Sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bao giờ 'xôm tụ'?

(ĐTTCO) - Việc đưa sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào hoạt động được kỳ vọng giúp minh bạch thị trường, từ đó kích thích cầu phục hồi trong thời gian tới.
Sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bao giờ 'xôm tụ'?

Tuy vậy, ghi nhận sau hai tuần vận hành, giao dịch trên sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ khá ảm đạm.

“Hàng hóa” còn ít

Trong tuần đầu tiên, tổng giá trị giao dịch qua sàn khoảng 2.000 tỷ đồng và tuần thứ 2 gần 500 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là giao dịch trái phiếu ngân hàng với khoảng 1.262 tỷ đồng do Vietcombank phát hành và hơn 480 tỷ đồng do BIDV phát hành.

Tính đến nay, sàn giao dịch mới có 25 mã TPDN do 4 tổ chức phát hành gồm Vietcombank, BIDV, Tradico và Vinfast đăng ký giao dịch. Trong đó, Vietcombank tham gia 15 mã và BIDV 5 mã.

Lý giải cho sự trầm lắng này, ông Nguyễn Duy Thịnh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cho biết, do giai đoạn đầu “hàng hóa” còn khiêm tốn, khi “hàng hóa” được đưa lên giao dịch tập trung và đầy đủ thì thanh khoản sẽ tăng dần. Nghị định 65/2022 của Chính phủ về chào bán giao dịch TPDN, các tổ chức phát hành sẽ phải đưa trái phiếu của mình lên sàn giao dịch tập trung trong vòng 3 tháng kể từ khi hệ thống vận hành chính thức.

Sau khi đưa sàn vào hoạt động, giao dịch TPDN riêng lẻ ở ngoài bị coi là bất hợp pháp. Như vậy phải cần thời gian để doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để đưa TPDN lên sàn giao dịch tập trung.

Ông Thịnh cũng cho biết, hiện HNX đang phối hợp các cơ quan tuyên truyền để sớm đưa khoảng 1.000 mã TPDN riêng lẻ của 500 doanh nghiệp phát hành với dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng lên giao dịch trên sàn. Sau khi các mã TPDN được đưa vào giao dịch tập trung, thanh khoản sẽ cải thiện, thị trường sẽ phục hồi dần.

“Giai đoạn đầu chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức, vì thời điểm này thanh khoản thị trường mới bắt đầu phục hồi, sau đó sẽ lan tỏa đến các nhà đầu tư cá nhân. Khi niềm tin quay trở lại, thị trường phát hành có nhiều tín hiệu tích cực sẽ kéo theo thị trường thứ cấp sôi động trong nửa cuối năm”, ông Thịnh dự báo.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup - công ty cung cấp các dịch vụ phân tích dữ liệu tài chính và xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam - cho rằng, nhà đầu tư còn đang nghe ngóng thì quy định các nhà đầu tư cá nhân chưa chuyên nghiệp chỉ được bán mà không được mua, trong khi nhu cầu mua TPDN thị trường còn thấp, cũng là lý do khiến thanh khoản chưa thể sôi động.

Sẽ kích thích nhu cầu

Nhóm chuyên gia nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, việc đưa sàn giao dịch TPDN riêng lẻ vào hoạt động là một khởi đầu tốt. Để có thể duy trì lợi ích vốn có đối với thị trường thì sàn giao dịch này phải giữ được quy mô thanh khoản với nhiều mã trái phiếu được giao dịch. Theo ước tính của SSI, trong 3 tháng tới, sẽ có tổng cộng 733.000 tỷ đồng TPDN của khoảng 455 tổ chức phát hành phải đăng ký niêm yết trên HNX theo quy định.

Bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên viên phân tích cao cấp tại SSI, cho biết, mục tiêu chính của sàn giao dịch TPDN riêng lẻ là cung cấp thanh khoản cho các nhà đầu tư, giúp nhu cầu TPDN phục hồi, trước hết là từ các nhà đầu tư tổ chức với nguồn vốn dồi dào và nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Bản chất của TPDN là đầu tư dài hạn, nhà đầu tư TPDN riêng lẻ chủ yếu là các định chế tài chính, họ mua để giữ đến ngày đáo hạn như một kênh có dòng tiền ổn định, nên không thể kỳ vọng thị trường trái phiếu sẽ có thanh khoản sôi động như cổ phiếu. Ngay cả khi đưa 1.000 mã TPDN lên giao dịch thì giá trị giao dịch có thể cao, song lượng giao dịch sẽ thấp và không thể sôi động như thị trường cổ phiếu

Ông NGUYỄN QUANG THUÂN, Chủ tịch FiinGroup:

Sàn giao dịch TPDN riêng lẻ là một bước tiến lớn cho thị trường TPDN và từng bước góp phần khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, nhất là cho các nhà đầu tư cá nhân. Hoạt động kê khai tập trung với các yêu cầu kê khai thông tin về tổ chức phát hành và về lô trái phiếu sẽ góp phần minh bạch thông tin cho thị trường và làm cơ sở cho nhà đầu tư trong việc ra quyết định và chịu trách nhiệm về khoản đầu tư của mình.

Qua đó cũng tạo cơ chế hình thành đường cong lãi suất TPDN thay vì cào bằng. Khi một nhà đầu tư chấp nhận và kỳ vọng lãi suất cao hơn thì họ cũng phải chấp nhận rủi ro chậm trả hoặc mất vốn cao hơn. Việc giao dịch tập trung cũng giúp nhà đầu tư sàng lọc, phân loại trái phiếu.

Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, để khôi phục niềm tin trên thị trường TPDN, vẫn cần thêm nhiều giải pháp. Trong ngắn hạn, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu thêm các giải pháp để giải quyết các vấn đề đang tồn tại như xếp hạng TPDN dựa trên khả năng thanh toán do Bộ Tài chính đánh giá. Việc nhanh chóng đưa ra danh sách xếp hạng TPDN dựa trên khả năng thanh toán sẽ là một cách tiếp cận hợp lý nhằm phân loại các tổ chức phát hành theo rủi ro và từ đó có các cách hỗ trợ khác nhau.

Các tin khác