Siết chặt xuất khẩu, hạ nhiệt giá hàng hóa

(ĐTTCO)-Từ 10-300% là tỷ lệ tăng giá của nhiều nguyên liệu trong nước và nhập khẩu. Thực tế này đã đặt nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN sản xuất lương thực thực phẩm trước nguy cơ phải tăng giá bán sản phẩm. Trước thực tế đó, Bộ Công thương đã ban hành quy định hạn chế xuất khẩu một số nhóm hàng là nguyên liệu trong chuỗi cung ứng sản xuất của các DN trong nước. Đây là giải pháp cần thiết nhằm hạ nhiệt giá thành các mặt hàng này. 
Chế biến cá điêu hồng tại Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến cá điêu hồng tại Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG

Giá nguyên liệu tăng phi mã

Báo SGGP đã nhiều lần phản ánh về tình trạng tăng giá nguồn nguyên liệu, đe dọa đến sự ổn định trong hoạt động sản xuất của các DN, nhất là DN ngành lương thực thực phẩm thiết yếu.

Từ đầu năm đến nay, giá nguyên vật liệu cung ứng cho DN sản xuất lương thực thực phẩm đã tăng từ 10-300%. Trong đó, giá các loại gia vị phụ gia nhập khẩu tăng 5-10%, các nguyên liệu nhập khẩu làm thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu… tăng từ 10-15%, thậm chí có thời điểm tăng đến 30%, các nguyên liệu nội địa như gạo, thủy sản, đường tăng từ 5-20%. 

Theo Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, hiện đang vào giai đoạn cao điểm nhưng các DN hết nguyên liệu sản xuất, phải tăng cường nhập khẩu để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất cuối năm 2021 và quý 1-2022. Giá nguyên liệu trong nước cũng như nhập khẩu vẫn ở mức cao đã khiến DN gặp khó.  

Hiện tại, nhiều vùng nguyên liệu, nông sản trong nước đã vào vụ thu hoạch nhưng do thiếu nhân công và đứt gãy nhiều điểm trong chuỗi logistics nên DN sản xuất thực phẩm tại TPHCM khó tiếp cận nguồn nguyên liệu này. Chưa kể, việc ngưng hoạt động của nhiều DN sơ chế tại khu vực miền Tây Nam bộ cũng đang khiến nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ông Lê Vương Quốc, Phó giám đốc Công ty CP Gimex Việt Nam, cho biết, đơn vị đầu tư trồng 30ha nhãn và mẵng cầu Đài Loan tại Nông trường sông Hậu cũng không thu hoạch được do không tìm kiếm được công nhân cũng như khó vận chuyển.

Giá nguyên liệu đang làm tăng chi phí đầu vào nhưng DN lại không thể tăng giá bán do sức mua trên thị trường đang giảm mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ đầu năm đến nay chỉ tăng nhẹ 0,7%, nhưng so với cùng kỳ năm 2020 giảm 0,5%. Riêng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là tháng mà tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng nhất và 19 tỉnh thành phía Nam phải áp dụng quy định giãn cách xã hội triệt để.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị đang phải gồng gánh, chịu lỗ để giữ và giảm giá hàng hóa thiết yếu nhằm chia sẻ khó khăn với người dân. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì cả DN sản xuất, phân phối và người dân đều sẽ gặp khó. 

Quyết định đúng đắn

Trong bối cảnh đó, việc Bộ Công thương ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT về việc tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước là giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ  khó khăn cho DN.

Theo đó, các đơn vị liên quan phải phối hợp với hiệp hội, DN, tập đoàn… rà soát lại tình hình sản xuất các mặt hàng là nguyên liệu sản xuất cũng như khả năng cung ứng cho thị trường. Đây sẽ là cơ sở để bộ thực hiện hạn chế xuất khẩu nhằm ưu tiên nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước. Hiện bộ đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải báo cáo công việc được giao cho Bộ trưởng Bộ Công thương trước ngày 30-8. 

Cũng theo phân tích từ Bộ Công thương, hiện đang có bất cập trong hoạt động xuất nhập khẩu đối với các mặt hàng như xăng dầu, than đá, sắt, thép, phân bón… Các mặt hàng này trong nước đang cần nhưng lại không được DN ưu tiên phân phối ở thị trường nội địa mà chủ yếu xuất khẩu. Trong khi đó, DN sản xuất trong nước cần các mặt hàng này lại phải nhập khẩu với giá rất cao. Điều này đã ảnh hưởng tới cán cân cung - cầu và mặt bằng giá cả trong nước.

Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo Cục Phòng vệ thương mại nhanh chóng rà soát và đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với quy định pháp luật để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất trong nước. Kỳ vọng việc sớm ban hành những quy định trên sẽ giúp hạ nhiệt giá nhiều nhóm hàng hóa “nóng” vốn được xem là nguyên liệu thiết yếu của DN sản xuất trong nước.

Về phía các DN, đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho rằng, những động thái kịp thời của Bộ Công thương chắc chắn sẽ giúp hạ nhiệt nguyên liệu sản xuất thiết yếu của nhiều ngành trong nước. Từ đó, giúp DN duy trì ổn định giá hàng hóa, góp phần chia sẻ khó khăn với người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Các tin khác