Một trong những điều được quan tâm của quyết định này là tư nhân và hộ gia đình cũng có thể tham gia vào thị trường điện năng, vốn là sân chơi chỉ dành cho các doanh nghiệp (DN) lớn.
Thông tin từ Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho hay, hiện cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời có công suất từ 20MW - 300MW tại nhiều địa phương.
Sàng lọc nhà đầu tư
Ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời Đỏ, cho biết các DN đã chờ đợi quyết định này từ rất lâu: “Chúng tôi đã lên kế hoạch đầu tư, tính toán rất nhiều, nhưng vì chưa có cơ chế và mức giá nên chưa thể triển khai dự án.
Giờ đây, các DN đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời sẽ bắt tay triển khai ngay lập tức. Tôi cũng mong Bộ Công thương sẽ nối tiếp Chính phủ, khẩn trương ban hành hợp đồng khung dành cho các dự án điện mặt trời, để việc mua bán điện được thuận tiện”.
Cũng theo ông Cánh, Quyết định số 11 còn có tác dụng sàng lọc thị trường, bởi lẽ vừa qua có một số DN không chuyên về mảng năng lượng nhưng vẫn đăng ký đầu tư vào lĩnh vực quang điện để đón đầu các ưu đãi. Cho nên, việc Chính phủ chốt mức giá bán điện sẽ khiến các nhà đầu tư tính toán lại, các DN có chuyên môn sẽ biết cách áp dụng công nghệ, tính toán đầu tư để có lời với mức giá này và sẽ tiếp tục theo đuổi dự án, còn các DN không chuyên sẽ phải suy nghĩ lại.
Theo Quyết định số 11, giá quang điện đối với dự án nối lưới và dự án trên mái nhà được chốt ở mức 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 Uscents/kWh), chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD và áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%. Chi phí mua điện từ các dự án điện mặt trời được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hàng năm.
Ngoài ra, các dự án điện mặt trời sẽ được ưu đãi về thuế nhập khẩu (miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất của dự án là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được) và thuế thu nhập doanh nghiệp (cơ chế miễn, giảm được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế).
Về đất đai, dự án, công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước theo quy định của pháp luật.
Tạo thị trường phát điện cạnh tranh
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, phân tích Quyết định số 11 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển thị trường điện mặt trời ở Việt Nam; khi thị trường phát triển sẽ mở ra cơ hội phát triển năng lực, đào tạo nhân lực và tạo việc làm.
“Quyết định này tạo cơ chế cho các nhà sản xuất điện tư nhân và cấp hộ gia đình tham gia vào thị trường phát điện cùng với các DN truyền thống, mở ra cơ hội tốt cho thị trường điện mặt trời mái nhà. Các hộ tiêu thụ điện lớn gồm cả DN và hộ gia đình có tiềm năng lớn trong việc cân nhắc đầu tư để giảm chi phí tiền điện. Đây là một điểm rất cấp tiến và rất mới, thúc đẩy xã hội hóa và người dân cùng tham gia làm điện sạch. Mức giá mua điện có thể là chưa cao như kỳ vọng của các nhà đầu tư, nhưng đã thể hiện sự thận trọng phù hợp của Chính phủ và là một bước chuẩn bị tốt cho việc phát triển một cách an toàn và bền vững thị trường quang năng nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung”.
Tuy nhiên, theo bà Khanh, để quyết định tích cực này đi vào thực thi, rất cần các bộ ngành liên quan ban hành các hướng dẫn cụ thể hơn, chẳng hạn điều kiện cụ thể đối với việc đấu nối vào lưới điện của hệ thống điện mái nhà, thời điểm thanh quyết toán của hệ thống điện mái nhà... Đặc biệt, nên có những quy định và thủ tục đơn giản, dễ thực hiện đối với hệ thống điện mái nhà.
Đồng quan điểm, ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam, nhận xét Quyết định số 11 ra đời rất đúng thời điểm, vì nhu cầu sử dụng năng lượng ở nước ta đang tăng nhanh chóng, bắt buộc phải tìm kiếm các nguồn năng lượng bền vững hơn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
Tuy vậy, để điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung có thể phát triển bền vững thì Chính phủ phải điều hành, thúc đẩy thị trường phát điện cạnh tranh, phá thế độc quyền, để người mua có thể lựa chọn nguồn điện, “Ngày càng có rất nhiều người dân chấp nhận chi nhiều tiền hơn để mua thực phẩm sạch và tôi biết cũng có rất nhiều người chấp nhận mức giá cao hơn để sử dụng điện sạch từ các nguồn ít gây tổn hại đến môi trường - xã hội.
Nhưng rất tiếc, đến nay người dân vẫn chưa có quyền lựa chọn nguồn điện theo mong muốn”. Vừa qua, Việt Nam đã ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cam kết đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường. Theo ông Lâm, đây là một trong những điều kiện để Việt Nam thực hiện đánh thuế cacbon đối với phát thải năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
“Các nước trên thế giới đã thực hiện từ lâu nhưng ở nước ta thì chưa có. Chúng tôi sơ tính, chỉ cần giá đánh thuế cacbon của ta bằng 1/4 các nước thì giá thành năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch đã ngang ngửa với năng lượng tái tạo, từ đó sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh công bằng. Do vậy, Chính phủ và các bộ ngành có thể xem xét, tính toán xây dựng thị trường mua bán phát thải cacbon giai đoạn 2020-2030 theo lộ trình của Quy hoạch điện VII”, ông Lâm kiến nghị.
Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong biểu đồ bức xạ mặt trời thế giới. Tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ, số giờ nắng đạt 2.000 - 2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000 - 5.000 giờ/năm. Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (thường gọi tắt là Quy hoạch điện VII), đến năm 2020 công suất lắp đặt nguồn điện mặt trời khoảng 850MW, đến năm 2025 khoảng 4.000MW và có thể tăng đến 12.000MW vào năm 2030.