Tư nhân không ngừng bứt phá
Theo báo cáo tài chính được các NHTM công bố, vị trí top 10 NHTM có lợi nhuận trước thuế (LNTT) cao nhất thứ tự như sau: Vietcombank (27.376 tỷ đồng), Techcombank (23.238 tỷ đồng), VietinBank (17.598 tỷ đồng), MB (16.257 tỷ đồng), VPBank (14.584 tỷ đồng), Agribank (14.000 tỷ đồng), BIDV (13.602 tỷ đồng), ACB (11.998 tỷ đồng), HDBank (8.070 tỷ đồng), VIB (8.011 tỷ đồng).
Nhìn vào thống kê này có thể thấy, số lượng nhà băng gia nhập câu lạc bộ LNTT trên 10.000 tỷ đồng ngày càng nhiều. Nếu năm 2018, NH đạt LNTT 10.000 tỷ đồng được xem là "hiện tượng" khi chỉ 2 NH nằm trong nhóm này, nay con số đã tăng gấp 4 lần với 8 NH. 2 NH giữ vị trí nhất nhì này còn đang chiếm giữ mức LNTT cao hơn 20.000 tỷ đồng.
Điểm nổi bật nữa, từ năm 2017 trở về trước Vietcombank, BIDV, VietinBank thay nhau nắm giữ vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng lợi nhuận. Nhưng từ năm 2018 đến nay, chỉ Vietcombank liên tục nắm chắc vị trí số 1. Ngược lại, các NHTM có vốn nhà nước khác ngày càng lu mờ. Nói cách khác, thứ bậc lợi nhuận đã được nhóm NHTMCP tư nhân lập lại trật tự mới.
Theo đó, năm 2021 Techcombank vươn lên vị trí thứ 2, khi ghi nhận tổng thu nhập hoạt động ở mức 37.100 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ lãi đạt 26.700 tỷ đồng, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm trước, được dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM) đạt 5,6% (so với mức 4,9% của năm 2020). Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 42,4%, đạt 7.800 tỷ đồng. Nhà băng này ghi nhận mức tăng trưởng LNTT đến 47,1%, từ 15.800 tỷ đồng năm 2020 lên 23.238 tỷ đồng năm 2020.
VietinBank dù trụ lại được vị trí thứ 3, nhưng mức tăng LNTT so với năm 2020 không nhiều, chỉ 2,7%, từ 17.120 tỷ đồng năm 2020 lên 17.589 tỷ đồng năm 2021. Bám theo phía sau, MB ở vị trí thứ 4 nhờ tăng trưởng lợi nhuận lên đến 52,1%, từ 10.688 tỷ đồng năm 2020 lên 16.257 tỷ đồng năm 2021. Vị trí cuối cùng trong top 5 cũng không thuộc về các NHTM có vốn nhà nước còn lại, khi VPBank đã góp phần khẳng định sự bứt tốc của nhóm tư nhân khi chiếm lĩnh thứ hạng này.
Đáng nói, BIDV từ vị trí thứ 2 bị đẩy lùi về thứ 7, xếp sau cả Agribank (thứ 6), dù LNTT năm 2021 đã tăng đến 50,7% so với năm 2020. Không chỉ vậy, các nhà băng xếp sau cũng khá sát sao trong cuộc rượt đuổi. ACB đã gia nhập câu lạc bộ có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng và đang bám khá sát BIDV. Trong khi 2 NH còn lại là HDBank và VIB tăng trưởng LNTT mạnh mẽ hơn 38% trong năm ngoái lên mức hơn 8.000 tỷ đồng. Với đà tăng trưởng hiện nay, 3 NH đứng cuối trong top 10 có khả năng đe dọa vị trí hiện tại của BIDV trong thời gian tới.
Lợi thế về không gian cạnh tranh
Hiện tượng “sao đổi ngôi” trên bảng xếp hạng lợi nhuận NH là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Song các NHTMCP quy mô lớn lại có lợi thế về không gian phát triển hơn NHTM có vốn nhà nước, khi chủ động tự quyết các vấn đề nội tại để phù hợp với định hướng kinh doanh của mình.
Đơn cử, việc tăng vốn điều lệ ngoài tăng hệ số an toàn vốn (CAR) đáp ứng Basel II, còn giúp các NH tư nhân phát triển hoạt động tín dụng. Thị trường chứng khoán tăng điểm trong vài năm gần đây cùng với yêu cầu chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhiều NH đã tăng vốn mạnh mẽ. Bên cạnh đó, hệ số CAR được nâng lên, hạn mức tín dụng được NHNN cấp cũng cao hơn. Techcombank trong năm 2021 ghi nhận tín dụng tăng 22,1% so với cuối 2020, theo hạn mức tín dụng được NHNN cấp. MB năm ngoái cũng ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng tăng 22%.
Trong khi đó, các NHTM có vốn nhà nước muốn tăng vốn phải chờ Quốc hội, Chính phủ xem xét, quyết định. Dù đã phê duyệt bán vốn, được chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng số vốn tăng lên vẫn rất ít. Lãnh đạo BIDV chia sẻ, dù đã được chấp thuận chia cổ tức 25,77% để tăng vốn song hệ số CAR của NH vẫn ở mức thấp.
Cộng dồn cả việc đẩy mạnh dư nợ cho vay, cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng và yêu cầu thực hiện Basel II, Basel III, áp lực với hệ số CAR đối với NH ngày càng tăng. Hệ số CAR thấp, khả năng tăng trưởng tín dụng cũng như tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các NH này bị ảnh hưởng. Thiếu vốn, nhóm này phải thực hiện các biện pháp bù đắp khác như phát hành trái phiếu thứ cấp, tăng nguồn tiền gửi trung, dài hạn làm chi phí vốn đội lên, trong khi phải cho vay với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung, đồng thời còn phải tích cực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ theo định hướng của NHNN.
Bị giới hạn sức cạnh tranh trên mảng tín dụng, các NH có vốn nhà nước lại thất thế ở mảng dịch vụ, nhất là dịch vụ NH số. Vì vậy, đầu năm 2022 một số NH đã phải miễn phí toàn bộ dịch vụ trên NH số để hút khách, điều đã được Techcombank, MB, VPBank áp dụng từ rất lâu. Với chính sách này, trong năm 2021 Techcombank đã thu hút thêm khoảng 1,2 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 9,6 triệu.
Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân năm 2021 lần lượt đạt 652 triệu giao dịch và 9,1 triệu tỷ đồng (tăng 70% và 80,5% so với cùng kỳ năm ngoái). Ứng dụng MBBank cũng ghi nhận khoảng 6,3 triệu người dùng mới trong năm 2021, lũy kế đạt 9,5 triệu người dùng, tăng gấp 320% so với 2020. Tương tự, VPBank cũng nằm trong nhóm dẫn đầu về số lượng khách hàng nhờ số hóa toàn diện với nhiều nền tảng giao dịch.
Kết quả của hoạt động nói trên là tiền gửi không kỳ hạn ngày càng cao. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) năm 2021 của Techcombank tại ngày 31-12-2021 đạt 50,5% tổng tiền gửi, tương đương số dư 158.900 tỷ đồng, chủ yếu do CASA từ khách hàng cá nhân tăng 30,8% trong năm.
MB cũng tăng CASA ấn tượng với tỷ lệ tăng 49%, quy mô CASA đạt gần 190.000 tỷ đồng. CASA của VPBank cũng liên tục cải thiện qua các năm từ mức 13,5% trong năm 2019 đến 15,8% trong năm 2020 và trong năm 2021, tỷ lệ CASA lên đến gần 23% tổng huy động. Nguồn vốn chi phí thấp tăng lên cộng với các NH này lại tập trung cho vay cá nhân thay vì cho vay doanh nghiệp, đã tạo sự bứt phá lợi nhuận, vì lãi suất cho vay cá nhân luôn cao hơn đối với doanh nghiệp.
Các NH tư nhân liên tục đổi mới, mang lại những trải nghiệm vượt trội cho khách hàng, đang tạo áp lực lớn với các NH có vốn nhà nước. |