Sản xuất bị đình đốn, tác động xấu đến lưu thông hàng hóa, đi lại và giá cả tăng là hiện thực đang diễn ra từng ngày.
Thực tế, mọi lĩnh vực nào của đời sống từ giao thông vận tải, trồng trọt, y tế giáo dục cho đến con cá, mớ rau ngoài chợ, gói mì tôm trong tiệm tạp hóa… đều liên quan đến xăng dầu. Điều đó ai cũng biết, không cần phải làm luận chứng kinh tế tài chính gì cả, sự âu lo hiện trên khuôn mặt mọi người, ai cũng phấp phỏng, ai cũng ca thán.
Trước ý kiến mạnh mẽ của dư luận, ngày 3-3 Bộ Tài chính bắt đầu xem xét việc giảm Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đánh trên mỗi lít xăng từ 4.000 đồng/lít xuống còn 3.000 đồng/lít, tức giá xăng dầu giảm được 1.000 đồng/lít, dù chưa phải là nhiều nhưng thế cũng tốt rồi. Tuy nhiên, nhiều người đã cảm thấy hụt hẫng khi Bộ Tài chính đề xuất mức giảm này chỉ bắt đầu từ 1-4, tức sau 1 tháng nữa. Thêm 30 ngày nữa, kể ra so với 1 năm là ngắn, nhưng so với sự chờ đợi của người dân lại rất dài.
Sau tết, sóng yên biển lặng, bà con ngư dân hào hứng chuẩn bị cho mùa đánh bắt cá tôm bội thu. Nhưng cho đến lúc này hàng ngàn tàu của các đội đánh bắt xa bờ các tỉnh thành ven biển vẫn trong tình trạng “án binh bất động”. Bởi ra khơi cầm chắc lỗ, do thu không bù chi, hàng trăm ngàn dân sống nhờ biển đang ngắc ngư.
Với thực trạng này, quyết định giảm Thuế BVMT sao không nhanh hơn, vì 1 tháng nữa biết chuyện gì xảy ra trong bối cảnh quốc tế đang biến động từng ngày. Theo đó, rất có thể sau 1 tháng nữa sẽ có những công ty phá sản, sẽ có nhiều cơ sở sản xuất ngừng hoạt động, xe bus ngưng chạy, xe taxi tăng giá cước, các đội tàu thuyền không ra khơi và bữa ăn của các cháu nhỏ bớt đi thịt cá.
Được biết nếu giảm 1.000 đồng/lít xăng, Bộ Tài chính sẽ mất khoảng 11.982 tỷ đồng tiền thu cho ngân sách. Số tiến thất thu đó nghe qua là lớn, nhưng đổi lại các hoạt động sản xuất, lưu thông phân phối của quốc gia, tỉnh thành và doanh nghiệp sớm hơn, đều hơn, thì lợi nhuận và lợi ích (trực tiếp, gián tiếp) mang lại lớn hơn gấp nhiều lần so với số tiền mất đi. Hơn nữa, khi hoạt động kinh tế tốt lên, thu ngân sách cũng sẽ nhiều hơn.
Vẫn biết cái gì cũng có quy trình, Bộ Tài chính phải qua rất nhiều khâu như lấy ý kiến các bộ ngành, hiệp hội xăng dầu, chuyên gia kinh tế… sau nữa trình Chính phủ, cuối cùng là trình các ban của Quốc hội. Bộ Tài chính phải làm đúng quy trình này để giữ được hệ số an toàn, tránh rủi ro khi ra quyết định. Nhưng trong tình hình nước sôi lửa bỏng này sao không rút quy trình ngắn lại, bỏ đi những khâu không cần thiết. Người dân tin chắc cả Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội không ai phản đối một quyết định hợp lòng dân này. Bởi suy cho cùng 1.000 đồng này là từ tiền túi của dân.
Nhìn rộng ra mới thấy kiểu “đủng đỉnh” trong tình trạng cấp bách ở nước ta không phải hiếm. Có những cái biết là sai cần sửa ngay nhưng để cứ thư thả hãy rút lại, như vụ loạn giấy phép đi lại ở Hà Nội. Hoặc có những cái đúng cần làm ngay lại đủng đỉnh để xem xét, như chuyện sử dụng shipper ở TPHCM trong những ngày dịch bệnh căng thẳng.
Một chính sách hiệu quả không phải chỉ ở đúng hay sai mà còn là đúng thời điểm. Một chính sách đúng nhưng ban hành muộn, tác dụng và giá trị bị giảm đi rất nhiều. Chính sách của Chính phủ góp phần đáng kể trong tạo dựng niềm tin là vậy.