Giới chuyên gia, luật sư nhìn nhận đây là loại biển cấm mang tính áp đặt, chưa từng áp dụng ở Việt Nam và sai luật.
Trước đó, ngày 15-1, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Cục ĐBVN ký Văn bản 323/TCĐBVN, về việc tổ chức giao thông tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ. Văn bản được gửi cho các nhà đầu tư BOT đường bộ, TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), TCT Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDDIFI), các Cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV và cao tốc.
Theo đó, để tránh tình trạng ùn tắc giao thông khu vực các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên các quốc lộ và đảm bảo điều kiện lưu thông của người dân, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, TCĐB yêu cầu các đơn vị nêu trên lắp đặt biển “Cấm đỗ xe” phía trước trạm thu phí khoảng 100-200m; lắp đặt biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” cách cabin thu phí khoảng 50m; Lắp biển báo hết lệnh cấm phía sau trạm khoảng 100-200m".
Theo thống kê, cùng với sự phát triển của các dự án đầu tư cầu đường, các dự án đầu tư bằng hình thức BOT cả nước có 88 trạm thu phí hoàn vốn trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ Giao thông - Vận tải quản lý 73 trạm (56 trạm đang thu, 17 trạm chưa thu), còn lại 15 trạm (11 trạm đang thu và 4 trạm chưa thu) do UBND các tỉnh quản lý. Không thể phủ nhận lợi ích và hiệu quả kinh tế các dự án BOT mang lại, nhưng do rất nhiều trạm BOT đặt sai vị trí, mức phí cao, khoảng cách giữa hai trạm chưa đúng quy định (70km), đã khiến dư luận hết sức bức xúc và tạo ra những điểm nóng ở một số đoạn.
Những điểm nóng xung đột leo thang thời gian qua có thể kể đến như trạm BOT Cai Lậy - Tiền Giang, trạm BOT Quán Hàu - Quảng Ninh, trạm BOT Cầu Rác - Hà Tĩnh, trạm BOT Bến Thủy - Nghệ An, trạm BOT Thanh Nê - Thái Bình, trạm BOT Tam Nông - Phú Thọ, trạm BOT Lương Sơn - Hòa Bình, trạm BOT Hạc Trì - Phú Thọ... Tại các trạm thu phí này, giới lái xe phản đối chủ đầu tư bằng cách dàn xe cản trở, dùng “chiêu” trả tiền lẻ, tiền xu khi qua trạm khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng, đồng thời ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương. Trước tình hình đó nhiều nơi đã phải xả trạm, đóng cửa, hạ mức phí.
Biẻn cấm dừng xe quá 5 phút sẽ được đặt tại tất cả các trạm thu phí BOT.
Chính vì vậy, việc TCĐB ra Văn bản 323 nhằm hạn chế giới tài xế cố tình dùng chiêu làm ách tắc giao thông. Theo ông Nguyễn Văn Huyện, việc trả tiền lẻ không vi phạm pháp luật, song người lái xe cần chuẩn bị tiền lẻ trước, trạm thu phí cũng có tiền lẻ để trả lại. Do vậy, nếu việc trao đổi tại trạm thu phí quá 5 phút, cơ quan chức năng sẽ can thiệp. Lái xe phải đi ra ngoài trạm thu phí để giao dịch không làm ảnh hưởng đến người khác tham gia lưu thông. Lý giải yêu cầu lắp biển cấm dừng xe quá 5 phút, ông Huyện cho biết Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 41:2016/BGTVT đã có quy định nội dung này, cơ quan chức năng có thể áp dụng biển viết bằng chữ trong trường hợp không áp dụng các kiểu biển đã quy định.
Trao đổi với ĐTTC, LS. Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp, cho rằng TCĐB ban hành Công văn 323 là chưa bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cụ thể về việc dừng, đỗ xe trên đường bộ. Việc cắm biển báo hiệu giao thông nào cũng phải tuân thủ theo luật và QCVN 41:2016/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ. Như vậy TCĐB đã “chủ động sáng tạo thêm” loại biển "cấm dừng xe quá 5 phút" không bảo đảm đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ nên các biển báo cấm đó không có giá trị pháp lý để áp dụng thi hành trên thực tế. Nguy cơ trạm thu phí bị lái xe, doanh nghiệp khiếu nại, khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có) là rất cao.
Cũng theo LS Chung, việc dừng xe trước trạm thu phí quá 5 phút có thể do nhiều nguyên nhân, có thể vì ý thức chủ quan của lái xe, cũng có thể vì nguyên nhân khách quan do phương tiện bị hư hỏng máy móc, thiết bị. Vì thế, trong trường hợp lái xe không vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng có lỗi vi phạm các quy định khác của Bộ luật dân sự, gây thiệt hại cho trạm thu phí hoặc các bên thứ ba khác, thì cũng có thể bị khởi kiện ngược lại để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho trạm thu phí, hoặc cho các bên thứ ba khác theo quy định của pháp luật.
Theo LS. Thái Văn Chung, để bảo đảm cho việc phương tiện lưu thông qua các trạm thu phí không bị ùn tắc, ngoài việc các Sở giao thông, các Khu quản lý đường bộ gắn các biển báo cấm dừng, cấm đậu đúng pháp luật, chính quyền địa phương có thể chỉ đạo cho Cảnh sát giao thông đến các đoạn đường có đặt trạm thu phí để vừa thực hiện nhiệm vụ điều tiết hướng dẫn phân luồng giao thông đường bộ, vừa bảo đảm ngăn chặn các trường hợp kích động, cố ý gây cản trở giao thông đường bộ đúng quy định của pháp luật.
Vì hiệu lệnh của người điều khiển giao thông (là cảnh sát giao thông; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt) là cao nhất, có hiệu lực hơn đèn tín hiệu, biển báo.