Tại Việt Nam, NHNN cũng đã phê duyệt 17 NH có tầm quan trọng hệ thống (SIB) năm 2021 để giám sát do Thống đốc NHNN ban hành. Liệu SIB có là thước đo cho hệ thống NH?
Giám sát những NH có tầm quan trọng
SIFI được định danh cho các NH và các tổ chức tài chính phi NH. Các tổ chức này được coi là rất quan trọng đối với sự vận hành của nền kinh tế, do đó các quy tắc và yêu cầu đặc biệt đã được đưa ra để giảm khả năng sụp đổ và đảm bảo rằng nếu các định chế này sụp đổ sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống tài chính và các hoạt động kinh tế.
Cũng từ sau khủng hoảng tài chính, kỷ luật thị trường đã được các quốc gia đề cao nhằm giám sát hoạt động của các NH. Kỷ luật thị trường bao gồm các hành động “trừng phạt” của người gửi tiền đối với các NH chấp nhận rủi ro cao khi đồng ý lãi suất cao và người gửi đưa ra. Như vậy các NH theo đuổi các chính sách đầu tư mạo hiểm, hoặc đơn giản người gửi tiền sẽ rút tiền gửi của mình khỏi NH có rủi ro cao. Yếu tố kỷ luật thị trường bổ sung cho các yêu cầu vốn tối thiểu (trụ cột 1) và quá trình kiểm tra giám sát (trụ cột 2). Nói cách khác, kỷ luật thị trường gây áp lực buộc các NH phải cải thiện hiệu quả hoạt động của mình.
Tại Việt Nam, vào ngày 22-3-2021, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định 397/QĐ-NHNN, phê duyệt 17 NH có tầm quan trọng hệ thống năm 2021.
Theo đó, các NH này sẽ chịu sự giám sát được hướng dẫn tại sổ tay giám sát NH do Thống đốc NHNN ban hành. Đối với các SIB tại Việt Nam, việc được đưa vào danh sách SIB sẽ mang lại các thách thức mới trong hoạt động như chịu thêm các quy định điều tiết khác của cơ quan quản lý, cũng như áp lực gia tăng kỷ luật thị trường.
Tuy nhiên, các tiêu chí để phân loại SIB tại Việt Nam không được công bố, mà theo đại diện của NHNN đây là các NH đang chiếm 70% hệ thống theo cách tính trong Thông tư 08/2017/TT-NHNN và sổ tay giám sát NH được NHNN ban hành.
Cần hoàn thiện các tiêu chí liên quan
Vì không có tiêu chí để phân loại SIB của NHNN, nên chúng tôi tập trung đánh giá mối liên hệ giữa mức độ quan trọng trong hệ thống của các SIB tại Việt Nam, với các yếu tố đại diện cho kỷ luật thị trường, bao gồm tỷ lệ chi phí lãi trên tổng tiền gửi và tỷ lệ đòn bẩy (tỷ lệ tài sản trên vốn chủ sở hữu).
Hình 1. Tỷ lệ chi phí lãi trên tiền gửi và mức độ quan trọng trong hệ thống của SIB
Xét trên tỷ lệ chi phí lãi trên tiền gửi và mức độ quan trọng trong hệ thống của SIB (hình 1) cho thấy, nhìn chung tỷ lệ chi phí lãi trên tiền gửi của các SIB tỷ lệ nghịch với mức độ quan trọng trong hệ thống của NH.
Có nghĩa là người gửi tiền thường yêu cầu mức lãi suất đối với tiền gửi thấp hơn đối với SIB, nhưng trong nhóm SIB, VPBank và SCB lại có tỷ lệ chi phí lãi trên tiền gửi cao nhất lần lượt là 8,6% và 8,4%, thậm chí còn cao hơn cả các NH không thuộc nhóm SIB, chỉ thấp hơn một NH ngoài nhóm SIB là BacABank (9%). Mức chênh lệch lãi suất này cho thấy người gửi tiền có sự phân biệt đối với các NH trong nhóm SIB.
Về tỷ lệ đòn bẩy và mức độ quan trọng trong hệ thống của SIB, dữ liệu (hình 2) cho thấy ở Việt Nam, tỷ lệ đòn bẩy của SIB có mối tương quan dương với thước đo mức độ quan trọng trong hệ thống của NH.
Chẳng hạn Vietcombank chiếm 11,6% tổng tài sản toàn bộ NH, có tỷ lệ đòn bẩy đến 13,4; VietinBank chiếm 11,7%; có tỷ lệ đòn bẩy 15,7…
Nhưng trong nhóm SIB cũng có NH tuy có tỷ lệ đòn bẩy lớn nhất nhưng lại chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ tổng tài sản của 29 NH. Điều này có thể được lý giải là do mức an toàn vốn cao hơn để tăng cường sức khỏe tài chính của các NH sẽ dẫn đến sự suy yếu của kỷ luật thị trường.
Về nguyên tắc, thị trường sẽ sửa chữa những khiếm khuyết trong quy định và ngăn ngừa các NH chấp nhận rủi ro quá mức. Tuy nhiên, tầm quan trọng trong hệ thống của một NH càng lớn, khả năng NH đó sẽ được giải cứu bởi NH Trung ương hoặc Chính phủ để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực trong hệ thống càng cao.
Do nhận được sự bảo đảm ngầm như vậy, thị trường sẽ không thực thi đầy đủ việc giám sát các NH lớn trong việc duy trì an toàn vốn. Đây cũng là hàm ý quan trọng cho NHNN trong việc xây dựng các chính sách liên quan đến an toàn vốn cho hệ thống NH nói chung và cho SIB nói riêng trong tương lai.
Hình 2. Tỷ lệ đòn bẩy và mức độ quan trọng trong hệ thống của SIB
Qua các phân tích ở trên cho thấy, các yếu tố kỷ luật thị trường vẫn chưa hình thành đầy đủ đối với các SIB. Không có đủ kỷ luật thị trường sẽ dẫn đến sự thất bại của thị trường trong việc “trừng phạt” các SIB, điều này cũng có thể làm giảm hiệu quả của các quy định hiện tại liên quan đến yêu cầu về vốn của NH. Do đó, việc tích hợp kỷ luật thị trường với cơ chế quản lý là điều cần thiết.
Vậy nên hiện tại các tiêu chí phân loại SIB tại Việt Nam không được công bố rộng rãi, do trong thời gian tới NHNN cần hoàn thiện các tiêu chí liên quan đến việc đánh giá các SIB trong nước theo khuyến nghị của Ủy ban Basel về Giám sát NH bao gồm: (1) quy mô của NH; (2) tính liên kết; (3) mức độ phức tạp trong hoạt động (bao gồm cả tính phức tạp bổ sung do hoạt động xuyên biên giới).
Các biện pháp đánh giá bao gồm: (1) làm rõ các mục tiêu đánh giá, ngoài việc định danh SIB và đưa ra danh sách SIB hàng năm cần xây dựng các quy định riêng đối với các SIB như thông lệ của các quốc gia trên thế giới; (2) phương pháp đánh giá, sử dụng các chỉ số đánh giá định lượng để tính toán điểm số mức độ quan trọng trong hệ thống của các NH được đánh giá và việc ban hành các quy định cần dựa trên bằng chứng từ các thông tin định lượng và định tính khác.
Đặc biệt cần công khai các phương pháp đánh giá SIB; (3) thủ tục đánh giá, xác định phạm vi đánh giá các NH hàng năm, thu thập dữ liệu về các NH đó để đánh giá và đưa ra danh sách sơ bộ các SIB. Danh sách sơ bộ này sẽ được điều chỉnh và ban hành sau khi được cơ quan chuyên môn xác nhận.