Có rất nhiều dự báo về việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và liên minh (OPEC+) có thể lại cắt giảm sản lượng, nhưng thực tế, chỉ có mình Ả Rập Xê Út là đơn phương cắt giảm tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày từ đầu tháng 7/2023, trong khi các nước khác đều "lắc đầu".
OPEC+ sản xuất ước tính khoảng nửa tổng sản lượng dầu của thế giới. Việc cắt giảm sản lượng được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo lắng về khả năng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại có thể gây tổn hại đến nhu cầu năng lượng.
Trong ngày hôm 5/6, giá dầu mở cửa tăng sau thông tin Ả Rập Xê Út cắt giảm sản lượng, nhưng sau đó nhanh chóng quay đầu trả lại hết thành quả ngay trong phiên giao dịch.
Một số quan chức Ả Rập Xê Út thừa nhận rằng, trong ngày thứ Hai (5/6), giá dầu đã không tăng như kỳ vọng Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út - Abdulaziz bin Salman, người đã lên tiếng bảo vệ quyết định giảm sản lượng và phản đối các nhà đầu tư bán khống trên thị trường năng lượng.
Những tháng gần đây, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út đã không ngừng lên tiếng chỉ trích những nhà giao dịch bán khống trên phố Wall, bởi việc các nhà đầu tư này không ngừng bán khống sẽ khiến cho giá dầu giảm sâu. Cuối tháng 5/2023, ông cảnh báo các nhà đầu tư bán khống nên cẩn thận, điều này được coi như thông điệp cho thấy OPEC+ có thể sẽ tiếp tục giảm sản lượng.
Quyết định đơn phương giảm sản lượng tự nguyện lần này có thể khiến cho Ả Rập Xê Út phải trả giá, bởi mức độ tăng của giá dầu cho đến hiện tại không bù được cho việc doanh thu sụt giảm do việc mất thị phần tại một số thị trường chủ chốt như Trung Quốc vào tay Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Nga. Cả UAE và Nga đều phản đối việc cắt giảm sản lượng, họ cho rằng đã hài lòng với mức giá hiện tại.
Theo các dữ liệu trước đây, các thành viên thuộc OPEC+ thường không công bố đầy đủ các dữ liệu liên quan đến hoạt động sản xuất. Một số nước thành viên của OPEC tại châu Phi mới đây cho biết, họ không có kế hoạch thực hiện đúng yêu cầu về sản lượng này.
David Fyfe, Chuyên gia kinh tế tại công ty dịch vụ hàng hóa Argus Media cho biết, phản ứng giá cả trên thị trường năng lượng sau quyết định của Ả Rập Xê Út trong phiên ngày thứ Hai không đủ bù đắp cho những yếu tố bất ổn đã gây đè nặng lên tâm lý thị trường. Một lý do khác chính là Ả Rập Xê Út đơn phương quyết định giảm sản lượng dầu, thực tế này khiến cho nhiều người đoán rằng Riyadh thực chất đã thất bại trong việc thuyết phục các thành viên khác trong nhóm OPEC+ đồng thuận với mình.
Trong khi đó, Tập đoàn năng lượng nhà nước Saudi Aramco của Ả Rập Xê Út vào hôm thứ Hai (5/6) đã tăng giá bán dầu thô tháng 7/2023. Các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư trước đó đã kỳ vọng doanh nghiệp này hạ giá bán dầu để cạnh tranh với nhiều nước sản xuất dầu lớn khác của thế giới như Nga trong bối cảnh nhu cầu thị trường còn hạn chế.
Việc tập trung vào mục tiêu đẩy tăng giá dầu cho thấy áp lực mà Thái tử Ả Rập Xê Út đương đầu. Ông phải đối mặt với áp lực phải tái cơ cấu lại nền kinh tế Ả Rập Xê Út vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và bản thân ông cũng cần phải duy trì giá dầu ở ngưỡng mang lại hiệu quả cho nền kinh tế Ả Rập Xê Út. Giới chuyên gia phân tích ước tính rằng, Ả Rập Xê Út cần giá dầu trên ngưỡng 80 USD/thùng nhằm cân đối ngân sách của nước này.