Thời điểm hiện tại, TPHCM quy định các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực (F&B) chỉ bán mang đi qua các shipper công nghệ, đội ngũ giao hàng của các tiệm có giấy đi đường hoặc những người đã có "thẻ xanh Covid"...
Tuy nhiên, số lượng nhân viên có giấy đi đường hạn chế lẫn số người có "thẻ xanh Covid" để ra đường vẫn chưa nhiều, nên việc giao nhận thức ăn của các tiệm, các chuỗi ẩm thực đều cậy nhờ vào shipper trước khi TP cho phép ăn uống tại quán.
Sôi động bán hàng qua shipper
Vào mỗi buổi trưa, chi nhánh của hệ thống cửa hàng chuyên bán bún đậu mắm tôm Tiến Hải tại đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) sôi động trở lại khi luôn có cả chục shipper mặc đủ màu áo xanh, đỏ, vàng... ngồi chờ lấy đơn hàng.
Ở khu vực gian bếp, các nhân viên của quán tất bật nấu nướng, cho thức ăn vào hộp, phân đơn hàng... xuyên cả buổi trưa không ngơi tay. Cứ vài phút, các nữ nhân viên của tiệm lại xách ra cả tá hộp thức ăn đã gói sẵn chỉn chu để giao cho các shipper.
Bà Nguyễn Minh Giang - chủ chi nhánh tại quận 7 - cho biết hệ thống bún đậu mắm tôm này có 8 chi nhánh ở TPHCM, đến nay đã có 4 chi nhánh tái hoạt động.
Theo bà Giang, những ngày đầu tái hoạt động, các đối tác giao hàng công nghệ tung các chương trình khuyến mãi vào khung giờ trưa nên số lượng đơn hàng đổ về thời điểm này khá lớn, lượng đơn hàng đã tăng mạnh theo từng ngày.
Khi bán buôn trở lại, giá thành các món không thay đổi, song bà Giang cho hay giá nguyên liệu đầu vào đã tăng 1/3, riêng các loại rau tăng gấp đôi thời điểm trước dịch khiến cửa hàng cũng "gặp đôi chút khó khăn".
Tuy vậy, nữ chủ quán này cho hay việc được mở cửa buôn bán trở lại đã là niềm vui bởi quán cũng có đồng ra đồng vào, nhân viên có công ăn việc làm sau một thời gian dài thất nghiệp.
Tương tự, chi nhánh của hệ thống cơm tấm Phúc Lộc Thọ (quận 7) cũng đã tái hoạt động theo chương trình thí điểm 150 doanh nghiệp "xanh".
Bà Nguyễn Thị Nhi - giám sát cửa hàng - cho biết phần lớn việc giao nhận đều phụ thuộc vào các shipper công nghệ, chỉ một số ít khách hàng có "thẻ xanh Covid" được mua hàng tại quán. Theo bà Nhi, lượng đơn hàng đã tăng mạnh, nhất là khung giờ từ 10-13h mỗi ngày.
Trong khi đó, đại diện các chuỗi thức uống, cà phê ở TPHCM cũng cho biết sau khi TPHCM cho phép bán hàng mang đi, các chuỗi này cũng dần mở lại các chi nhánh ở các quận huyện, song việc giao hàng hoàn toàn thông qua các shipper công nghệ.
Shipper nhiều hơn, người tiêu dùng lợi hơn
Việc phụ thuộc hoàn toàn vào các shipper trong thời điểm này giúp các doanh nghiệp F&B không cần tổ chức đội ngũ giao hàng riêng, song cũng khiến các doanh nghiệp khá bị động bởi số lượng shipper tới thời điểm này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH Golden Trust (đơn vị nhượng quyền độc quyền Gong Cha tại Việt Nam) - cho biết đã có 7/22 cửa hàng Gong Cha tại TPHCM mở cửa lại.
Theo ông Phương, số lượng đơn hàng đã tăng lên mỗi ngày, song chưa thể bằng giai đoạn trước dịch, bởi trước đây ngoài bán hàng trực tiếp, khách hàng mang về hay bán qua 5-7 nền tảng công nghệ thì nay chỉ còn một kênh duy nhất là qua shipper của 2 hãng công nghệ.
Người dân lấy hàng qua hàng rào trên đường Nguyễn Tuân, quận Gò Vấp, TPHCM trưa 26-9 - Ảnh: Quang Định.
Với việc phụ thuộc vào shipper, ông Phương cho hay khách hàng hoàn toàn đặt hàng qua app của các hãng công nghệ, doanh nghiệp sẽ chuẩn bị đơn hàng dựa trên số lượng đơn mà app báo về.
Trường hợp khách hàng không thể đặt đơn hàng do thiếu shipper, phía doanh nghiệp cũng không thể nắm được bởi hoàn toàn phụ thuộc vào app. Ngoài ra, yêu cầu về 5K như giao hàng tại bàn, khoảng cách 2m khiến việc giao tiếp, phục vụ các yêu cầu đặc biệt cho khách hàng cũng bị ảnh hưởng.
Do đó, ông Phương cho hay mong muốn của các doanh nghiệp F&B là số lượng shipper lẫn số hãng tăng lên, lộ trình cho shipper thông thoáng hơn, giúp chi phí giao hàng giảm xuống, tốc độ giao hàng nhanh hơn để người tiêu dùng được mua hàng với chi phí rẻ và hưởng thụ dịch vụ tốt hơn.
Ông Phương cho hay việc doanh nghiệp được tái hoạt động là một tín hiệu tốt, giúp doanh nghiệp có dòng tiền, nhân viên có việc làm và quan trọng hơn là được phục vụ trở lại khách hàng những ly trà mà họ yêu thích cũng như duy trì sự xuất hiện của thương hiệu.
Trong thời gian tạm ngưng đóng cửa, hệ thống này vẫn cung cấp thức uống miễn phí cho các lực lượng tuyến đầu với con số lên đến 70.000 ly trà sữa.
Tương tự, thời gian qua, hệ thống nhà hàng Grill & Cheer cũng phải ngưng hoạt động và chuyển sang phục vụ phi lợi nhuận các suất ăn cho lực lượng tuyến đầu, trong đó cung cấp lượng lớn suất ăn đến bệnh viện dã chiến tại Bình Dương.
Theo đại diện hệ thống này, sau quãng thời gian hoạt động thiện nguyện, hệ thống đã chuẩn bị nguồn lực để tái hoạt động theo 3 giai đoạn, dự kiến sẽ mở lại bếp trung tâm vào đầu tháng 10 để bán hàng mang đi.
Theo vị này, hiện hệ thống đã chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị menu để bán các món ăn theo 2 dạng là món chế biến sẵn hoặc các món đã tẩm ướp gia vị để khách hàng về chế biến, trong đó lẩu mang về là món chính của hệ thống này.
Bên cạnh đội ngũ shipper công nghệ, hệ thống này cũng dự tính sẽ tổ chức thêm đội ngũ giao hàng riêng nếu có lượng đơn hàng nhiều, để chủ động hơn đối với việc giao nhận.
Nếu TP tiếp tục nới lỏng, hệ thống này sẽ chuyển sang bán tại chỗ với số lượng 20 người và sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn 3 là phục vụ với số lượng nhiều hơn như kịch bản của TP.
Theo ông Bùi Đức Tuệ - Giám đốc One IBC Group, tập đoàn chuyên tư vấn đầu tư trong và ngoài nước, thì ngành F&B với các ứng dụng giao hàng là mối quan hệ cộng sinh, có lợi cho cả ba bên khách hàng, đối tác cùng các ứng dụng. Tuy nhiên, doanh nghiệp F&B cũng nên có phương án phát triển thêm các kênh phân phối khác song song, tránh việc quá phụ thuộc và hạn chế một số rủi ro, xung đột lợi ích.
One IBC Group đã từng xây dựng kế hoạch phát triển cho các thương hiệu lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, về lâu dài nên triển khai thêm kênh phân phối riêng để tự chủ, thuận lợi cho các chiến dịch marketing. Trong khi các thương hiệu vừa và nhỏ tốt hơn nên cân bằng giữa việc hợp tác với các ứng dụng giao hàng và tiếp cận khách hàng qua nhiều hình thức, đặc biệt là mạng xã hội.
Trong giai đoạn chuyển đổi số, việc xây dựng một kênh bán hàng online và tương tác khách hàng qua Zalo, Facebook... là không thể bỏ qua, ông Tuệ chia sẻ.