Săn nhà, đất giá rẻ hậu Covid-19

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp khiến thị trường BĐS rơi vào tình trạng chao đảo, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tại TPHCM bắt đầu tìm kiếm cơ hội mua nhà, đất với giá hợp lý. Các chủ dự án hiện cũng có động thái đưa ra nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn để tăng kích cầu.

Giá giảm sâu vì Covid-19
Anh Nam, một nhà đầu tư vừa đi xem lô đất 69m2 được rao bán tại dự án Samsung Village (Bưng Ông Thoàn, Phú Hữu, quận 9). Lô đất 100% thổ cư đã được cấp sổ hồng, rao bán với giá 2,9 tỷ đồng.
Đất nằm trong khu dân cư xây dựng mới, xây dựng tự do, thích hợp mua đầu tư hoặc xây dựng ở. Vị trí lô đất được đánh giá rất tiềm năng đó là cách đường Bưng Ông Thoàn 100m, sát đường Vành đai 2, đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Qua thương lượng, chủ đất mong muốn bán gấp, với mức giá trên do đang nợ ngân hàng. 
Theo anh Nam mức giá này giảm 10-15% so với thời điểm cuối năm 2019. Nhưng với tình hình hiện tại, nếu ép hạ giá, khả năng chủ đất sẽ đồng ý thoát hàng.
Săn nhà, đất giá rẻ hậu Covid-19 ảnh 1 Nhiều nhà đầu tư âm thầm săn nhà đất giá rẻ mùa Covid 19. Ảnh: MINH TUẤN
Trong thời gian dịch bệnh diễn ra, anh Quốc (TPHCM) vẫn âm thầm săn đất ở một số khu vực tiềm năng từ Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Mới đây nhất, nhà đầu tư này đến xem mảnh đất vườn tại xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, có diện tích 14.000m2, được rao bán với giá 370 triệu đồng/1.000m2 còn thương lượng.
Khu vườn hiện đã có các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như mít, chôm chôm, bưởi. Do vướng nợ ngân hàng, chủ đất muốn bán tháo. Song vị trí khu đất khá tiềm năng, rất phù hợp cho những ai thích mô hình làm kinh tế vườn hoặc homestay. Rủi ro khi đầu tư ở đây rất thấp. Bởi giá trị thu hoạch trái cây từ khu vườn hiện rất ổn định, lên đến 200 triệu đồng/năm. 
Với các căn hộ chung cư, đây là thời điểm các chủ đầu tư đưa ra chính sách bán hàng ưu đãi, nới lỏng chính sách thanh toán, giá bán theo đó cũng mềm hơn để kích cầu. Không ép khách hàng thanh toán theo tiến độ thi công như trước đây, chủ một dự án căn hộ tại quận 9 đưa ra chính sách thanh toán khá thoáng.
Theo đó, khách hàng mua căn hộ chỉ thanh toán 30% cho đến lúc nhận nhà, 70% giá trị căn hộ sẽ được ngân hàng giải ngân và chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất. Thời gian hỗ trợ hưởng ưu đãi cho đến lúc nhận nhà và 6 tháng tiếp theo. 
Không riêng căn hộ, các nhà đầu tư cũng tranh thủ thời gian này tìm mua đất nền, nhà phố dự án với giá phù hợp. Năm 2019, chị Mai Anh (quận 9), từng khảo sát nhiều dự án đất nền trên địa bàn mua đất cất nhà nhưng đều lắc đầu vì giá bị đẩy lên quá cao, 35-45 triệu đồng/m2.
Nhưng sau Tết Canh Tý, nhân viên môi giới những dự án này liên lạc và điều chỉnh giảm giá bán 2-3 triệu đồng/m2, kèm theo chính sách thanh toán linh hoạt, thậm chí có lô nhà đầu tư thứ cấp ký gửi bán cắt lỗ với giá giảm 5-7 triệu đồng/m2. Nhận định khả năng khi dịch đi qua nhà đất sẽ nóng trở lại và đẩy giá lên cao, gia đình chị Mai Anh đã quyết định xuống tiền.

Giai đoạn “gạn đục khơi trong”
Theo chuyên gia Trần Khánh Quang, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường BĐS đang chững lại. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhóm đầu tư tranh thủ thời cơ tìm kiếm cơ hội săn nhà đất để ở hoặc đầu tư. Nhóm thứ nhất săn tìm những BĐS hiếm, vị trí đẹp, giá cao mà trước đây rất thích mua nhưng mua không ai bán hoặc bán với giá cao. Nhóm thứ hai, tìm kiếm những sản phẩm nhà đất tốt, pháp lý rõ ràng, vị trí thuận lợi, hạ tầng phát triển, có tiềm năng để đầu tư.
Về phía chủ đầu tư, hiện 90% đang đưa ra chính sách tốt nhất để đồng hành lâu dài với nhà đầu tư, chấp nhận lợi nhuận thấp qua việc chia sẻ cơ hội và lợi nhuận, như giãn tiến độ thanh toán, hỗ trợ lãi suất vay, chiết khấu, khuyến mại... 
Theo các số liệu thống kê, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong quý I cả nước có khoảng 53.000 sản phẩm BĐS được chào bán ra thị trường (bao gồm sản phẩm mới và hàng tồn kho), nhưng tỷ lệ tiêu thụ được chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Đối với phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng (condotel), chỉ hơn 41.000 sản phẩm đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 30% trong tổng số 139.281 sản phẩm được đầu tư xây dựng. 
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), trên thị trường BĐS TP chỉ có 10 dự án được phê duyệt bán nhà ở hình thành trong tương lai với 2.800 căn, bao gồm 2.700 căn hộ chung cư và 80 nhà thấp tầng, giảm 22% so với cùng kỳ 2019 và giảm gần 70% so với quý trước.
Vậy nhưng, nhìn tổng thể thị trường BĐS vẫn đang rơi vào thế trầm lắng, đặc biệt từ tháng 3 và nửa đầu tháng 4 gần như bị đóng băng, giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. 
Thực trạng này khiến doanh nghiệp BĐS và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động.
Tuy nhiên, ông Châu nhấn mạnh đại dịch Covid-19 cùng với những khó khăn của thị trường BĐS trong năm 2018, 2019, là phép thử sàng lọc thị trường, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém hoặc làm ăn kiểu chụp giật. 
 BĐS đang quay về với giá trị thật. Các chủ đầu tư bắt đầu có sự điều chỉnh giá cả và phương thức thanh toán hợp lý hơn, mở ra cơ hội cho người có nhu cầu thực về nhà ở lẫn đầu tư. 
Chuyên gia Trần Khánh Quang

Các tin khác