Cùng với đó chỉ khoảng 30% thực phẩm tươi sống được cung cấp qua hệ thống phân phối hiện đại, đã đặt ra nhiều thách thức trong quản lý sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nhiều nỗ lực của TP
Năm 2017, TPHCM nóng lên với đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo. Không chỉ ở các kênh phân phối hiện đại, đề án còn tập trung đến các chợ truyền thống, thông qua 2 đầu mối là chợ Bình Điền và Hóc Môn. Những ngày đầu khi triển khai ở chợ đầu mối vô cùng khó khăn vì áp lực quá lớn của các thương lái. Nhưng với nỗ lực của cơ quan quản lý, heo vào chợ đã được đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Thời điểm ấy người tiêu dùng cũng khá hào hứng với việc quét mã QR code.
Song cũng chỉ được thời gian ngắn, người mua dường như không còn quan tâm kể cả khi mua hàng ở các kênh hiện đại, còn người bán ở các chợ truyền thống nhỏ lẻ cũng không ai nhắc đến chuyện heo truy xuất nữa. Vấn đề nằm ở chỗ thông tin quét ra vẫn chỉ là heo nuôi ở trại nào, ngày giờ giết mổ, thiếu cái người tiêu dùng thực sự quan tâm là con heo đó có đảm bảo chất lượng. Thậm chí tem đó nhưng có đúng con heo đó không. Nên người mua cũng nản và chi phí cho việc đeo vòng lại trở thành lãng phí.
Sau truy xuất thịt heo, TPHCM triển khai đề án truy xuất nguồn gốc rau quả. Nhưng đến nay, thực tế ở các chợ đầu mối phần lớn sản phẩm rau củ từ các địa phương nhập vào TPHCM không có thương hiệu, bao bì, cũng không ai đảm bảo an toàn. Còn vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị cũng không mấy người quan tâm đến truy xuất nguồn gốc rau quả vì cùng chung lo ngại như thịt heo: truy xuất đó nhưng kết quả có đúng, không ai biết. Với những sản phẩm luôn ghi nhãn VietGap nhưng người tiêu dùng cũng chỉ mua vì niềm tin, có thực sự trồng theo tiêu chuẩn VietGap chỉ người trồng, chăn nuôi biết, ngay cả hệ thống kiểm soát của siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng chưa chắc kiểm soát hết được.
Không chỉ triển khai các đề án truy xuất nguồn gốc, Ban An toàn thực phẩm TP còn xây dựng những chuỗi thực phẩm an toàn ở TPHCM, cũng như nhiều tỉnh thành có sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho TP. Ngoài ra, TPHCM cũng như một số DN phân phối, sản xuất nông nghiệp còn liên kết với nhiều tỉnh/thành trong việc hình thành các chuỗi liên kết - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn. Tuy nhiên đến nay việc này vẫn còn nhiều thách thức.
Theo PGS.TS Trần Tiến Khai (Đại học Kinh tế TPHCM), Ban chủ nhiệm đề án “Xây dựng chuỗi liên kết - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm giữa TPHCM và các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, việc xây dựng chuỗi thực phẩm nông nghiệp an toàn đã được thực hiện tương đối tốt ở TPHCM. Ước tính khoảng 30% lượng thực phẩm tươi sống được cung cấp thông qua hệ thống phân phối hiện đại. Còn lại 70% được cung cấp thông qua hệ thống phân phối truyền thống qua 3 chợ đầu mối, chưa được giải quyết rốt ráo vấn đề này.
Có nhiều lý do để giải thích nghịch lý này. Đó là Nhà nước chưa kiểm soát được việc bắt buộc áp dụng các bộ tiêu chuẩn thực phẩm an toàn (hoặc có nhưng chưa thực hiện tốt việc giám sát thực hiện). Điển hình, phần lớn nhà sản xuất quy mô nhỏ, nhất là hộ gia đình nông dân, chưa áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong sản xuất, chế biến. Trong khi đó, Nhà nước chưa bắt buộc mà chỉ khuyến khích các nhà sản xuất áp dụng tiêu chuẩn VietGap. Các chuỗi tiêu thụ thuộc hệ thống phân phối hiện đại đã áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhưng hệ thống phân phối truyền thống chưa áp dụng vì không thể kiểm soát từ nguồn sản xuất.
Thực tế cho thấy, việc chưa bắt buộc, chỉ khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap hay các tiêu chuẩn sạch khác, đã đẩy người trồng trọt, chăn nuôi vào thế muốn nhưng khó làm, vì khó tìm đầu ra do sản phẩm giá cao. Thị trường cũng bị hỗn loạn bởi các sản phẩm giả tiêu chuẩn VietGap, cũng như nhiều tiêu chuẩn sạch, hữu cơ khiến người làm thật dễ nản lòng.
Tiêu chuẩn bắt buộc, không thể vận động, khuyến khích
Vậy làm như thế nào để quản lý các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi, làm sao phát triển nông nghiệp sạch cho TPHCM, nhằm phục vụ người dân và đảm bảo công bằng cho hộ nông dân, HTX và DN đi theo con đường nông sản sạch? PGS.TS Trần Tiến Khai cho rằng một trong những giải pháp cốt lõi là sử dụng tiếp cận cầu, xác lập tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật bắt buộc. Cách tiếp cận này coi vai trò của thị trường từ phía cầu là tiên quyết, có tính dẫn dắt cho phía sản xuất (phía cung).
Tiếp cận chính sách được đề xuất theo nguyên tắc nhất quán “sản xuất phải an toàn, không an toàn không được sản xuất”. Không chấp nhận tiêu chuẩn kép trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản thực phẩm. Nói cách khác, hệ thống pháp luật an toàn thực phẩm phải theo hướng bắt buộc, không nên tiếp cận vận động, khuyến khích. Tiếp cận chính sách từ phía cầu, theo hướng tập trung xây dựng chuẩn hàng hóa bắt buộc khi đưa vào lưu thông phân phối trên thị trường. Chỉ những hàng hóa đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào lưu thông phân phối trên thị trường.
Bên cạnh đó, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, DN sản xuất, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm, bắt buộc phải áp dụng các quy chuẩn quốc gia; các tiêu chuẩn để sản xuất đạt chuẩn bắt buộc của thị trường TP kết hợp với bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ cơ sở sản xuất, trang trại, DN nông nghiệp và nông hộ.
Như vậy, để sản phẩm nông nghiệp có thể vào TP tiêu thụ phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Nhưng liệu có gây phản ứng ngược khi TPHCM vẫn phải nhập khẩu đến 80% sản phẩm nông sản, thực phẩm từ nhiều tỉnh/thành khác. Ở đây câu chuyện thực tế chứng minh cách làm trên nếu kiên quyết vẫn mang lại hiệu quả. Đó là năm 2018, TPHCM yêu cầu các chợ đầu mối không cho nhập hàng chưa qua sơ chế để giảm thiểu lượng rác thải. Các hộ sản xuất và DN muốn đưa hàng vào TP đã chấp hành nghiêm túc vì TPHCM vẫn là thị trường tiêu thụ tiềm năng.
Việc chưa bắt buộc sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, đang đẩy người trồng trọt, chăn nuôi vào thế muốn nhưng khó làm, vì khó tìm đầu ra do sản phẩm giá cao. Thị trường cũng bị hỗn loạn bởi các sản phẩm giả tiêu chuẩn sạch, hữu cơ khiến người làm thật nản lòng. |