Phù thủy kể chuyện bằng cát

Anh tên thật Đặng Trí Đức (sinh năm 1971). Lên 4 tuổi theo cha mẹ từ Hà Nội vào TPHCM lập nghiệp. Từ nhỏ, cậu học trò trường Lê Quý Đôn đã rất thích biển, thích cát, mỗi lần đi biển chơi đều thích vẽ trên cát. Lớn lên, theo học chuyên ngành về lụa Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Tốt nghiệp, anh về Nhà hát Múa rối Trung ương. Và một ngày kia, ngay cả người trong nghề cũng bất ngờ bởi những trò “nghịch” cát của anh.

Anh tên thật Đặng Trí Đức (sinh năm 1971). Lên 4 tuổi theo cha mẹ từ Hà Nội vào TPHCM lập nghiệp. Từ nhỏ, cậu học trò trường Lê Quý Đôn đã rất thích biển, thích cát, mỗi lần đi biển chơi đều thích vẽ trên cát. Lớn lên, theo học chuyên ngành về lụa Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Tốt nghiệp, anh về Nhà hát Múa rối Trung ương. Và một ngày kia, ngay cả người trong nghề cũng bất ngờ bởi những trò “nghịch” cát của anh.

Tay ngang thành họa sĩ

Kể với tôi, họa sĩ Trí Đức cho biết anh đến với tranh cát động thật tình cờ. Đó là trong một lần đang tổng dợt chương trình nghệ thuật múa rối, đạo diễn Ngọc Bảo gọi Trí Đức đến và cho xem một đoạn phim trên Youtube của Ferenc Cakó và hỏi có làm được không. Trí Đức coi xong và nói “Cái này… dễ mà!”.

Bắt đầu từ đó Trí Đức mày mò tìm đọc cách thức vẽ tranh cát trên bàn kiếng. Vốn có năng khiếu về hội họa và vẽ chân dung nên chuyện vẽ với anh không khó. Nghệ thuật trình diễn vẽ tranh bằng cát hiện còn khá mới mẻ. Những bức tranh thể hiện lung linh qua những hạt cát được vẽ trên màn hình LCD, phía dưới có gắn một chiếc đèn nhỏ tạo hiệu ứng. Trước đây, chỉ cần 1 bàn mặt kính đục có đèn rọi bên dưới là có thể vẽ. Nhưng đến nay với nhiều ứng dụng hiện đại, việc vẽ tranh trên cát thường được thực hiện trên màn hình LCD giúp màu sắc có sự chuyển động lung linh hơn. Màn hình LCD sẽ được nối với máy chiếu.

Đây chính là nơi hiển thị trực tiếp tác phẩm cho người xem. Qua đôi tay uyển chuyển, khéo léo của người nghệ sĩ, những hạt cát vô hồn như biến ảo thành một câu chuyện xuyên suốt. Người xem được đi từ cảm xúc ngạc nhiên, thích thú đến nín thở, say mê và sau cùng òa lên sung sướng khi được chứng kiến sự hiện thân của từng thông điệp qua nét vô tri của hạt cát, một nguyên liệu quá đỗi phổ biến ở đời thường.

Từ đó, anh trở thành họa sĩ “độc quyền” với loại hình biểu diễn mới và được mời biểu diễn thường xuyên cho nhiều sự kiện lớn, nhỏ. Đặc biệt Trí Đức đã được biểu diễn vẽ tranh cát cho Nữ hoàng Elizabeth II xem ở Anh vào tháng 7-2012. Trong năm 2012, anh đã đoạt huy chương vàng Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc.

Nói về chiếc huy chương vàng Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Trí Đức nhớ lại: “Trong khi đang ngồi sửa bàn vẽ tranh cát tôi nhận được cuộc điện thoại của đạo diễn Xuân Hồng yêu cầu làm một sân khấu mang tính đột phá, độc đáo để dự thi liên hoan. Tôi nhận lời. Sau một ngày nghiên cứu kịch bản, tôi nảy ra ý tưởng về một sân khấu được làm nền bằng tranh cát. Nội dung tác phẩm tranh cát dựa theo diễn biến về thời gian, không gian, đồng thời diễn tả nội tâm nhân vật. Ý tưởng đó được ê kíp đoàn nhất trí hoàn toàn. Không chỉ thế, tôi còn được đảm nhận vai nhân vật Gốc phi lao già, với đúng một câu độc thoại”. Như cá gặp nước, Trí Đức thỏa niềm sáng tạo, những vệt cát uốn lượn liên tục theo âm nhạc, theo cảm xúc nhân vật, cuốn theo cả những giọt mồ hôi… Từ giải thưởng huy chương vàng năm đó, tranh cát đã được ứng dụng thành công trên sân khấu kịch.

“Đó là một sự thăng hoa trong nghệ thuật sau này tôi khó có thể tìm lại được. Ban đầu, đạo diễn Xuân Hồng chỉ định kêu tôi tham gia thiết kế sân khấu cho vở diễn. Thật may, khi tôi đề xuất ý tưởng sử dụng tranh cát để thể hiện những thay đổi về không gian và thời gian, cả đoàn đều đồng ý” - nghệ sĩ Trí Đức cho biết.

Khiến cát nhảy múa

Khi 2 bàn tay của nghệ sĩ Trí Đức lướt nhẹ trên mặt cát, những hạt cát đơn sắc bỗng chốc trở nên bức tranh chuyển động liên tục theo âm điệu và chủ đề của câu chuyện. Sự kết hợp khéo léo và chuẩn xác giữa hình ảnh và âm nhạc tạo một chuyến tàu đưa khán giả lướt êm qua nhiều không gian, thời gian và tạo cảm xúc sâu lắng đến khó quên. Đến nay, nhiều người trong nghề vẫn coi anh là người tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật tranh cát động.

Người xem tranh cát động của Trí Đức bị cuốn hút vì hầu hết hình ảnh trong tranh đều quen thuộc với cuộc sống đời thường, được phóng tác lúc nhanh, lúc chậm theo âm nhạc. Sự phối hợp ăn ý giữa âm nhạc, hội họa và cảm xúc tạo nên những luồng cảm xúc cho người xem.

Nghệ sĩ Trí Đức cho biết: “Biểu diễn tranh cát tác động trực tiếp vào giác quan nghe nhìn nên rất cần một đôi tay khéo léo, nhanh nhẹn để gảy cát nhảy múa theo kịp điệu nhạc. Một tác phẩm tranh cát động là tổng hòa của nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật biểu diễn. Người vẽ tranh cát phải làm nhiều việc hơn một đạo diễn, đó là phải xây dựng ý tưởng, sáng tạo kịch bản, lựa chọn và sắp xếp tổng thể âm nhạc, ánh sáng…”.

Nghệ sĩ Trí Đức thực hiện biểu diễn tranh cát chuyển động.

Nghệ sĩ Trí Đức thực hiện biểu diễn tranh cát chuyển động.

Dù thành công với tranh cát chuyển động, nhưng nghệ sĩ Trí Đức vẫn cho rằng anh chỉ mới khám phá được một phần nét đẹp của tranh cát chứ chưa thật sự hiểu hoàn toàn về nó, “tôi mới chỉ là người vẽ tranh cát chuyên nghiệp chứ chưa phải là người giỏi nhất”. Bởi với anh, “làm nghệ thuật là công việc cực nhọc, thậm chí khổ luyện. Đôi khi, một bài nhạc phải nghe đi nghe lại đến cả trăm lần để từ nhạc bật ra hình ảnh.

Ý tưởng có thể là sự ngẫu hứng nhưng để trình diễn phải trải qua một quá trình làm việc và luyện tập mất nhiều thời gian và công sức”. Và sau gần 300 tác phẩm tranh cát động với bấy nhiêu ý tưởng độc đáo, cũng có nhiều lúc anh bị “bí”. Những lúc ấy, anh phải tìm tòi, nghiên cứu mối liên hệ giữa tác phẩm với hình ảnh, âm nhạc sao cho bức tranh cát vẫn giữ được nét tinh tế mà vẫn quảng bá được tác phẩm.

Anh Trí Đức chia sẻ không học vẽ tranh cát động qua trường lớp mà chỉ xem qua một đoạn phim ngắn trên internet. Thực tế vẽ tranh cát không khó đối với những người đã có căn bản. Cát chỉ là một chất liệu giống sơn dầu, mực tàu… “Chỉ cần một lớp cát mịn đặt trên mặt kính màu trắng đục, bên dưới có đèn chiếu sáng là đủ điều kiện hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật bằng cát. Nguyên tắc cơ bản của loại hình nghệ thuật này là sự tương phản giữa nền sáng của mặt kính và màu đen của cát để tạo hình ảnh.

Chính vì nguyên tắc này nên tranh cát dường như không đa dạng về màu sắc nhưng lại có được sắc độ (độ đậm nhạt), tạo được không gian xa gần của bức tranh. Tranh cát động vừa mới mẻ, thú vị, lại vừa mang tính thư giãn với âm nhạc và hội họa, có lẽ rất phù hợp cho những hội thảo khoa học khô khan” - Trí Đức chia sẻ.

Các tin khác