Bất khả thi!
Đại diện ứng dụng gọi xe Gojek cho biết doanh nghiệp này đánh giá cao chính quyền TP.HCM đã lắng nghe và liên tục đưa ra những điều chỉnh về mặt chính sách nhằm tạo điều kiện cho lực lượng shipper hoạt động trong thời gian qua. Tuy nhiên, về quy định các doanh nghiệp tự sắp xếp tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho các đối tác tài xế, Gojek còn khá nhiều băn khoăn.
Cụ thể, các doanh nghiệp gọi xe công nghệ hoàn toàn không có chuyên môn về y tế cũng như nguồn lực cần thiết để thực hiện việc test nhanh Covid-19, do đó có thể thực hiện không đúng kỹ thuật test mẫu gộp ở quy mô lớn, dễ dẫn đến lãng phí dụng cụ test và kết quả không chính xác.
Như vậy sẽ có khả năng để sót F0 hoặc xác định nhầm F0, tăng khả năng lây nhiễm chéo, khó kiểm soát mức độ lây lan của dịch bệnh. Đó là chưa kể đến việc mỗi doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để tổ chức nhiều điểm xét nghiệm - với Gojek là xét nghiệm cho hàng chục ngàn đối tác tài xế - tài xế sẽ phải di chuyển xa hơn, chờ đợi lâu hơn để được lực lượng không chuyên tiến hành lấy mẫu và đọc kết quả, gây lãng phí thời gian, nguồn lực xã hội.
Bên cạnh đó, khi hiệu quả xét nghiệm thấp, để đảm bảo tính tuân thủ, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ phải tự cắt giảm số lượng shipper được tham gia lưu thông. Trong bối cảnh nhu cầu của người dân rất cao còn nguồn cung tài xế rất thấp, hàng hóa khó đến được tay người dân, chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, nhu cầu của người dân không được đáp ứng.
Đồng thời, sự bất cân đối giữa cung và cầu sẽ dẫn đến giá cả dịch vụ tăng cao theo quy luật của thị trường, do đó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
"Cuối cùng, sinh kế của các shipper phụ thuộc tuyệt đối vào khả năng được lưu thông trên đường. Việc tài xế phải ở nhà, không có thu nhập sẽ góp phần tạo thêm áp lực không nhỏ cho thành phố trong việc đảm bảo an sinh xã hội, trong bối cảnh thành phố đang phải hỗ trợ các gói an sinh trong các đối tượng không có việc làm vì dịch bệnh" - vị này nói.
Trong khi đó, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP.HCM đánh giá phương án trên là bất khả thi. Số lượng shipper tại TP.HCM khoảng 100.000 người, sống rải rác trên toàn địa bàn thành phố. Không có doanh nghiệp nào có thể triển khai hệ thống tổ chức xét nghiệm cho lực lượng shipper mà phải dựa vào hệ thống y tế cơ sở.
"Thành phố đứng ra tổ chức xét nghiệm cho tài xế trên 800 điểm xét nghiệm mà còn ùn tắc, lúng túng, làm sao có thể đòi hỏi doanh nghiệp làm? Bắt họ làm thì chắc chắn là bế tắc!" - ông Nam khẳng định.
Không áp dụng thẻ xanh cho shipper thì sao mở cửa?
Theo tính toán của Gojek dựa trên số liệu từ Sở Công thương, từ ngày 19.9, tổng số lượng shipper được phép hoạt động của 34 doanh nghiệp là 92.000 tài xế, trong khi đó có hơn 400 trạm y tế lưu động hỗ trợ thực hiện xét nghiệm trong khung giờ từ 6 giờ đến 21 giờ. Như vậy, nếu mỗi tài xế test 3 ngày/lần thì yêu cầu về nguồn lực từ các trạm y tế là trung bình mỗi ngày mỗi trạm xét nghiệm nhanh cho khoảng 75 người. Trên thực tế, số tài xế thực sự hoạt động những ngày vừa qua còn có thể thấp hơn nhiều (theo con số thống kê không chính thức của Sở Công thương, con số này là khoảng 50%).
"Chúng tôi tin rằng năng lực xét nghiệm của các trạm y tế hoàn toàn đáp ứng được con số này nếu được điều phối tốt. Do đó, chúng tôi đề xuất tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về năng lực xét nghiệm từ hệ thống các trạm y tế lưu động để đảm bảo chất lượng chuyên môn.
Gojek và các doanh nghiệp gọi xe công nghệ khác được tham gia chung tay cùng các cơ quan chức năng để ứng dụng công nghệ vào việc điều phối tài xế, chia lịch để các đối tác tài xế thực hiện test theo khung giờ tại các điểm chỉ định sau khi tính toán về mặt vận hành để không bị quá tải lượng tài xế tại các trạm" - đại diện Gojek đề xuất.
Đặc biệt, phía doanh nghiệp này kiến nghị các cơ quan chức năng cân nhắc việc giãn tần suất test nhanh Covid-19, dựa trên cơ sở thực tiễn, các yếu tố dịch tễ và độ phủ của vắc xin.
Tất cả các tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa Covid-19, một số tài xế đã tiêm đủ 2 mũi, vì vậy quy định cần xét nghiệm đại trà tất cả tài xế theo tần suất 2-3 ngày/lần có thể không còn phù hợp khi cân nhắc trong tương quan với các ưu và nhược điểm của việc cho phép shipper lưu thông trên đường.
Theo TS Lương Hoài Nam, từ đầu mùa dịch đến nay, các hoạt động kiểm soát di chuyển của shipper tại TP.HCM đang đi ngược lại với xu thế của thế giới. “Online + Shipper công nghệ” là mô hình cung ứng chủ lực trong thời gian chống dịch, là chiến lược chung của mọi nơi trên thế giới nhưng TP.HCM đang làm ngược qua việc hạn chế shipper, khiến cho việc đảm bảo đời sống của người dân gặp khó khăn.
Mới đây, trong văn bản gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM về việc áp dụng thẻ xanh Covid-19, Sở Y tế nêu quan điểm về điều kiện để có thẻ xanh Covid-19, chỉ cần tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin (đối với vắc xin phải tiêm 2 mũi) và phải ít nhất 2 tuần sau tiêm hoặc người đã mắc Covid-19 và có giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly. Với quan điểm này, đa số lực lượng shipepr đủ điều kiện hoạt động hiện nay đều đã là "người xanh".
"Người xanh mà vẫn phải 3 ngày xét nghiệm 1 lần thì xanh ở đâu? Lợi thế của việc có thẻ xanh là như thế nào? Đề xuất của ngành y tế TP.HCM về điều kiện có thẻ xanh là hợp lý. Song, nếu quan điểm này về thẻ xanh không thể áp dụng ngay bây giờ cho chỉ khoảng 100.000 shipper đã tiêm vắc xin quá 14 ngày, làm sao thành phố có thể mở cửa, có thể áp dụng được cho hàng triệu người đủ điều kiện thẻ xanh trong thời gian sắp tới? Nếu đã có thẻ xanh rồi mà người lao động vẫn phải xét nghiệm mới được đi làm thì còn gì là thẻ xanh nữa?" - vị này đặt vấn đề.