Sức chống chịu của cộng đồng DN ngày càng cạn kiệt
Theo Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021 do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố, đối mặt với đợt bùng phát dịch lần thứ 4 hết sức nguy hiểm và kéo dài trong nhiều tháng qua, lợi nhuận các doanh nghiệp (DN) trong Quý 3 năm nay được dự báo sẽ giảm đáng kể do các biện pháp giãn cách xã hội diện rộng làm gián đoạn đà phục hồi.
Triển vọng tăng trưởng của nhiều ngành gặp thách thức lớn khi có ít nhất 70% nhà máy sản xuất ở miền Nam phải tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách. Đối với các nhà máy vẫn đang duy trì hoạt động phải đảm bảo theo mô hình "3 tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) và test Covid-19 3 ngày/lần… do đó, chịu chi phí vận hành rất lớn và buộc phải giảm 40-50% công suất.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sức chống chịu của cộng đồng DN ngày càng cạn kiệt và tới hạn; nhất là đối với các DN nhỏ và vừa. DN gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đứt gãy chuỗi cung ứng, cả nguồn cung đầu vào và đầu ra và các biện pháp phong tỏa, phòng chống dịch khắc nghiệt khiến DN kiệt quệ.
“Những quyết định “chưa có tiền lệ” của một số địa phương dẫn tới can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN như việc kiểm soát lưu thông hàng hóa, áp dụng mô hình sản xuất 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến, yêu cầu xét nghiệm liên tục, thiếu nhất quán trong thời gian qua. Cách thức này không những làm đội chi phí rất lớn, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của DN mà còn ảnh hưởng tới tâm lý người lao động, dẫn tới thiếu hụt nhân công. Khó khăn chồng chất khó khăn khiến nhiều DN lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan”, bà Nguyễn Minh Thảo chỉ rõ.
Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho hay, khó khăn nhất của DN hiện nay chính là sức khỏe tài chính. Hoạt động ngày càng khó khăn, dòng tiền vào thì ít trong khi chi ra liên tục nên mọi sự hỗ trợ dù lớn, dù nhỏ đều rất tốt. Những chính sách tài khóa, tiền tệ đều là “phao cứu sinh” của DN. Tuy nhiên, giữa kỳ vọng với thực tiễn áp dụng chính sách vẫn còn những khoảng cách nhất định.
“Tài chính, đồng tiền như là máu của DN, tất cả mọi sự hỗ trợ mặc dù rất đáng quý nhưng để có thể vực dậy được hay chưa thì chưa đủ, vì nguồn lực chung đều hạn hẹp”, bà Thủy nói.
Nhanh chóng xây dựng chương trình phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh “zero Covid” không khả thi, sống chung với Covid được nhận định là tương lai lâu dài, doanh nghiệp phải tiếp tục thích nghi. Để sản xuất thông suốt, quy trình tổ chức nội bộ của doanh nghiệp đặc biệt là hoạt động nhân sự sẽ phải thay đổi và cải tiến, đáp ứng yêu cầu mới đặt ra.
Bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, thời gian qua, dịch bệnh diễn biến khó lường, chưa có tiền lệ dẫn tới sự lúng túng trong điều hành ở nhiều cấp khác nhau. Trước những khó khăn của DN hiện nay, Chính phủ cần có sự chỉ đạo thống nhất một số nguyên tắc và giải pháp.
Trước tiên, tất cả hàng hóa (trừ hàng cấm) đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành phải được lưu thông. Có lưu thông hàng hóa thì DN mới duy trì được sản xuất.
Cùng với đó, Chính phủ đưa ra hướng dẫn thống nhất về các phương án kiểm soát dịch bệnh, phương án di chuyển đối với người dân giữa các địa phương với các tiêu chí dễ hiểu, dễ thực hiện; tránh tình trạng mỗi địa phương hiểu và ban hành quy định theo một cách khác nhau… Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các địa phương khi quyết định phương án phòng dịch phải thông tin và tham vấn doanh nghiệp để bảo đảm thực hiện mục tiêu chống dịch nhưng không làm đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tránh tình trạng đưa ra quyết định bất ngờ, khiến DN không kịp trở tay…
“Nên trao quyền chủ động cho DN trong việc lựa chọn mô hình vận hành và phương thức tổ chức sản xuất cũng như trong phòng chống dịch. Không nên đóng cửa DN nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của một dây chuyền/phân xưởng riêng biệt; tránh tình trạng áp dụng cứng nhắc các phương thức tổ chức sản xuất 3 tại chỗ hay 1 cung đường 2 điểm đến như vừa qua; đồng thời, cần cho DN chủ động thực hiện test COVID-19 bởi nhiều đơn vị có lực lượng y tế tại chỗ đủ năng lực làm việc này. Theo đó, DN sẽ tự chịu trách nhiệm với kết quả của mình”, bà Nguyễn Minh Thảo đề xuất.
Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, cần tiếp tục tổ chức sản xuất, cuộc sống xã hội và quản lý nhà nước an toàn, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Nhưng sinh kế và sinh mạng là hai mặt của một vấn đề, bổ sung, củng cố cho nhau, không thể tách rời.
Bên cạnh đó, cần nhanh chóng phục hồi lại, củng cố vững chắc các động lực tăng trưởng của nền kinh tế vì nhiều động lực đã suy yếu. Và phải sử dụng nguồn lực đúng mục đích, đúng đối tượng, và hiệu quả.
“Giải pháp cần cụ thể, khả thi và có thể thực hiện được ngay và nhanh trong thời hạn đã định. Trong bối cảnh đặc biệt, có thể tính tới giải pháp phi truyền thống”, TS. Cung nêu quan điểm.
Ông Cung cho rằng, cần phải nhanh chóng xây dựng chương trình phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong những năm tới. Trong đó, chương trình này cần phải đánh giá bối cảnh bên trong một cách thẳng thắn để báo động về một viễn cảnh không sáng trong giai đoạn tới.
“So với giai đoạn 1999 và 2011, dư địa chính sách hiện nay của chúng ta vẫn còn và tốt hơn nhiều. Tại thời điểm này, chúng ta phải chi mạnh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Về chính sách tiền tệ, ngoài chính sách giảm lãi suất, chúng ta có thể mở cung tiền, tăng tín dụng và có gói tín dụng đặc biệt”, TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị.