Huy động vàng trong dân là bước tiếp theo trong giải pháp điều hành thị trường vàng của NHNN được thị trường theo dõi, chờ đợi trong hơn 1 năm qua. Dù đại diện NHNN đã từng cho biết đang chuẩn bị phương án thực hiện, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa triển khai giải pháp nào liên quan đến vấn đề này.
Tiếp tục yêu cầu huy động vàng
Theo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 vừa ban hành, Chính phủ giao NHNN chủ động thực hiện các giải pháp quản lý có hiệu quả thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, tiếp tục khắc phục tình trạng đôla hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khi các điều kiện thị trường thuận lợi.
Theo ước tính, số lượng vàng vật chất nằm trong dân khoảng 400-500 tấn, giá trị dao động từ 16-18 tỷ USD, tương đương 16% GDP. Nếu huy động được vốn vàng này vừa có thể tăng nguồn lực để phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an toàn cho người dân. Vì vậy, việc huy động vàng trong dân trong 2 năm trở lại đây nhận được sự quan tâm rất lớn và cũng đã có nhiều đề xuất liên quan được đưa ra. |
Thực ra đây không phải lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu NHNN triển khai biện pháp huy động vàng trong dân. Trước đó, hồi đầu năm 2014, trong Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ đã từng yêu cầu NHNN sớm có các biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sau khi NHNN can thiệp mạnh vào thị trường vàng để chống vàng hóa và đạt được nhiều kết quả khả quan trong năm 2013.
Năm 2013, với mục đích bình ổn thị trường vàng và đưa vàng khỏi rổ tiền tệ, NHNN đã trở thành nhà độc quyền sản xuất và cung cấp vàng miếng. Tiếp theo, NHNN triển khai đấu thầu vàng và áp dụng Thông tư 12/2012/TT-NHNN yêu cầu các TCTD chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng. Những chính sách này đã khiến thị trường vàng không còn sôi động, giá vàng trong năm 2013 bước vào năm giảm mạnh nhất.
Trong năm 2014, vàng mất sức hấp dẫn đối với người dân lẫn nhà đầu tư. Sau những thành công đó, bước tiếp theo được kỳ vọng là NHNN sẽ tiến hành huy động vốn vàng “chôn” trong dân để phục vụ nền kinh tế. Nhưng cho đến nay NHNN vẫn chưa có động thái nào liên quan đến vấn đề này.
Từ năm 2013, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam đã gửi đề xuất về phương án huy động vàng bằng cách phát hành chứng chỉ vàng lên NHNN. Song song đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia để người dân mua bán tiện lợi hơn.
Các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế TPHCM cũng đưa ra đề xuất xây dựng định chế tài chính chuyên biệt (SPV), được quản lý trực tiếp bởi NHNN. SPV này có chức năng quản lý một phần tài sản quốc gia dưới hình thức dự trữ ngoại hối bằng vàng. SPV sẽ thực hiện các công việc như trực tiếp sản xuất vàng miếng thay vì ký hợp đồng với Công ty SJC; kiểm định chất lượng vàng lưu thông theo tiêu chuẩn đăng ký; tổ chức mua bán vàng miếng và vàng nữ trang. Tuy nhiên, đến nay, việc huy động vàng vẫn chưa được nhắc đến.
Chờ giải pháp của NHNN
Tính từ đầu năm 2014 đến nay, NHNN đã không triển khai phiên đấu thầu vàng nào. Điều này cho thấy, cầu vàng của thị trường đã suy yếu rất nhiều. Sau nhiều năm đứng đầu về thanh khoản và lợi nhuận, hiện vàng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn.
Trong khi đó, năm 2014, kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát thấp trong khi để thực hiện mua vàng từ trong dân đòi hỏi có nhiều giải pháp và có nhiều điều kiện nhất định như ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp… Như vậy, có thể nói thời điểm để huy động vàng đã đến, NHNN có thể huy động vàng trong dân mà không gây ra xáo trộn thị trường.
![]() |
Ảnh: LONG THANH |
Theo một chuyên gia về vàng, sở dĩ thời gian qua NHNN chưa thực hiện huy động vàng trong dân vì nếu NHNN trực tiếp huy động sẽ có nhiều bất lợi. Thứ nhất, NHNN phải mất một khoản chi phí lớn để mua vào, đó là chưa kể đến chi phí chuyển đổi vàng trong nước thành vàng tiêu chuẩn quốc tế nếu sử dụng vàng đầu tư ở nước ngoài.
Thứ hai, NHNN có thể đối mặt với những rủi ro khi xảy ra tình trạng người gửi vàng ồ ạt rút ra. Còn giải pháp mua vàng từ dân để tăng dự trữ nhằm chuyển hóa vốn vàng cần phải có nhiều yếu tố hỗ trợ như giá trị VNĐ được nâng lên, không còn hoạt động huy động vàng cộng với các giải pháp khuyến khích người dân bán vàng.
Lần trước, khi Chính phủ yêu cầu, NHNN cũng đã khẳng định huy động vàng, mua vàng vào là nhiệm vụ sẽ phải thực hiện trong năm 2014 và sẽ chuẩn bị điều kiện kỹ thuật, pháp lý để thực hiện vào thời điểm chín muồi. Nhưng suốt 1 một năm qua, NHNN hoàn toàn không nhắc đến vấn đề này.
Lần này, Chính phủ tiếp tục yêu cầu NHNN nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng, gây sự chú ý đối với dư luận và thị trường. Trong các giải pháp được đề xuất trong thời gian qua, có đề xuất đều không được tán thành, có đề xuất không được nhắc đến. Vì vậy, khi nhiệm vụ cũ tiếp tục được đặt ra lần nữa, thị trường đang ngóng chờ xem NHNN sẽ đưa ra giải pháp gì để huy động vốn vàng đang nằm trong dân.