Trong danh sách 28 người mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố còn có Cố vấn thương mại Peter Navarro, Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell, Bộ trưởng Y tế Alex Azar và Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft.
Đáng chú ý, danh sách trừng phạt còn có tên của cựu cố vấn khác trong chính quyền Trump như cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và cựu Chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Stephen Bannon.
Những người này bị Bắc Kinh cáo buộc có các hành động "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc". Tất cả những người bị nêu tên và gia đình của họ sẽ bị cấm nhập cảnh vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm cả Hong Kong và Macau.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã sử dụng giọng văn cứng rắn để nói về những người nằm trong danh sách. Trong đó Bắc Kinh mô tả những người này "vì lợi ích chính trị ích kỷ và thành kiến mà lên kế hoạch, thúc đẩy và thực thi hàng loạt động thái điên cuồng can thiệp nghiêm trọng vào các công việc nội bộ của Trung Quốc".
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hành động của các cá nhân này đã "làm xói mòn các lợi ích của Trung Quốc, xúc phạm nhân dân Trung Quốc và làm gián đoạn trầm trọng quan hệ Trung-Mỹ". Ngoài việc cấm nhập cảnh, 28 cựu quan chức Mỹ và các công ty, thể chế liên quan cũng bị cấm hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc.
Việc Trung Quốc nhắm tới các quan chức trong chính quyền Trump ngay thời điểm họ trở thành cựu quan chức là một hành động có tính toán, như một cách trả đũa dù bất thường ở thời điểm thông báo là lúc rạng sáng.
Sự trả đũa được cho nhằm đáp trả một loạt các động thái nhắm vào Trung Quốc đã được tiến hành theo một cách rất khẩn trương và tranh thủ trong những ngày cuối nhiệm kỳ của ông Trump.
Ngay trước ngày ông Biden nhậm chức, ông Pompeo đã chỉ trích các hành vi của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, mô tả đây là những tội ác "chống lại loài người". Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã phản pháo lại những cáo buộc trước khi tung ra danh sách trừng phạt như trên.