổng giá trị sản phẩm đạt trên 1 tỷ USD (với giá bán người trồng bán tại vườn dự kiến khoảng 3 USD/kg, giá hiện nay khoảng 4,5 USD/kg).
Xây dựng 30 nhà máy sơ chế hạt macca và 8 nhà máy chế biến macca quy mô lớn, hiện đại tại 8 tỉnh vùng Tây Bắc và Tây nguyên, chủ yếu là chế biến hạt khô và kết hợp với chế biến sâu các sản phẩm như dầu macca, rượu macca, các loại mỹ phẩm macca, bánh kẹo, macca rang, tẩm muối… VMA phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng quy hoạch vùng phát triển macca và ban hành các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến macca.
 Phát triển cây macca ở Việt Nam là một chủ trương lớn, quan hệ đến nhiều bộ, ngành, không phải chi riêng Bộ NN-PTNT. Vì vậy, Chính phủ cần chủ trì, từ đó mới tạo điều kiện để tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng một ngành công nghiệp mới, có nhiều ưu thế cho đất nước.
Vướng mắc hiện nay là cây macca được xác định là cây lâm nghiệp đa mục đích, nhưng chưa được phép trồng trên đất cây công nghiệp, để được phép trồng vào các vùng trồng cây công nghiệp như cà phê, chè…
 
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường
Cơ hội lớn, thị trường rộng mở 
Việt Nam rất tự hào chỉ thời gian 30 năm đã chuyển từ đất nước thiếu ăn sang đất nước cung cấp đủ cơ bản dinh dưỡng cho 92 triệu dân, mỗi năm xuất khẩu 30 tấn nông sản với giá trị 30 tỷ USD. Đây là thành công rất lớn và nếu ta biết khai thác tốt tiềm năng về điều kiện tự nhiên, con người thì nông sản Việt Nam không phải xuất khẩu 30 tỷ USD, mà chắc chắn phải tăng lên nhiều lần.
Ngành nông nghiệp ngoài 11 sản phẩm chủ lực của quốc gia, cần tìm thêm sản phẩm nông sản mới, trong đó có cây macca. Loài cây này có những ưu điểm rất mới về thị trường và nhóm sản phẩm, có tiềm năng phát triển ở nước ta. Chúng ta biết ơn nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, người mang về cho đất nước những loài cây quý. Sau 20 năm Việt Nam nhập khẩu và nghiên cứu khảo nghiệm macca, đã rút ra nhiều vấn đề: Đã xác định 2 vùng khí hậu sinh thái là Tây Bắc và Tây nguyên phù hợp với cây macca. Bước đầu đã công nhận được 10 giống macca, đúc rút, tổng kết được quy trình từ nhân giống, canh tác, thu hái bảo quản, chế biến macca. Vì vậy, macca có thể trở thành ngành hàng mới và chớ xem việc du nhập giống mới mà ngần ngại. Cây cao su chúng ta cũng từng “cõng” từ thế giới về. Chúng ta phải nói rõ với nhau rằng, phát triển macca nếu không nhanh là mất cơ hội. Với tiềm năng và quy hoạch hiện tại, sản phẩm làm ra liệu đã đáp ứng nhu cầu của 92 triệu dân trong nước và hàng triệu lượt khách quốc tế đến du lịch chưa?

Các tin khác