Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 2, tổng mức đầu tư giảm gần 9.000 tỉ đồng so với mức dự kiến trước đó là 84.684 tỉ đồng.
Cụ thể, tổng kinh phí xây dựng và thiết bị của dự án sau khi cập nhật hiện ước tính hơn 25.900 tỉ đồng. Phần giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 41.589 tỉ đồng, còn lại là chi phí quản lý dự án, dự phòng...
Trên cơ sở cập nhật khái toán tổng mức đầu tư cùng ý kiến của UBND tỉnh Long An, UBND TP.HCM thống nhất điều chỉnh hạng mục cầu Kênh Thầy Thuốc từ Dự án thành phần 7 - xây dựng đoạn qua tỉnh Long An sang Dự án thành phần 1 - xây dựng đoạn qua TP.HCM để giảm áp lực về nguồn vốn cho tỉnh Long An với giá trị xây lắp khoảng 201,11 tỉ đồng.
Về nguồn vốn đầu tư, tỷ lệ ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư, tương đương hơn 38.740 tỉ đồng. Còn lại hơn 36.636 tỉ đồng từ ngân sách các địa phương.
Về việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận nhằm tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng, theo kết quả rà soát sơ bộ, quỹ đất vùng phụ cận tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM có thể đấu giá quyền sử dụng đất gắn với việc tính toán nguồn thu ngân sách từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận tuyến đường.
Cụ thể, trên địa bàn TP.HCM khoảng 2.413,4 ha, trong đó khoảng 514 ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý. Theo dự kiến, đối với phạm vi đất nông nghiệp này, có thể khai thác bán đấu giá thu hồi khoảng 26.985 tỉ đồng; Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 214 ha, sau khi đấu giá có thể thu 4.332 tỉ đồng.
Các tỉnh Bình Dương và Long An đang tiếp tục rà soát, cập nhật các quỹ đất có thể khai thác.
Đường Vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 91,64 km, điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Giai đoạn 1 của dự án đầu tư khoảng 76,34 km, quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, cùng phần đường song hành 2 bên quy mô mỗi bên bố trí tối thiểu 2 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh đối với phần đường cao tốc là 8 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ; Đối với phần đường song hành sẽ đầu tư toàn bộ hai bên tuyến, mặt cắt ngang mỗi bên có tối thiểu 2 làn xe và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Dự án dự kiến khởi công trong 2022, hoàn thành năm 2026.