Hai đợt khảo sát diện rộng với trên 130 nghìn doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê (tháng 4 và tháng 9/2020) đều cho thấy có tới trên 83% số doanh nghiệp khẳng định bị ảnh hưởng tiêu cực. Lao động và doanh thu của hầu hết các ngành đều giảm từ 8-15%. Doanh nghiệp gặp khó khăn cả đầu vào và thị trường tiêu thụ, trong khi vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn trong tiếp cận nguồn lực tài chính. Doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ lệ đang hoạt động thấp nhất và giảm doanh thu cao nhất.
Trong năm 2020, nhiều biện pháp tài khóa được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, gồm gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng; Các biện pháp miễn, giảm, giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp; Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng (gần 1% GDP) cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng...
Song, theo đánh giá của Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), hiệu quả khá hạn chế, giải ngân gói hỗ trợ khó khăn. 82% doanh nghiệp được khảo sát không nhận được gói hỗ trợ từ Chính phủ. Lý do chính yếu là các doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ, quy trình thủ tục tiếp cận quá khó khăn, không đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ và đã nộp hồ sơ xin hỗ trợ nhưng vẫn chưa được nhận.
Nghịch lý của việc hỗ trợ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ (15,5 nghìn tỷ đồng) thì những doanh nghiệp có lợi nhuận tốt được hỗ trợ còn những doanh nghiệp không lợi nhuận vì Covid-19 lại không nhận được hỗ trợ.
"Gói chia sẻ doanh nghiệp phải chính xác hơn về đối tượng và dựa theo kết quả đầu ra để tránh tâm lý sống nhờ vào gói trợ cấp của Chính phủ. Ví dụ, có chính sách thuế đối với chi phí của doanh nghiệp bỏ ra chi cho việc mua vật tư, các phương tiện để phòng chống dịch. Doanh nghiệp nào làm sẽ được hưởng lợi", ông Phan Đức Hiếu kiến nghị.