Phục hồi kinh tế phụ thuộc tốc độ tiêm vaccine

(ĐTTCO)-Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15-6 về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng với bối cảnh của năm 2021, những nhận định, đánh giá của Văn kiện Đại hội 13 là hoàn toàn chính xác.
 Tuy nhiên, có hai vấn đề có diễn biến khác, sâu sắc hơn: Một là tỷ lệ tiêm chủng vaccine còn thấp ở nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam, nên rủi ro lỗi nhịp với nền kinh tế thế giới đã hiện hữu. Hai là rủi ro bong bóng tài sản trên toàn thế giới sẽ gây áp lực lạm phát lớn trong dài hạn, ảnh hưởng rất mạnh đến kinh tế vĩ mô. Để làm rõ vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, chuyên gia kinh tế.
Phục hồi kinh tế phụ thuộc tốc độ tiêm vaccine ảnh 1
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông đánh giá thế nào về diễn biến cũng như tác động của đợt dịch lần này đến kinh tế - xã hội Việt Nam?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Tôi cho rằng tác động của sự bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ 4 từ cuối tháng 4-2021 này đối với đời sống kinh tế - xã hội nước ta rất đáng lo ngại, nhất là sự bùng phát dịch trong các khu công nghiệp tập trung và trên địa bàn TPHCM.
Tuy đến thời điểm ngày 17-6-2021, những ổ dịch ở các tỉnh phía Bắc cơ bản đã kiểm soát và hàng chục địa phương sau 21 ngày không phát hiện lây nhiễm mới, nhưng tình hình chung vẫn còn khá phức tạp, nhất là đối với TPHCM. Khả năng đưa các hoạt động kinh tế trở lại thời kỳ trước khi bùng phát dịch lần thứ 4 vẫn đang còn là thông số về thời gian.
Nếu trong tháng 7 khống chế được hoàn toàn tình trạng lây nhiễm ở những địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15 và 19 của Thủ tướng để chuyển sang thời kỳ “bình thường mới”, khu vực dịch vụ mới có hy vọng phục hồi.
Ở thời điểm này, “mục tiêu kép” vẫn nặng về mục tiêu chống dịch, bảo vệ sức khỏe của người dân. Vì vậy, các ngành du lịch, vận tải, đời sống đô thị vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề.
Đời sống của một bộ phận dân cư sống dựa vào dịch vụ đang rất khó khăn. Tôi cho rằng hệ quả xã hội của đợt bùng phát dịch lần này đáng lo ngại hơn cả năm 2020; khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng lớn hơn.
- Như nhận định Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, năm 2021, các nước phát triển có vaccine nên họ đã kiểm soát được tình hình. Trong khi tốc độ triển khai tiêm vaccine khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng còn chậm nên có rủi ro lỗi nhịp với tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới, khi nhiều nơi đã bắt đầu mở cửa trở lại. Góc nhìn của ông về nhận định này?
- Tôi đồng tình với nhận định trên. Đúng là phần lớn các nước phát triển đang chuyển từ thời kỳ cách ly, giãn cách xã hội sang thời kỳ miễn dịch cộng đồng dựa trên kết quả tiêm vaccine Covid-19.
Chúng ta rất thành công trong cách chống dịch trong giai đoạn vừa qua, nhưng nếu theo tinh thần như sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chuyển từ phòng ngự sang tấn công, tức tốc độ tiêm vaccine Covid-19 cho người dân chính là cách tấn công trong giai đoạn chống dịch hiện nay. Đây là mũi tấn công có ý nghĩa chiến lược trong giai đoạn “bình thường mới”.
Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất khẩu, du lịch… là những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Vì vậy, nền kinh tế nước ta sẽ bị bỏ lại nếu chúng ta chậm trong việc tạo ra sự miễn dịch cộng đồng và giao lưu kinh tế quốc tế sẽ gặp trở ngại, nếu không hội nhập “hộ chiếu vaccine” với thế giới.
Những nỗ lực của Chính phủ trong việc tìm mua vaccine và chương trình tiêm chủng đại trà đang xây dựng và thực thi, kỳ vọng sẽ bắt kịp tiến độ chung của phần lớn các khu vực trên thế giới.
Có thể nói kinh tế nước ta có thể phục hồi và phát triển bền vững hay không tùy thuộc vào kết quả của quá trình hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Phục hồi kinh tế phụ thuộc tốc độ tiêm vaccine ảnh 2 Các tuyến đường ở TPHCM nhộn nhịp ngày nào thì nay yên ả vắng bóng người.
Tình hình này kéo dài sẽ khó vực dậy nền kinh tế, nhất là mảng dịch vụ. Ảnh: MINH TUẤN
- Rủi ro bong bóng tài sản trên toàn thế giới cũng đã xuất hiện từ hệ quả của chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Mỹ và các nước trên thế giới. Theo đó giá bất động sản trên thế giới trong 4 -5 tháng đầu năm tăng 20 - 35%, giá dầu thô tăng cao, giá nguyên nhiên, vật liệu, nông sản cũng tăng, và đặc biệt chứng khoán bùng nổ toàn thế giới, kể cả Việt Nam, càng đi lệch so với nền kinh tế thực. Cần ứng phó gì với rủi ro này, thưa ông?
 - Đúng là diễn biến tình hình kinh tế thế giới có vẻ mâu thuẫn so với cách nghĩ truyền thống của chúng ta lâu nay.
Thực tế trong hơn 1 năm qua, từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, đã có rất nhiều tiên liệu về thời kỳ “hậu Covid”. Nhưng đây được xem là thời kỳ “bất khả tiên liệu” trên tất cả các lĩnh vực địa - kinh tế, địa - chính trị, thương mại quốc tế, toàn cầu hóa, chuỗi sản xuất, chuỗi lưu thông, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, công nghệ… đều thay đổi nhanh chóng.
Do vậy những vấn đề của bài toán phát triển của những quốc gia trong giai đoạn công nghiệp hóa mang tính truyền thống như nước ta hiện nay, sẽ hoàn toàn thay đổi trong tương lai.
Do đó, thách thức của thời kỳ “hậu Covid” là làm thế nào thiết kế hệ thống chính sách kinh tế khả dĩ thích ứng với sự biến đổi của thế giới và các khu vực kinh tế. Đây là nội dung quan trọng để thực hiện “mục tiêu kép” trong tình hình mới.
Tuy nhiên, những chỉ báo của kinh tế Việt Nam cho đến thời điểm này như các chỉ số về sản xuất công nghiệp (IPP), xuất khẩu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát cơ bản, tăng trưởng tín dụng… đều không có sự biến động ngoài dự liệu và nguy cơ tăng trưởng nóng về bất động sản, chứng khoán dường như cũng đã lắng dịu trở lại.
Tôi cho rằng cần theo dõi tình hình thế giới nhưng chưa phải là thời điểm cần điều chỉnh chính sách tiền tệ đang thực thi.
- Dịch bệnh khiến DN gặp khó khăn, nợ xấu có xu hướng tăng. Vậy những giải pháp nào cần thiết để hỗ trợ người dân và DN cũng như để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể?
- Với diễn biến tình hình hiện nay, về kinh tế cần tập trung giải quyết 2 vấn đề là cần có những giải pháp tình thế để giúp DN bám trụ và phục hồi và bảo đảm an sinh cho người thất nghiệp nhất là ở đô thị.
Theo đó, chính sách về tài khóa cần xây dựng riêng một “gói trợ cấp thất nghiệp” và xem đây là giải pháp chính trong chính sách an sinh xã hội, rà soát đối tượng cần thiết kéo dài biện pháp giảm miễn thuế, phí đang thực thi đến hết năm 2021. 
Chính sách tiền tệ phải ưu tiên hỗ trợ tín dụng và lãi suất cho DN vừa và nhỏ. Dự báo nguy cơ tăng nợ xấu để chủ động kiểm soát bởi tăng nợ xấu trong hệ thống NHTM và các TCTD khác là điều không tránh khỏi trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, cần mở rộng tín dụng tiêu dùng để kích thích sức mua của thị trường khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Về đầu tư, bên cạnh việc tháo gỡ các điểm nghẽn của đầu tư công, cần tháo gỡ điểm nghẽn của đầu tư tư nhân trong việc triển khai các dự án liên quan đến đất đai, quy hoạch, xây dựng, thẩm định tác động môi trường…
Chúng ta cũng cần đánh giá những DN đầu đàn trong từng lĩnh vực ở mọi thành phần kinh tế trước nguy cơ gãy đổ do thua lỗ mất thanh khoản, nhất là những DN đang có dư nợ tín dụng lớn ở các TCTD.
Về kinh tế vĩ mô, kiên trì chính sách chủ động về lạm phát mục tiêu, tỷ giá, lãi suất, bội chi ngân sách, nợ công, chủ động tăng mức nợ công/GDP và lạm phát cơ bản khoảng 3% trong 2 năm 2021-2022 nhằm mở rộng dư địa cho chính sách tài khóa và tín dụng.
Cần tận dụng xu hướng giảm lãi suất huy động để tăng nhanh thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, chuyển dần việc huy động vốn sang thị trường vốn để giảm áp lực tín dụng của các NHTM.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác