Tập trung vào cho vay bán lẻ
Mức tăng trưởng tín dụng trên được cho là hợp lý khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 chỉ ở mức khoảng 14%. Tuy nhiên, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong 6 tháng đầu năm 2019 lên đến vài ngàn tỷ đồng, thậm chí Vietcombank có lợi nhuận lên đến chục ngàn tỷ đồng, thể hiện hoạt động kinh doanh của các NHTM đang phát triển.
Thực tế cho thấy, tín dụng 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng chỉ hơn 7% nhưng nhiều NHTM đã có mức tăng trưởng tín dụng 10% - 20%, thậm chí một số đã tăng kín room tín dụng được cấp. Chẳng hạn, OCB đã kín room tín dụng khi tăng trưởng đến 20%, VIB hơn 19%; TPBank 15%; một số ngân hàng khác cũng có mức tăng trưởng tín dụng trên 10% như VPBank, SHB, HDBank…
Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng vì có biên lợi nhuận cao
Ảnh: PHAN LÊ
Ảnh: PHAN LÊ
Báo cáo của các NHTM cho thấy, mặc dù nguồn thu từ dịch vụ được các ngân hàng đẩy mạnh trong thời gian qua nhưng đóng góp vào lợi nhuận khủng của ngân hàng chủ yếu vẫn từ tín dụng. Trong đó, cho vay bán lẻ là động lực tăng trưởng chính. Cụ thể, dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm của Vietcombank đạt 697.240 tỷ đồng, tăng 9,7% so với 2018, trong đó tỷ trọng tín dụng bán lẻ tăng lên mức 48% tổng dư nợ, so với mức 45,4% cùng kỳ năm 2018.
VIB tăng trưởng tín dụng 6 tháng đạt 114.484 tỷ đồng, tăng gần 20%, trong đó cho vay bán lẻ chiếm đến 78%. Đáng lưu ý, tín dụng tiêu dùng (khách hàng cá nhân và cho vay khác) của ngân hàng này chiếm đến 75,53%.
Các chuyên gia ngân hàng nhận định có một sự chuyển đổi tích cực trong cơ cấu tín dụng, đó là hiện tín dụng chủ yếu đến từ cá nhân và các công ty tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dù vậy, không ít ý kiến lo ngại, mức lợi nhuận cao trong 6 tháng qua là do các NHTM đẩy mạnh tín dụng vào cho vay tiêu dùng - phân khúc có biên lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng rất lớn.
Nợ xấu tăng mạnh
Theo báo cáo tài chính quý 2-2019 của 17 NHTM đang niêm yết trên sàn chứng khoán, tính đến cuối tháng 6-2019, tổng nợ xấu ở mức gần 81,3 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã tăng 5,5% so với đầu năm, lên mức hơn 43,9 ngàn tỷ đồng, chiếm 54% tổng nợ xấu.
Khác với trước đây, nợ xấu đến từ các khoản cho vay với mục đích đầu cơ và các hoạt động không phải ngành kinh doanh chính (như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản) và các khoản đầu tư không hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, thì nợ xấu mới hiện nay lại đến từ các khoản đầu tư của tư nhân và vay tiêu dùng của hộ gia đình và cá nhân, đặc biệt là ở các ngân hàng bán lẻ.
Tuy có tăng, nhưng nợ xấu của các NHTM hiện vẫn ở mức dưới 3% theo quy định. Điều đáng lo là, áp lực nợ xấu sẽ dần lớn hơn trong thời gian tới, nhất là khi lãi suất chịu áp lực gia tăng. Sự chuyển dịch mạnh sang cho vay bán lẻ vẫn là nguyên nhân chính cho sự gia tăng này.
Vì thực tế cho thấy, cơ cấu tài sản sinh lãi của các ngân hàng đã có sự chuyển dịch mạnh trong 3 năm trở lại đây với xu hướng: tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ, đẩy lãi suất và kỳ hạn bình quân tăng. Cùng với đó, ngân hàng cũng tăng tỷ trọng trái phiếu các tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.
Đây là động lực quan trọng cho tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng thời gian qua, nhưng cũng sẽ tạo ra áp lực lên chất lượng tài sản của toàn hệ thống trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tăng.