Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nhằm tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế

(ĐTTCO) - Bộ GTVT cho biết, trong thời gian tới, việc tái cơ cấu vận tải sẽ được đẩy mạnh; trong đó, 2 lĩnh vực được tập trung đầu tư là đường thủy và đường sắt, nhằm kéo giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế và đặc biệt là góp phần đảm bảo an toàn giao thông, giảm tải cho các tuyến đường bộ.
Hành khách đến TPHCM bằng đường sắt Ảnh: Khả Hòa
Hành khách đến TPHCM bằng đường sắt Ảnh: Khả Hòa

Đường sắt đóng vai trò chủ đạo

Theo Bộ GTVT, Kết luận số 49-KL/TW (Kết luận số 49) ngày 28-2-2023 vừa được Bộ Chính trị ban hành về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành đường sắt trong những năm tới. Kết luận số 49 nêu rõ, vận tải đường sắt sẽ đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.

Ngay sau khi có Kết luận số 49, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, Nhà nước sẽ bố trí gần 16.000 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho đường sắt; giai đoạn 2026-2030 sẽ thu xếp 224.000 tỷ đồng gồm đầu tư công, vốn hợp pháp khác.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), cho rằng, đây là một cơ hội rất lớn cho ngành đường sắt để giành lại vị thế, vai trò của phương thức vận tải đặc biệt quan trọng này, từng bước kéo giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, Bộ GTVT cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án theo quy hoạch. Hiện tiến độ nhiều dự án đường sắt theo quy hoạch đang chậm trễ. Cụ thể, việc xây dựng các tuyến đường sắt vành đai phía Đông thuộc khu đầu mối Hà Nội; tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu; tuyến nối cảng biển Hải Phòng - Lạch Huyện… mới dừng ở bước nghiên cứu. Các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Đồng Đăng; TPHCM - Cần Thơ; Đắk Nông - Chơn Thành; Dĩ An - Lộc Ninh để kết nối với đường sắt xuyên Á; Vũng Áng - Cha Lo (Mụ Giạ) để kết nối với đường sắt Lào… chưa có kết quả nghiên cứu cụ thể.

Trong bối cảnh chờ đầu tư, Tổng công ty ĐSVN đang thực hiện hàng loạt phương án đẩy mạnh kinh doanh vận tải, hạ tầng để tăng thu. Ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết, trong đề án tái cơ cấu đang trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, điểm mới đáng chú ý là Tổng công ty ĐSVN đã đề xuất thành lập trung tâm công nghệ thông tin và dịch vụ, nhằm tăng năng lực quản trị hệ thống bán vé tàu, dịch vụ hàng hóa.

Sắp tới, Tổng công ty ĐSVN sẽ chọn thực hiện thí điểm tại 15 ga. Đồng thời, Tổng công ty ĐSVN chờ quy hoạch chi tiết các ga, gồm các ga liên vận quốc tế, khu vực đầu mối Hà Nội, TPHCM, để lên kế hoạch xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ tại các ga đầu mối hành khách và trung tâm logistics tại ga hàng hóa, từng bước tăng năng lực vận tải của ngành đường sắt.

Phát huy lợi thế đường thủy nội địa

Cùng với việc tập trung đầu tư cho đường sắt, Bộ GTVT cũng chủ trương ưu tiên cho phát triển đường thủy nội địa (ĐTNĐ), do đây là lĩnh vực có tiềm năng lớn và có thế mạnh về vận chuyển hàng hóa giá rẻ cự ly trung bình (300-500km) so với đường bộ, đường sắt.

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, cho rằng, điều quan trọng nhất để đường thủy tăng sức cạnh tranh là rút ngắn thời gian và tăng năng suất vận chuyển, khai thác được phương tiện trọng tải lớn, góp phần tiết kiệm chi phí giá thành vận tải. Để làm được điều này, việc đầu tư nâng cấp cải tạo tuyến kênh, nạo vét đạt tiêu chuẩn luồng ĐTNĐ, đầu tư các cảng cạn... cần được đầu tư sớm.

Đoàn xe lửa chở hàng hóa di chuyển tuyến Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Ninh Bình Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đoàn xe lửa chở hàng hóa di chuyển tuyến Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Ninh Bình Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT, các dự án phát triển hành lang vận tải thủy và logistics khu vực phía Nam sẽ được ưu tiên đầu tư. Hiện Cục ĐTNĐ đang chuẩn bị tích cực để khởi công dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến ĐTNĐ quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) ngay trong năm 2023.

Đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.155 tỷ đồng bằng vốn ngân sách Nhà nước, dự kiến hoàn thành năm 2025. Với dự án này, 9 cầu khu vực ĐBSCL sẽ được xây mới, gồm các cầu: Ô Môn, Thới Lai, Đông Thuận, Đông Bình, Vàm Xáng - Thị Đội; Sa Đéc, Mộc Hóa; Hồng Ngự; Mỏ Cày. Bên cạnh đó, cầu Giồng Găng được nâng cấp cải tạo, cầu Măng Thít cũ được tháo dỡ… Dự án này hoàn thành sớm sẽ giải quyết cơ bản các nút thắt, điểm nghẽn về tĩnh không cầu trên các hành lang vận tải khu vực phía Nam.

Cũng trong thời gian này, dự án đầu tư công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu - giai đoạn 2, với tổng kinh phí khoảng 2.596 tỷ đồng, đang được các đơn vị rốt ráo thi công. Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý dự án hàng hải phải kiểm soát chặt tiến độ thi công của các nhà thầu, không chấp thuận xin gia hạn, dứt khoát yêu cầu dự án phải hoàn thành trong năm 2023.

Đến năm 2025, ngành đường sắt phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026-2030 (Hà Nội - Vinh; TPHCM - Nha Trang). Đến năm 2030, phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu...); kết nối cửa khẩu quốc tế (Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Lạng Sơn...); kết nối cảng hàng không quốc tế (Thủ Thiêm - Long Thành). Đối với tuyến TPHCM - Cần Thơ sẽ đầu tư bằng phương thức đối tác công - tư (PPP) hoặc phương thức đầu tư khác phù hợp. Tiếp tục đầu tư hoàn thành tuyến Hà Nội - Hạ Long.

Ở khu vực phía Bắc có 4 luồng quan trọng, gồm: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai; Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình; Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình. Bộ GTVT sẽ huy động vốn xã hội hóa để xây các cảng nội địa kết nối với vận tải đường bộ hàng hóa xuống đường thủy.

Ở khu vực phía Nam, có 4 hành lang gồm: TPHCM - Cần Thơ - Cà Mau; TPHCM - An Giang - Kiên Giang; Bà Rịa - Vũng Tàu - Tây Ninh - TPHCM và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu. Cục ĐTNĐ dự báo, nhu cầu vận tải hàng hóa bằng ĐTNĐ đến năm 2030 khoảng 715 triệu tấn, tăng trưởng bình quân 8,65%/năm, có tốc độ tăng trưởng bình quân cao trong giai đoạn sắp tới.

Các tin khác