Dù đã tốn hàng triệu USD để nâng cấp với mục tiêu đón thêm hàng chục ngàn hành khách, nhưng các sân bay voi trắng ở Trung Quốc và Malaysia đều chứng kiến số lượng hành khách sụt giảm nghiêm trọng, dần trở thành những sân bay chết.
1 ngày 10 hành khách
Sau khi bỏ 6 triệu USD để nâng cấp sân bay trên đảo Dachangshan vào năm 2008, các nhà chức trách lên kế hoạch chào đón 42.000 lượt khách trong năm 2010 và 78.000 khách vào năm 2015. Tuy nhiên, trong suốt năm 2013, sân bay này chỉ đón chưa tới 4.000 hành khách, tức 1 ngày chỉ 10 hành khách.
Kể từ tháng 2-2014, Trung Quốc đã phê duyệt ít nhất 1.800 tỷ NDT (290 tỷ USD) cho các dự án cơ sở hạ tầng mới để cải thiện nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Trong khi các công ty xây dựng hưởng lợi lớn từ sự bùng nổ đầu tư hạ tầng, các chính quyền địa phương Trung Quốc bị đè nặng dưới núi nợ lên đến 3.000 tỷ USD, đồng thời nền kinh tế địa phương yếu đi và trở nên mất cân bằng trong lĩnh vực xây dựng.
Nền kinh tế tỉnh Liêu Ninh, trong đó bao gồm đảo Dachangshan, là một trong những địa phương tăng trưởng chậm nhất Trung Quốc trong năm 2014, với GDP chỉ tăng 5,8%, dưới xa so với mục tiêu 9% được chính quyền tỉnh đề ra trước đó.
“Cần phải tiến hành những cuộc thảo luận nghiêm túc về tính hợp lý kinh tế của các dự án lớn. Chúng ta có thực sự cần nhiều đường cao tốc và sân bay như vậy không?" - Lu Dadao, một học giả tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nói. Một số nhà kinh tế và một quan chức chính phủ ước tính Trung Quốc đã bị lãng phí xấp xỉ 42.000 tỷ NDT cho đầu tư không hiệu quả trong 5 năm (2009-2014) và vấn đề ngày càng tồi tệ hơn trong 2 năm qua.
Mặc dù có sân bay hiện đại, việc tìm kiếm một chuyến bay đến đảo Dachangshan là điều không đơn giản. Nhân viên tại sân bay quốc tế Zhoushuizi ở thành phố cảng Đại Liên cho biết các chuyến bay đến sân bay Trường Hải trên Dachangshan đã không hoạt động trong 6 tháng qua. Khu vực lân cận có rất ít dấu hiệu cho thấy sân bay có tác động tích cực đến hòn đảo của khoảng 30.000 cư dân. Thay vì những cửa hàng hoặc quán ăn, sân bay được bao quanh chủ yếu bằng nhà của ngư dân. Phà là phương tiện vận chuyển thông dụng của người dân đảo vào Đại Liên.
Không nản lòng, chính quyền Đại Liên có kế hoạch chi 1,48 tỷ NDT (238,9 triệu USD) trong năm nay để mở rộng sân bay Trường Hải nhằm nâng công suất lên 250.000 lượt khách vào năm 2020, như một phần trong nỗ lực mới nhất để thúc đẩy nền kinh tế và biến tiền đồn đánh cá thành một địa điểm du lịch, phương tiện truyền thông địa phương đưa tin.
Wu Hong, một quan chức Phòng Tiếp dân thuộc huyện Trường Hải, cho biết việc mở rộng sân bay nhằm theo kịp sự phát triển của hòn đảo, và cho biết hòn đảo đã đón 1,1 triệu khách du lịch năm ngoái. “Trên bình diện tổng sản phẩm quốc nội, không có dự án nào là xấu. Nó tạo ra sự tăng trưởng, cách này hay cách khác. Nhưng liệu nó có hữu ích và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước hay không? Hoàn toàn không” - nhà phân tích J Capital Research Susannah Kroeber, người đã theo dõi hiệu quả việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc kể từ năm 2012, nói.
Không một chuyến bay
Chính quyền Malacca (Malaysia) đã chi tổng cộng 240 triệu ringgit (64,12 triệu USD) để nâng cấp sân bay Malacca International Airport nhưng kể từ ngày 15-3-2014, không có chuyến bay nào cất cánh, theo báo Free Malaysia Today ngày 2-7-2014.
Đại biểu quốc hội bang Ayer Keroh, ông Khoo Poay Tiong cho rằng sân bay là một “con voi trắng” khác của chính phủ. Ông phân tích: “Sân bay Malacca International Airport được chính Thủ tướng Najib Tun Razak làm lễ mở cửa vào năm 2010. Lúc đầu có 3 chuyến bay mỗi tuần từ đó đến Pekan Baru, Indonesia. Nhưng sau khi chi 240 triệu ringgit để nâng cấp và kéo dài đường băng, kể từ ngày 15-3-2014 không có chuyến bay thương mại nào cất cánh từ sân bay này.
Như chính phủ trình bày trong kỳ họp quốc hội trước, chi phí vận hành sân bay năm 2012 là 3,6 triệu ringgit, nhưng doanh thu mang về chỉ đạt 856.594 ringgit. Năm 2013, chi phí vận hành là 4,1 triệu ringgit, nhưng doanh thu chỉ 729.089 ringgit”. Như vậy, trong 2 năm 2012-2013, sân bay đã lỗ ròng 6,22 triệu ringgit (1,66 triệu USD).
Ông Khoo cho biết thêm, dù một hãng hàng không Trung Quốc cách đó vài tháng nói sẽ hạ cánh xuống sân bay Malacca International Airport, nhưng chẳng thấy tăm hơi gì.
Ông Lim Ban Hong, người chịu trách nhiệm về việc phục hồi sân bay, cho biết chính quyền đã đàm phán với nhiều hãng hàng không: “Trong 6 tháng qua, chúng tôi đã đàm phán với một số hãng hàng không, cả trong nước và nước ngoài, về việc sử dụng sân bay. Gần đây, Thống đốc Malacca và tôi đã có các cuộc họp với quan chức hãng AirAsia. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn AirAsia Kamarudin Meranun và Tổng giám đốc Aireen Omar cũng có mặt tại buổi thảo luận. Chúng tôi cũng có một cuộc đàm phán với các quan chức FireFly. Chúng tôi bàn bạc về việc bay từ Malacca sang Indonesia và một số tuyến nội địa. Chúng tôi cũng có những cuộc đàm phán với một hãng hàng không Trung Quốc, nhưng không thu hoạch được gì”.
Hồ sơ cho biết hãng FireFly từng hoạt động ở sân bay Malacca nhưng sau đó đã ngừng dịch vụ vì hiệu quả thấp. Chính phủ sau đó thành lập hãng hàng không Malacca Air bằng cách thuê máy bay của hãng FireFly, nhưng nỗ lực đó cũng thất bại. Ông Khoo cho rằng với 240 triệu ringgit dùng nâng cấp sân bay Malacca, tốt hơn chính quyền Malacca nên dùng nó để xây nhà giá rẻ: “Với chi phí ước tính 40.000 ringgit/căn, với 240 triệu ringgit chúng ta có thể xây được 6.000 căn nhà giá rẻ. Con số đó có thể giải quyết khủng hoảng nhà ở cho người nghèo ở Malacca” - ông Khoo nói.
Quang cảnh đìu hiu ở sân bay Trường Hải, Trung Quốc qua ảnh chụp của Google. |
Ngày 3-7-2014, ông Khoo lên tiếng thách thức tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Liow Tiong Lai hãy chứng tỏ khả năng phục vụ nhân dân bằng việc làm hồi sinh sân bay Malacca.
“Các lãnh đạo sân bay Malacca, đặc biệt ông Liow, từng nói họ muốn phục vụ nhân dân và chính phủ. Ước muốn của sân bay Malacca đã được đáp ứng và Chủ tịch sân bay nay là Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Vì Thống đốc bang Malacca Idris Haron đã thất bại trong việc giúp sân bay trở thành một sân bay sinh lợi và không có chuyến bay nào cất cánh từ đó kể từ ngày 15-3, tôi thách Bộ trưởng Liow chứng tỏ khả năng và trách nhiệm của mình bằng việc làm hồi sinh sân bay Malacca” - ông Khoo nói.
“Tôi hy vọng Thủ tướng Najib Tun Razak sẽ tạo cơ hội để ông Liow chứng tỏ khả năng của một Bộ trưởng Giao thông Vận tải”. Theo số liệu mới nhất, sân bay Malacca năm 2014 chỉ đón 14.178 lượt khách, có 23.747 chuyến bay, giảm lần lượt 34,5% và 35,8% so với năm 2013.
(Còn tiếp)