Đủ chiêu lôi kéo nhà đầu tư
Chị Đ.D, một người tố sàn Cashboom lừa đảo cho biết, từ cuối tháng 8, Cashboom liên tục chạy các chương trình quảng cáo, tiếp cận nhà đầu tư qua các ứng dụng như zalo, telegram. Sau khi gom đủ người, các đối tượng sẽ cho nhà đầu tư tham gia những buổi họp qua zoom để giới thiệu về công ty.
Theo chị D., cách tham gia vào Cashboom khá đơn giản, nhà đầu tư chỉ cần nạp tiền vào ví trên sàn, đóng bảo hiểm theo gói, theo tuần. Sau đó, người chơi chỉ cần đánh lệnh, thực hiện theo chỉ điểm của chuyên gia tự phong.
"Sau đó, Cashboom sẽ mở các buổi đào tạo để hướng dẫn người chơi tự giao dịch không có bảo hiểm, tự chịu rủi ro và xây dựng hệ thống. Nhưng từ tháng thứ 2 trở đi, cứ vài ngày, website lại bảo trì hệ thống khiến nhà đầu tư không thể nạp, rút tiền. Và chiêu cuối cùng là sàn đóng website khiến các nhà đầu tư bơ vơ không biết tìm ai đòi lại tiền", chị D. cho biết.
Theo chị D., sau khi website sập, các nhà đầu tư đều rơi vào tình trạng hoảng loạn, lo lắng và đem sự việc kiến nghị lên thủ lĩnh chi nhánh Cashboom. Tuy nhiên, những người này cũng chối bay trách nhiệm và cho rằng, họ cũng không biết ai là chủ sàn.
Tuy nhiên, theo chị D., đây mới chỉ là bước đầu "ru ngủ" nhà đầu tư, còn các chiêu trò phía sau mới thực sự cao tay.
"Với nhóm nhà đầu tư tin tưởng Cashboom mở lại, người ở sàn Cashboom luôn động viên mọi người ngồi im chờ đợi. Đồng thời, trong lúc đó, họ sẽ dẫn người chơi đi kiếm tiền ở các sàn tương tự, không có bảo hiểm. Nhưng tôi nghĩ, động cơ sâu xa của chúng là muốn dắt người chơi đi đánh bạc và từ đó không thể tố cáo sàn vì mọi người cũng đang vi phạm pháp luật", chị D. phân tích.
Còn trường hợp thứ hai là người chơi muốn đi tố cáo sàn lừa đảo thì những "quân xanh, quân đỏ" của Cashboom sẽ trà trộn vào đám đông giúp "con mồi". Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các đối tượng này sẽ đưa ra nhiều khó khăn khiến các nhà đầu tư nhụt chí, thấy rắc rối, mệt mỏi, dẫn đến không muốn tố cáo.
"Thi thoảng, các đối tượng sẽ thả một vài thông tin hưng phấn kiểu có nhà đầu tư đòi được tiền rồi, thủ lĩnh chi nhánh liên lạc lại rồi để khơi dậy tâm lý chờ đợi. Tuy nhiên, chẳng ai biết kết quả chính xác là gì. Và tiếp đến họ sẽ khiến mọi người phân tâm bằng cách tung ra các thông tin mới khiến nhà đầu tư xao nhãng sự việc cũ và dẫn đến tâm lý chán nản, bỏ cuộc", chị D. kể lại.
Tương tự, chị H.D, một nạn nhân khác của sàn Cashboom thông tin, chị và nhiều nhà đầu tư khác "nước mắt chảy thành sông" khi nghe tin sàn sập. Không những thế, các hội nhóm về sàn, người có liên quan đến Cashboom đều bốc hơi, mất tăm mất tích.
Theo chị, để dụ dỗ người chơi vào sàn, Cashboom đưa ra mức lãi suất "khủng" là 3%/ngày cho các nhà đầu tư. Tiếp theo, sàn sẽ kêu gọi người chơi nạp tiền vào các gói đầu tư với quy mô tăng dần, kèm theo cam kết lãi khủng. Tuy nhiên, sau một thời gian, lãi thì chưa thấy đâu mà Cashboom đã khiến người chơi mất tiền và nguy cơ không đòi lại được.
Bình mới, rượu cũ
Theo tìm hiểu, sàn Cashboom được quảng cáo là sàn bảo hiểm vốn 100% đến từ Vương quốc Anh, có ký quỹ 50 triệu bảng Anh để bảo vệ vốn cho nhà đầu tư. Theo đó, mức lãi suất mà người chơi nhận được sẽ lên tới 50 - 60%/tháng.
Một ngày, sàn có 3 phiên giao dịch, mỗi phiên cam kết mang về lợi nhuận ít nhất 1%/tổng số tiền đầu tư. Để tham gia, người chơi phải bỏ vào sàn từ 100 USD trở lên. Đặc biệt, việc nạp, rút tiền đều tự động trên ví của sàn và tùy ý theo nhà đầu tư.
Sàn này cũng có những gói hoa hồng hấp dẫn dành cho môi giới. Theo đó, nhà đầu tư mời được người chơi mới, tùy vào số tiền người đó đầu tư thì sẽ được hưởng hoa hồng. Mức hoa hồng cho số tiền đầu tư 1.000 - 4.999 USD, 5.000 - 9.999 USD, 10.000 - 19.999 USD, 20.000 - 50.000 USD lần lượt là 1%, 1,5%, 2%, 2,5%. Do đó, các nhà đầu tư cũ đua nhau rủ rê, lôi kéo con mồi mới vào sàn để ăn chênh lệch hoa hồng.
Nhìn chung, cách thức hoạt động, vận hành của Cashboom không có nhiều khác biệt so với các sàn trước đó đã sập như Coolcat, Pchome, FxTradingmarkets, Busstrade. Do bởi, các sàn này đều đưa ra những mức lãi suất "khủng" nhằm đánh vào lòng tham của nhà đầu tư. Để mở rộng quy, họ sẽ tạo ra những hệ thống chân rết chằng chịt với mức hoa hồng cực cao để người này lôi kéo người kia.
Mất tiền vì lòng tham
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng, 2 lý do khiến các sàn giao dịch lừa đảo "sống khỏe" đến từ lợi nhuận khổng lồ và lòng tham của nhà đầu tư.
"Các đối tượng lừa đảo đã dùng chiêu khuếch đại lợi nhuận để đánh vào lòng tham của con người. Khi lòng tham của con người quá lớn sẽ làm mất đi lý trí và sự tỉnh táo vốn có để đưa ra quyết định. Từ đó, người chơi sẽ rơi vào một trò chơi mà các đối tượng có chủ đích lập trình sẵn và đến một ngưỡng nào đó, họ sẽ chính thức lật bài, đánh sập sàn, ôm tiền và bỏ chạy" - ông nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nguyên nhân chính khiến các sàn giao dịch tiền ảo, forex nở rộ, phát triển là lòng tham và sự mù quáng của người chơi. Nguy hiểm hơn, nhà đầu tư mang tâm lý của người đánh bạc, khi nghĩ rằng, bỏ ra 1 đồng sẽ thu về 200, 300 đồng.
"Các sàn giao dịch này không khác gì một canh bạc vì người chơi hiểu rõ, đầu tư vào đây là rủi ro nhưng họ lại chấp nhận rủi ro, mạo hiểm để mong thu về gấp 2, gấp 3 lần giá trị bỏ ra. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người lao động bị mất việc, thu nhập bị giảm sút, cho nên, nhiều người có tâm lý muốn làm giàu nhanh, mong may mắn xuất hiện" - ông phân tích.
Theo ông Hiếu, để ngăn chặn những sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, forex, người dân, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay, xử phạt thật nặng các đối tượng. Bên cạnh đó là chú trọng việc nâng cao kiến thức, giáo dục tài chính cho người dân, đặc biệt là người dân ở những vùng sâu vùng xa; thiết lập một kênh truyền thông riêng để tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo mọi người về các hoạt động đa cấp, sàn giao dịch.