Bước đi mạnh mẽ
Cho đến nay, BI cam kết giúp tài trợ 574.400 tỷ rupiah (40 tỷ USD) thâm hụt tài khóa mở rộng, trong đó bao gồm việc mua 397.560 tỷ rupiah (27 tỷ USD) trái phiếu trực tiếp từ chính phủ. Phần còn lại sẽ được mua tại các cuộc đấu giá. BI sẽ trả lại tất cả tiền lãi kiếm được từ trái phiếu được mua trực tiếp thông qua đặt riêng, sẽ chịu chi phí lãi một phần cho phần còn lại.
Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati nói với các phóng viên hôm 6-7 rằng thỏa thuận mua trái phiếu được thực hiện với ngân hàng trung ương (NHTW), là động thái duy nhất được kích hoạt bởi cuộc khủng hoảng đại dịch, và sẽ được thực hiện thận trọng. Thống đốc BI Perry Warjiyo cho biết thêm, hiện lạm phát thấp và trong tầm kiểm soát, nhưng các nhà hoạch định chính sách rất quan tâm đến các rủi ro. “Chúng tôi đang cố gắng phục hồi chính sách kinh tế của Indonesia theo cách bền vững. Chính phủ cam kết duy trì kỷ luật tài khóa, giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% và tuân thủ kỷ luật tài khóa năm 2023” - ông Indrawati nói.
Các đề xuất trước đó cho thấy Ngân hàng Indonesia sẽ mua hầu hết trái phiếu với lãi suất bằng 0 - tức BI sẽ in tiền miễn phí cho chính phủ. Những lo ngại đó đã khiến đồng rupiah giảm và hoán đổi tín dụng vỡ nợ vào tuần đầu tháng 7. Dù vậy, tiền tệ và trái phiếu của Indonesia đã tăng mạnh vào ngày 8-7 khi đề xuất đặt nợ riêng với BI xoa dịu mối lo ngại về tình trạng dư cung trái phiếu. Đồng rupiah tăng 0,7% lên 14.395USD, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm chuẩn giảm 6 điểm cơ bản xuống 7,175%.
Trái phiếu được BI mua cũng sẽ giao dịch được, có nghĩa là BI có thể sử dụng chúng cho các hoạt động tiền tệ, giảm rủi ro cho NHTW. Theo thỏa thuận mới nhất, Bộ trưởng Indrawati cho biết chính phủ sẽ tăng gấp đôi quy mô đấu giá trái phiếu, được tổ chức 2 tuần 1 lần, lên 40.000 tỷ rupiah. BI sẽ có vai trò như người mua cuối cùng. Thống đốc Warjiyo cho biết lạm phát đang được kiểm soát và NHTW thường xuyên đánh giá động lực tăng trưởng và giá cả. “Nếu lạm phát phục hồi và nền kinh tế tăng tốc, BI đã có sẵn công cụ, chúng tôi có các chính sách” - ông nói. 3 tuần sau bước đi chưa từng có nói trên, Bloomberg cho biết thị trường tiền tệ và trái phiếu dường như đã “phê chuẩn” cho Indonesia trong bước đột phá tài chính. Jean-Charles Sambor, người đứng đầu mảng thị trường mới nổi tại BNP Paribas Asset Management có trụ sở ở London, cho biết chương trình chia sẻ gánh nặng ở Indonesia là một thành công.
Không riêng lẻ
Không riêng lẻ
Bộ trưởng Indrawati cho biết kế hoạch chia sẻ gánh nặng này không phải là duy nhất ở Indonesia. Nhật Bản và Mỹ đã thực hiện các chương trình tương tự. NHTW ở các nước đang phát triển như Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines cũng đang có vai trò lớn hơn, với tư cách là người mua nợ chính phủ. Josua Pardede, nhà kinh tế tại PT Bank Permata ở Jakarta, cho biết với sự chia sẻ gánh nặng, NHTW và chính phủ đang thể hiện sự phối hợp chặt chẽ trong việc kích thích nền kinh tế để tăng tốc phục hồi. Điều này sẽ mang lại tâm lý tích cực, bởi nếu sự phục hồi được cụ thể hóa sẽ duy trì sự ổn định trên thị trường tài chính.
Hầu hết thị trường mới nổi chứng kiến nợ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong quý I-2020 so với năm trước đó, theo dữ liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF). Ở nhiều quốc gia mới nổi, luật cấm NHTW mua nợ trực tiếp từ chính phủ, nên một số hiện đang mua giấy nợ nội địa ở thị trường thứ cấp để thay thế. Fitch Ratings cho biết các nước Indonesia, Philippines, Thái Lan, Ba Lan, Nam Phi, Croatia, Romania, Hungary, Chile, Costa Rica và Colombia đã thực hiện phương pháp trên.
Argentina vỡ nợ vào đầu năm nay, NHTW nước này đã chuyển 1.300 tỷ peso (18 tỷ USD) cho kho bạc kể từ khi các biện pháp phong tỏa được công bố vào ngày 19-3. Tiền mặt trong lưu thông đã tăng, nhu cầu USD cao, giá tiêu dùng được thiết lập nhằm tăng 53% trong 12 tháng tới. Ngân hàng Nga đã chịu áp lực phải giúp tài trợ thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, sau khi nhà xuất khẩu năng lượng bị ảnh hưởng bởi cú đúp từ đại dịch và sụt giảm nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Tuy nhiên, lãi suất thực vẫn còn tích cực ở đó, do đó, vẫn còn chỗ để sử dụng các biện pháp thông thường.
Ngân hàng Dự trữ Nam Phi đang chống lại lời kêu gọi tài trợ thâm hụt, cho rằng nó sẽ phá sản ngân hàng trung ương. Và trong khi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã mua trái phiếu trực tiếp từ chính phủ, thì nó đã mở rộng bảng cân đối kế toán trong bối cảnh đại dịch bằng cách cho phép các ngân hàng Ấn Độ vay với lãi suất rẻ và cho chính phủ liên bang vay tiền.
Nguy cơ “đắm tàu” diện rộng
Theo Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng cao cấp và cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Singapore, các nền kinh tế mới nổi có thể nhìn thấy những lợi ích họ đã đạt được trong nhiều thập niên gần đây bị xóa sạch, để lại các hậu quả kinh tế, xã hội và chính trị cho phần còn lại của thế giới. “Khi chúng ta nghĩ về tương lai của nền kinh tế thế giới, về cơ bản liệu thế giới mới nổi sẽ nổi lên hay chìm xuống” - ông Tharman nói trong một hội nghị trực tuyến.
Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 6 dự báo sản lượng của thị trường mới nổi sẽ giảm lần đầu tiên sau ít nhất 6 thập niên. Nhà cho vay cảnh báo đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế trên toàn thế giới sẽ dẫn đến nghèo đói gia tăng ở các quốc gia kém phát triển, cũng như gánh nặng nợ cao hơn. Nhiều nước mới nổi sẽ thấy tỷ lệ nợ của chính phủ trên tổng sản phẩm quốc nội tăng vọt. Trong khi đó, đại gia quản lý tài sản toàn cầu Pacific Investment Management Co (Pimco), dự báo tình trạng vỡ nợ của các công ty sẽ tăng lên khi các nhà hoạch định chính sách cắt giảm hỗ trợ rộng rãi và chuyển sang chi tiêu hậu đại dịch có mục tiêu hơn. Các nhà phân tích cảnh báo nợ quá hạn có thể gia tăng khi đại dịch làm giảm nhu cầu và cạn kiệt dòng tiền kinh doanh.
Chương trình mua trái phiếu trực tiếp của Indonesia 397.560 tỷ rupiah được mua ở các vị trí tư nhân với tỷ lệ mua lại đảo ngược trong 7 ngày (hiện là 4,25%). Tài trợ sẽ được sử dụng cho các dịch vụ công cộng như chăm sóc sức khỏe, mạng lưới an toàn xã hội và an ninh lương thực; tiền lãi được trả lại cho chính phủ. 176.8300 tỷ rupiah còn lại sẽ được bán tại các cuộc đấu giá, BI sẽ mua lại nếu không có ai mua; quỹ sẽ được sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và các doanh nghiệp khác. BI sẽ phân chia chi phí lãi suất với chính phủ, bằng cách bao gồm chênh lệch giữa lãi suất thị trường và 1% dưới mức lãi suất repo ngược 3 tháng của BI. Phần của Chính phủ 329.000 tỷ rupiah. |