Nhu cầu hàng ngoại rất cao
Với mong muốn kết nối những người làm nông có tâm và người tiêu dùng muốn sử dụng hàng sạch để đảm bảo sức khỏe, tháng 6-2016, anh Lê Trọng Kha đã cho ra đời siêu thị Lekha mart, chuyên bán rau củ quả sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thế nhưng khi bắt tay làm, anh Kha mới nhận thấy để tìm được rau củ quả sạch là hành trình hết sức gian nan.
Phải thẳng thắn nhìn nhận chất lượng rau củ quả của chúng ta có vấn đề. Đó là tình trạng thừa nhưng lại thiếu. Cụ thể, có nhiều loại rau chúng ta thừa nhưng nhiều loại củ như khoai tây, cà rốt, nấm lại thiếu. Bên cạnh đó, chúng ta không có khâu bảo quản sau thu hoạch làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Đó là lý do khiến kim ngạch nhập khẩu nông sản tăng liên tục nhiều năm qua. GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam |
Rau sạch có thể kết nối một số nông trại, còn trái cây sạch hầu như không có. Cuối cùng để đảm bảo nguồn hàng, Lekha mart buộc phải nhập khẩu các loại trái cây từ New Zealand, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Peru, Nhật Bản, Australia, Philippines, Tây Ban Nha…
Chia sẻ về việc khó tìm trái cây sạch trong khi Việt Nam đang xuất khẩu trái cây đi nhiều thị trường với kim ngạch không nhỏ, anh Kha cho hay trái cây Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vẫn đi thị trường Trung Quốc với tiêu chuẩn khá dễ dãi, còn những thị trường khó tính, khắt khe về chất lượng rất ít, nên những siêu thị như Lekha mart rất khó chen ngang lấy hàng bán lẻ.
Lekha mart chỉ là một trong vô số cửa hàng, siêu thị bán trái cây nhập ngoại ở các TP lớn như TPHCM hay Hà Nội để phục vụ nhu cầu khách hàng. Ghé vào siêu thị Lotte mart (quận Gò Vấp, TPHCM), tới khu trưng bày trái cây người tiêu dùng bị hấp dẫn bởi nhiều loại trái cây nhập ngoại như táo, lê, kiwi, cam, nho… được bày biện đẹp mắt, giá cả cũng rất đa dạng từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/kg.
Ngoài trái cây người tiêu dùng còn có thể mua một số loại nấm được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Không riêng Lotte, tại nhiều siêu thị như Emart, Big C, Aeon, thậm chí cả Coop mart cũng bày bán rất nhiều sản phẩm trái cây nhập ngoại.
Lý do khiến người tiêu dùng chọn mua trái cây nhập ngoại là tin tưởng về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Với họ những quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Hoa Kỳ… luôn có tiêu chuẩn rất khắt khe cho các sản phẩm nông sản thực phẩm, nên khi mua không cần phải nghĩ ngợi nhiều.
Đặc biệt, nếu như trước kia trái cây nhập chủ yếu được mua để biếu tặng do giá cao, hiện nay nhiều người tiêu dùng mua cho nhu cầu sử dụng hàng ngày của gia đình. Cầu tăng ắt cung tăng, lượng nhập khẩu trái cây đang tăng lên đáng kể.
Theo Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, trừ Thái Lan, giá trị nhập khẩu rau củ quả ở hầu hết thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh nhất với trên 86%, tiếp đó là Hàn Quốc trên 82% và Chile trên 73%. Ngoài nhu cầu từ người tiêu dùng, trong điều kiện hội nhập, việc giao thương, trao đổi hàng hóa diễn ra sôi động.
Việt Nam xuất khẩu nhiều loại rau củ quả ra thế giới và được nhiều thị trường cao cấp như EU, Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga… đón nhận. Ngược lại, Việt Nam cũng mở cửa đón nhận hàng hóa từ nước ngoài, thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Doanh nghiệp nội khó tiếp cận vốn đầu tư
Doanh nghiệp nội khó tiếp cận vốn đầu tư
Vì sao Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng lại nhập khẩu nhiều loại rau củ quả? Ông Ưng Thế Lãm, Giám đốc Công ty TNHH TV-XNK Toàn Cầu, người gắn bó mấy chục năm với trái thanh long, cho rằng việc chi tiền tỷ nhập khẩu rau củ quả ngoại là thực tế phải chấp nhận trong lúc này.
Phát triển NNCNC là xu hướng tất yếu, nhưng để làm được điều này cần số vốn đầu tư không nhỏ. Trong khi đó, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn không dễ, nên kết quả đến thời điểm này là chưa đáng kể. TS. Nguyễn Minh Phong |
Đó là do yêu cầu mở cửa thị trường, hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, hàng hóa nước ngoài cũng sẽ vào thị trường Việt Nam. “Song quan trọng hơn, Việt Nam tuy là nước nông nghiệp nhưng làm ăn thiếu bài bản, người nông dân chủ yếu chạy theo số lượng, ít quan tâm chất lượng và các yếu tố đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Rau củ quả không đảm bảo chất lượng, hàng nhập ngoại sẽ có vị trí tốt trong lòng người tiêu dùng” - ông Lãm nhấn mạnh
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số tồn tại yếu kém của ngành nông nghiệp cần sớm khắc phục. Đó là thực trạng nông nghiệp phát triển manh mún; dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để thu hút khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn.
Chính vì quy mô nhỏ dẫn đến khó cơ giới hóa, hiện đại hóa và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn. Kết quả là quy mô trang trại của hộ gia đình Việt Nam vào loại nhỏ nhất trong khu vực và thế giới. Ngành nông nghiệp chỉ thu hút lượng vốn khiêm tốn, chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Số doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 15% trong cả nền kinh tế, chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, nông dân lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn chính thức từ ngân hàng. Cụ thể, chỉ có 1/2 số hộ gia đình ở nông thôn tiếp cận được nguồn vốn chính thức.
Trong các siêu thị hầu hết hàng trái cây đều nhập từ nước ngoài. Ảnh: T.DUNG
Khó tiếp cận vốn cũng là một trong những lý do nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), dù đang được khuyến khích phát triển để từng bước gỡ những điểm nghẽn của ngành nông nghiệp, nhưng chưa thực sự lan tỏa. Tìm hiểu một số doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC, được biết để đầu tư tự động hóa hoàn toàn trên 1.000m2 đất cần khoảng 1 tỷ đồng, bởi hầu hết hệ thống làm NNCNC vẫn phải nhập khẩu.
Như vậy muốn đầu tư 5.000-10.000m2 số vốn bỏ ra 5-10 tỷ đồng, quá tầm đối với đa số doanh nghiệp nhỏ.
Nhằm hỗ trợ giải bài toán vốn cho NCNCN, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng, nhưng đến nay số doanh nghiệp tiếp cận được hết sức hạn chế. Bởi việc lấy tài sản đầu tư trên đất làm tài sản thế chấp không được các ngân hàng chấp nhận. Bên cạnh đó, để đi theo con đường NNCNC phải học hỏi kiến thức, tìm tòi nghiên cứu xem trồng cây gì, nuôi con gì để thu hồi được vốn và có lãi.
Những điều này khiến mô hình NNCNC dường như chỉ là sân chơi cho một số ít doanh nghiệp lớn, đủ tiềm lực tài chính. Còn những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp hay các hộ nông dân đây là con đường quá gian nan.
Tín hiệu từ các đại gia là chưa đủ
Tín hiệu từ các đại gia là chưa đủ
Vài năm trở lại đây, một số đại gia đã bắt đầu quan tâm hơn đến mảng nông nghiệp và chọn đi vào con đường NNCNC. Những tập đoàn lớn, các doanh nghiệp như Vingroup, Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Đồng Giao, Ba Huân, Biển Đông… đã rầm rộ đầu tư vào NNCNC, với số vốn lên tới hàng tỷ USD. Một số kiều bào về nước làm NNCNC, xây dựng nhiều mô hình như Biofresh Farm, trang trại nấm U.S Farm, trồng rau sạch thủy canh theo tiêu chuẩn GlobalGAP…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn cũng đang nỗ lực quay lại thị trường nội địa với nhiều sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu. Thí dụ, Công ty XK trái cây Vina T&T, đang triển khai chuỗi siêu thị bán trái cây xuất khẩu ở TPHCM. Hay Công ty Phúc Sinh với mong muốn đưa cà phê sạch đến tay người tiêu dùng... Đặc biệt, một thế hệ người trẻ đang khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều hoài bão, cũng là những tín hiệu vui.
Để sản phẩm nông sản Việt có thể đứng trên thị trường nội, không thể thiếu sự ủng hộ, đồng hành của các cơ quan chức năng với những chính sách mở hơn, tích cực hơn cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia. Rồi sự chung tay của các hệ thống bán lẻ hiện đại để hàng sạch đến gần hơn với mọi nhà. Đặc biệt, vai trò của người tiêu dùng hết sức quan trọng. Trong khi người mua sẵn sàng bỏ số tiền không nhỏ để mua hàng nhập, còn với hàng sạch, hàng hữu cơ trong nước lại cân lên đặt xuống.
Đầu tư vào ngành rau củ quả không chỉ để giải quyết nghịch lý trong nước mà hướng đến thị trường thế giới, một thị trường ước tính có dung lượng đến 200-300 tỷ USD trong vài năm tới. Nếu chúng ta không kịp thay đổi hay chuyển đổi, trong tương lai rất gần, các mặt hàng rau củ chất lượng cao giá rẻ nhập khẩu sẽ chiếm lĩnh thị trường nội địa. |