Học sinh tham quan Trung tâm Giáo dục và Đào tạo AI của ĐH Quốc gia TPHCM
Bài toán lượng và chất
Theo kế hoạch tổng thể, Việt Nam cần đến 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) vào năm 2020. Con số này nằm trong nội dung Đề án “Sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT và truyền thông” được Thủ tướng phê duyệt năm 2010. Thế nhưng, cả nước hiện chỉ có hơn 177.000 sinh viên đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) CNTT, điện tử, viễn thông hệ chính quy đang theo học tại hơn 400 trường ĐH, CĐ. Cả hệ thống đào tạo hiện chỉ có thể cung cấp khoảng 600.000 lao động CNTT. Còn tính về cơ sở đào tạo đúng nghĩa chuyên sâu về AI thì lại càng hiếm hơn.
TS Đinh Bá Tiến, Trưởng khoa CNTT - Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, đào tạo nhân lực AI để phục vụ phát triển kinh tế số, đáp ứng cho cuộc CMCN 4.0 phải đảm bảo về chất lượng lẫn số lượng. Nếu đào tạo không đủ các kiến thức nền tảng và chuyên sâu để sinh viên có thể tự mình áp dụng và phát triển các giải pháp, sản phẩm thông minh có ứng dụng các thuật toán và mô hình AI thì sinh viên khi tốt nghiệp chỉ dừng lại là “người sử dụng” các sản phẩm AI do người khác xây dựng nên chứ chưa phải là “người nghiên cứu” AI, hay “người phát triển” các giải pháp thông minh ứng dụng AI.
Để đào tạo ngành AI, ngoài nguồn nhân lực hiện có, Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã được ĐH Quốc gia TPHCM đầu tư hơn 80 tỷ đồng cho các phòng thí nghiệm chuyên sâu về AI. Hiện nay, trường xác định mục tiêu đào tạo sản phẩm đầu ra phải là những nhà nghiên cứu, nhà phát triển, hay nhà khởi nghiệp với các hệ thống thông minh có áp dụng AI. Tuy nhiên, về lâu dài, theo TS Đinh Bá Tiến, trường mong muốn tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy thông qua việc tuyển dụng thêm các giảng viên mới tốt nghiệp ngành AI từ nước ngoài về và tiếp tục đầu tư cho các giảng viên của trường để có thể tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu về AI, trao đổi học thuật với các trường, viện nghiên cứu lớn về AI trên thế giới.
Nền tảng liên kết “3N”
Tại buổi làm việc mới đây, ĐH Quốc gia TPHCM kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đồng ý để ĐH Quốc gia TPHCM chủ trì, phối hợp với một số trường ĐH trọng điểm thực hiện Đề án đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số. Mục tiêu là tăng gấp đôi số lượng kỹ sư CNTT trong 5 năm tới (từ 4.300 lên 10.000) nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, đề xuất chiến lược “Tăng cường năng lực đào tạo nhân lực KHCN tiếp cận AI thông qua đầu tư giáo dục bổ sung và dài hạn” gồm 3 nội dung chính: xây dựng nền tảng liên kết 3N (nhà trường, nhà nước và nhà tuyển dụng); phổ cập kiến thức AI cho nguồn nhân lực KHCN hiện tại thông qua các khóa học phổ cập kiến thức AI, kho học liệu mở, mô hình CLB...; thiết kế và vận hành chương trình đào tạo AI từ bậc tiểu học đến trung học, ĐH. Trong đó, Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý, ban hành chính sách, xây dựng chiến lược ở mức vĩ mô và cấp thêm ngân sách. Nhà trường cải tiến chương trình đào tạo, áp dụng các mô hình sư phạm mới (đặc biệt là ứng dụng internet), tuyển dụng thêm giảng viên, xây thêm phòng học và phòng thực hành, mở rộng thêm quy mô đào tạo. Doanh nghiệp hỗ trợ các trường ĐH như: tài trợ xây dựng thêm cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu; bổ sung thêm nhiều học bổng; nhận sinh viên thực tập; phối hợp cùng thực hiện các dự án thực tiễn…
Nói về liên kết “3N”, TS Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, chia sẻ: “Chúng tôi là nhà doanh nghiệp nên cảm nhận rõ nhất về những tác động to lớn của cuộc CMCN 4.0. Nếu chúng ta không kịp thời nắm bắt thì sẽ phá sản. Không thể có chuyện đi tắt đón đầu nếu chúng ta không có nền tảng cơ bản, cốt lõi nhất của cuộc CMCN 4.0. Và nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng, nó là “sản phẩm” của các trường ĐH. Các cơ sở giáo dục ĐH chính là lõi quan trọng nhất, “sản phẩm” phải có khả năng tích hợp: kỹ năng, kiến thức chuyên môn - kỹ năng quản trị - kỹ năng số. Do đó, các cơ sở giáo dục phải thay đổi, các chương trình, đề án phải xác định cho được phương pháp tiếp cận chuyển đổi số để từ đó xác định rõ chúng ta có làm được không, làm ra có sử dụng hay không, làm ra có bị bỏ phí hay không”.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp công nghệ, để giải quyết bài toán nhân lực AI, trước mắt là phải săn đón, thuê các chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, để chủ động và làm chủ được công nghệ thì bài toán lâu dài là phải liên kết với các cơ sở đào tạo trong nước để chủ động về nguồn nhân lực.
PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM:AI là cốt lõi trong xây dựng thành phố thông minh Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TPHCM. Về đào tạo nhân lực số, ĐH Quốc gia TPHCM được TPHCM giao nhiệm vụ trực tiếp đào tạo nhân lực ngành CNTT-TT và AI trong khuôn khổ đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế. Đây là lực lượng lao động trình độ cao, trực tiếp tham gia phát triển kinh tế số cho TPHCM. Hiện nay, quy mô tuyển sinh đào tạo nhóm ngành CNTT và AI của ĐH Quốc gia TPHCM là lớn nhất cả nước, với khoảng 2.000 sinh viên mỗi năm, cộng thêm khoảng 2.000 chỉ tiêu của các nhóm ngành khác có liên quan như Toán, Điện tử viễn thông, Tự động hóa. Để đáp ứng kịp thời cho nhu cầu về nhân lực, chúng tôi đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong vòng 5 năm tới. Với Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TPHCM giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2030”, AI trở thành công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh bền vững. Chương trình này cũng đặt mục tiêu chung: xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số, xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh; ngành công nghiệp AI nói riêng và CNTT nói chung sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực trong tăng trưởng GRDP của thành phố. TPHCM trở thành trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng AI; có trình độ phát triển AI nằm trong nhóm các thành phố dẫn đầu trong khu vực ASEAN… TS NGUYỄN VIỆT LONG, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương:Các sản phẩm xuất khẩu phải có hàm lượng tri thức cao Bình Dương hiện nay đứng thứ 2 cả nước (sau TPHCM) về thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xuất khẩu, nhưng nếu không chuyển đổi theo CMCN 4.0, Bình Dương cũng sẽ chông chênh. Chúng tôi muốn có đột phá về kinh tế - xã hội, nền kinh tế tri thức, các sản phẩm xuất khẩu có giá trị và hàm lượng tri thức cao hơn. Chiến lược xây dựng thành phố thông minh, kinh tế tri thức của chúng tôi được thực hiện từ năm 2015 và chúng tôi học hỏi tại Hà Lan. Trong chương trình trọng tâm của tỉnh, chúng tôi xác định ĐH là trái tim, là bộ não để thực hiện chiến lược. Từ đó, chúng tôi xây dựng các vệ tinh xung quanh là con người, công nghệ, doanh nghiệp, yếu tố nền tảng (hạ tầng). Các trường ĐH chính là nơi đào tạo ra nhân lực, sản sinh ra các ý tưởng sáng tạo để áp dụng trong thực tế. TS NGUYỄN THANH MỸ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mỹ Lan: Giải quyết vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và quyền sử dụng Là doanh nghiệp trong thời đại số, chúng ta phải cạnh tranh với toàn cầu, đồng thời phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực có chuyên môn cao, thiếu phương tiện thực hiện nghiên cứu cơ bản. Do đó, chúng tôi luôn muốn hợp tác với các trường ĐH để giải quyết những vấn đề trên. Chúng tôi hợp tác với các trường để chủ động được nguồn nhân lực và kết hợp thực hiện các nghiên cứu cơ bản để hỗ trợ phát triển nghiên cứu và phát triển sản phẩm của doanh nghiệp. Do đó, mối liên kết này sẽ cùng tạo ra công nghệ và sản phẩm mới và thương mại hóa sản phẩm mới phát triển từ trường ĐH. Do đó, để mối liên kết 3N được thông suốt, các bộ ngành liên quan cần phải gỡ rào cản từ chính sách, giải quyết vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và quyền sử dụng kết quả của các dự án liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường. |