Gia tài xanh
Ông Nguyễn Tấn Hiệp, giám đốc đầu tiên của Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, nay về hưu trong căn nhà nhỏ bên sông Nhật Lệ ở thành phố Đồng Hới bồi hồi nhớ lại: “Năm 2003, Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận di sản thiên nhiên thế giới bởi giá trị địa mạo địa chất toàn cầu. Một khối núi đá vôi liền khối, lớn nhất Đông Nam Á, bên trong đó có các hang động khổng lồ, bên trên khối núi đá vôi ấy là 10 kiểu rừng độc đáo như các vườn treo khổng lồ ở diện tích 125.000ha. Nhưng nỗi lo nhất là dân các vùng Sơn Trạch, Xuân Trạch, Phúc Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm, Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch), Thượng Hóa, Trung Hóa, Hóa Sơn (Minh Hóa) vào rừng kiếm củi, săn bắn, tác động tiêu cực vào di sản”.
Phong Nha - Kẻ Bàng trong sương
Thời đó, mỗi lần lên Phong Nha - Kẻ Bàng công tác, khách ghé quán ven đường thường được tiếp thị thịt rừng. “Đó là mối bận tâm nhất của người bảo vệ di sản. Ngày về hưu, tôi nói lại với anh em thế hệ sau, giữ được Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ cho chúng ta nhiều thứ. Ít nhất là một lần nữa được UNESCO vinh danh. Cho nên bằng mọi giá phải giữ gia tài xanh này cho quê hương, bởi đây là sự quý giá không chỉ cho Quảng Bình mà còn là cả quốc gia và thế giới. Một gia tài xanh hiếm hoi. Muốn thế phải dẹp các quán bán đồ hoang dã”, ông Nguyễn Tấn Hiệp tâm sự.
Gà lôi quý trong hệ chim ở Phong Nha - Kẻ Bàng
Những thế hệ sau đã giữ được sự bảo chứng bảo vệ rừng di sản trên mảnh đất Quảng Bình, để tháng 7-2015, tại kỳ họp lần thứ 39 tại Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức, với sự nhất trí hoàn toàn của các quốc gia thành viên Ủy ban Di sản thế giới (WHC), Phong Nha - Kẻ Bàng lần thứ hai ghi danh vào Danh sách Di sản thế giới theo 2 tiêu chí mới: Là ví dụ nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn; sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.
Đón danh hiệu di sản lần thứ 2 đối với Phong Nha - Kẻ Bàng
Cho đến nay, bảo vệ di sản Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn là ưu tiên số một nơi đây. Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết: “Phải quyết tâm bảo vệ các cảnh quan rừng một cách nguyên sơ mới được thế giới công nhận”.
Phi thường
Nhớ lại những ký ức năm xưa, ông Lưu Minh Thành, người kế vị thứ 2 sau ông Nguyễn Tấn Hiệp lần lại những trang tài liệu lưu trữ kể: Nhằm chuẩn bị cho các cuộc kiểm tra “sát hạch” giữ rừng do các chuyên gia IUCN (Liên minh bảo tồn quốc tế) đảm nhiệm, vườn đã chuẩn bị các tuyến rừng để kiểm tra. Họ từ chối, đi làm độc lập, những tuyến rừng do họ vạch ra một cách bất ngờ. Nhiều người lo sẽ bị IUCN đánh rớt.
Nhưng sau đó các chuyên gia báo cáo rằng: VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có rừng nhiệt đới ẩm tương đối nguyên vẹn trên núi đá vôi với độ che phủ chiếm 94%, trong đó, 84% là rừng nguyên sinh. Vườn có trên 2.934 loài thực vật bậc cao có mạch và hơn 800 loài động vật có xương sống, trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ của thế giới và một số không có ở nơi nào khác. Mức độ đặc hữu ở khu vực này cao đến khó tin, hơn 400 loài thực vật của Việt Nam và 38 loài động vật ở dãy Trường Sơn. Có nhiều loài mới được ghi nhận.
Chúng tôi lúc đó thở phào và báo cáo này trở thành hình mẫu đệ trình lên UNESCO lần thứ 2 và được chấp thuận.
Tiến sĩ Thomas Ziegler (Đức) chuyên nghiên cứu bò sát lưỡng cư người từng đặt chân đến nghiên cứu đã nói: “Rừng nguyên sinh chiếm 84% diện tích Phong Nha - Kẻ Bàng quả là một giá trị ngoại hạng. Các khu rừng thường bị tác động lớn, nhưng ở đây vẫn còn nguyên sinh. Đó là giá trị toàn cầu không chỉ của Việt Nam mà còn cả thế giới. Tạo ra các bất ngờ cho giới nghiên cứu về gen của các loài”. Và tiến sĩ cũng đã hoàn thành công bố của mình về 150 loài bò sát lưỡng cư ở Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có 9 loài hoàn toàn mới.
Tiến sĩ Thomas Ziegler đã công bố về 150 loài bò sát lưỡng cư ở Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có 9 loài hoàn toàn mới
Năm 1998, lần đầu tiên làm việc tại Phong Nha - Kẻ Bàng, Tiến sĩ Theo Pagel, Giám đốc Vườn thú Cologne khẳng định: “Chúng tôi muốn làm việc ở nơi này. Đây là nơi có mật độ lớn nhất về các loài linh trưởng khác nhau trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Không vườn quốc gia hoặc khu bảo tồn nào ở Việt Nam có số lượng loài linh trưởng như ở đây. Đây cũng là nơi có một số loài mới được mô tả như loài động vật có vú nhỏ thỏ vằn (Nesolagus timminsii). Nơi đây cũng được biết đến như một trong 200 vườn chim quan trọng toàn cầu và là thiên đường của các nhà khoa học. IUCN cũng bước đầu xác định khu hệ chim có 302 loài thuộc 57 họ và 18 bộ, trong đó có 15 loài đã được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 19 loài cần được bảo vệ ở mức độ toàn cầu như niệc cổ hung, gà lôi mào trắng, gà lôi lam đuôi trắng, giẻ cùi vàng, khướu mun đá...”.
Phong Nha - Kẻ Bàng nơi có mật độ lớn nhất về các loài linh trưởng khác nhau trên toàn lãnh thổ Việt Nam
Về khu hệ cá, Tiến sĩ Nguyễn Thái Tự nói: “So sánh với nhiều khu bảo tồn khác của Việt Nam, khu hệ cá Phong Nha - Kẻ Bàng có số loài nhiều nhất với 72 loài thuộc 23 họ và 11 bộ, trong khi đó, VQG Bạch Mã có 33 loài, VQG Ba Bể 42 loài, khu Vũ Quang 58 loài, Pù Mát 54 loài. Do Phong Nha - Kẻ Bàng có địa hình phức tạp, nhiều sông suối bị cách ly và nhiều sinh cảnh nên ở đây có cả các loài cá sông suối, cá vùng núi cao, cá đồng bằng và cả 19 loài cá từ biển di nhập vào. Có 4 loài cá đặc hữu hẹp chỉ gặp ở Phong Nha - Kẻ Bàng và vùng lân cận là cá dầy (Cyprinus centralus), cá gáy hoa (Cyprinus sp.), cá Phong Nha (Chela quangbinhensis) và cá nghét (Hemibagrus vietnamensis).
Giới bảo tồn quốc tế đã có hơn 2.000 lượt người tìm đến Phong Nha - Kẻ Bàng để nghiên cứu và đều thống nhất quan điểm đây là một di sản thiên nhiên hiếm có trên toàn thế giới. Từ động vật to lớn như voi, hổ, bò tót đến nhỏ bé như tắc kè Phong Nha, hay cá sống trong hang động...
Những lâm tặc quyết tâm bảo vệ rừng
Nhưng những điều phi thường của tự nhiên ấy sẽ khiếm khuyết nếu không có một điều phi thường đến từ các cộng đồng địa phương cùng nhau bảo vệ rừng di sản. Họ từ chỗ lâm tặc, suốt ngày bám vào rừng, săn bắn và chặt gỗ, đã dần chuyển biến để cùng nhau bảo vệ các giá trị ngoại hạng mà họ biết không chỉ đời họ được hưởng mà hậu thế sau họ sẽ còn hưởng lợi bền vững hơn.
Hang Thiên Đường
Bà Phạm Hòe năm nay 48 tuổi ở Chày Lập (xã Phúc Trạch) kể: “Trước đây, mới lấy chồng, đêm xuống chồng lẻn vào rừng đặt bẫy, sáng về lén lút đi bán. Khi có con khỉ, khi con lợn rừng, khi con Sơn Dương, cũng có tiền nhưng có đó thì lại rượu chè, cờ bạc, gia sản không có gì, con cứ thế đông lên mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Nay thì rừng bị cấm, khi mới cấm dân phản ứng, không bám rừng lấy gì sống. Riết rồi bị cấm chặt quá thành ra chuyển đổi nghề. Mình mở hàng quán bán cho khách du lịch, ban đầu vài bữa cơm gà chạy bộ, dần dần thành quán, tạo việc làm cho thêm 5 người địa phương. Giờ thấy ai vào rừng chặt phá là không ưng cái bụng”.
Ở thị trấn Phong Nha, ông Trần Đức Bình, Chủ tịch thị trấn kể: “Vùng này trước đây đa phần là lâm tặc, ra đường đã gặp lâm tặc. Nhưng khi Phong Nha - Kẻ Bàng lên di sản, làng Phong Nha bắt đầu thay đổi nhận thức. Kiểm lâm làm gắt, địa phương làm gắt, lâm tặc gác kiếm, đóng thuyền chở khách, chụp ảnh mưu sinh, nuôi cá trắm bán cho nhà hàng. Đến nay, sự tác động tiêu cực đến rừng ở đây đã không còn. Những hang động, những cánh rừng thường xanh đã nuôi được người dân nơi này. Đó là một kỳ tích rừng xanh di sản”.
Hang Sơn Đoòng thành tựu khám phá nổi bật nhất cuối thế kỷ XX tại Phong Nha - Kẻ Bàng
Không phải chỉ Phong Nha mà toàn bộ hơn 10 xã vùng đệm di sản đều thay đổi nhận thức để vì di sản. Ông Phạm Hồng Thái nói: “Hơn 99% người dân đã không còn tác động tiêu cực vào rừng di sản. Đó là cả một sự chuyển đổi mà không cùng nhau làm việc, rất khó để có thành quả như ngày nay”.
Vừa nói, ông Thái đưa ra một số liệu dẫn chứng: “Tổng lượng khách đến tham quan tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng trong 20 năm qua đạt trên 9,5 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế trên 1,1 triệu lượt); doanh thu từ phí và lệ phí đạt trên 1.742 tỷ đồng. Riêng năm 2019 VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã đón hơn 954 ngàn lượt khách/năm, tăng hơn 4,8 lần so với năm 2003. Đó mới là bán vé trực tiếp, phục vụ du khách trước bán vé, du khách ở lại, dùng các dịch vụ bản địa đều tạo giá trị gia tăng cho người dân địa phương”.
Như vậy, du lịch không chỉ đóng góp phát triển kinh tế cho khu vực mà còn là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn di sản, giảm áp lực lên tài nguyên thông qua tạo việc làm cho người dân, tạo ra xu hướng dịch chuyển lao động trước đây từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang phát triển du lịch, dịch vụ…, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân vùng đệm, làm giảm đáng kể áp lực lên tài nguyên VQG, tạo điều kiện thuận lợi để làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo tồn di sản Phong Nha - Kẻ Bàng.