Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần thứ 1 của NHTMCP Dầu Khí Toàn Cầu (GPbank) đã bất thành. Theo đó kế hoạch chào bán cổ phiếu tăng vốn để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng vốn pháp định vẫn chưa được thông qua. Nhiều khả năng cổ đông của GPbank sẽ chịu chung số phận như cổ đông của OceanBank và VNCB.
Chờ đến ngày cuối cùng: 2-7-2015
Sáng ngày 20-6, GPbank triệu tập ĐHĐCĐ bất thường nhằm kêu gọi cổ đông góp thêm vốn, bù đắp phần thiếu hụt của vốn điều lệ. Tuy nhiên kết quả chỉ có 36,1% cổ đông sở hữu cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự, không đủ tỷ lệ theo quy định ít nhất 65% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết (đối với đại hội tổ chức lần thứ nhất).
Trong thư mời họp gửi đến cổ đông, GPbank có lưu ý: “Theo yêu cầu của NHNN, việc tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường và quyết định việc thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ phải được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày 4-6-2015. Trường hợp không hoàn thành việc bổ sung vốn điều lệ theo yêu cầu NHNN, sẽ thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật”.
Việc không tham gia của cổ đông dường như đã được dự báo trước, vì ban điều hành NH đã có kế hoạch sẽ tổ chức đại hội lần thứ hai vào ngày 27-6 và lần thứ ba vào ngày 2-7-2015. Theo quy định, đại hội lần thứ ba sẽ không phụ thuộc vào số cổ đông dự họp và số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông dự họp. Còn việc họp bất thường nhằm thông qua kế hoạch phát hành chào bán cổ phần riêng lẻ nhằm đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định và đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, bởi có thể nhiều khả năng NH đã bị âm vốn chủ sở hữu.
Vào đầu tháng 6-2015, NHNN đã quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ đối với một số chức danh HĐQT của GPbank. Đồng thời, để đảm bảo hoạt động của GPbank tiếp tục diễn ra bình thường, NHNN đã chỉ định bà Trần Thị Lệ Nga là người đại diện (bao gồm người đại diện theo pháp luật) của GPbank kể từ ngày 8-4-2015. GPbank là 1 trong 9 NH yếu kém bắt buộc phải tái cơ cấu. Đến nay, trong khi 8 NH đã chốt được các phương án, có trường hợp NH tự tái cơ cấu để vực dậy, nhưng GPbank vẫn chưa đến hồi kết.
Hồi đầu năm, trên thị trường có thông tin GPbank sẽ sáp nhập vào VietinBank. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định VietinBank chỉ tham gia với vai trò hỗ trợ tái cơ cấu. Xem ra diễn biến tại GPbank cho thấy số phận của NH đã được định đoạt. Đó là ĐHĐCĐ bất thành cùng với việc những người quản lý GPbank đã bị đình chỉ. Kịch bản đang diễn ra khá tương tự như NH Xây dựng Việt Nam (VNCB) và NH Đại dương (OceanBank), sau đó NHNN quyết định mua lại với giá 0 đồng.
Mù thông tin ai mua?
Một điều đáng lưu ý là đến thời điểm này, GPbank vẫn không hề có bất kỳ thông tin tài chính nào kể từ năm 2011. Trong mục cổ đông của NH chỉ có duy nhất báo cáo thường niên 2010 với hơn 100 tỷ đồng thu nhập lãi thuần và 205 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2009 NH lãi hơn 132 tỷ đồng. So với GPbank, 2 trường hợp bị mua với giá 0 đồng khác là OceanBank vẫn có lãi hơn 188 tỷ đồng năm 2013 và VNCB lãi 164 tỷ đồng năm 2011.
Theo tờ trình phương án bổ sung vốn điều lệ, HĐTQ GPbank chọn phương thức chào bán cổ phần riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu và các nhà đầu tư bên ngoài có nhu cầu (pháp nhân và thể nhân). Số lượng nhà đầu tư bên ngoài giới hạn dưới 100, là nhà đầu tư chiến lược lâu dài và có nghĩa vụ nộp tiền mua cổ phần trong vòng 15 ngày kể từ ngày có thông báo nộp tiền.
Ngoài ra, nhà đầu tư phải đáp ứng những điều kiện về tỷ lệ sở hữu cổ phần NH theo quy định tại Luật các TCTD. Tuy nhiên, không thấy trang web đăng tải báo cáo tài chính năm 2014, báo cáo kết quả kinh doanh của ban điều hành, báo cáo của HĐQT để cổ đông và giới đầu tư tham khảo như các tài liệu thường thấy ở ĐHĐCĐ của các NH khác. Mặc dù thế, trong chương trình đại hội cũng có phần “thông báo kết quả kiểm toán độc lập và các thông tin khác về thực trạng tài chính của GPbank”.
Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, muốn thu hút được sự quan tâm và chấp nhận mua cổ phần của nhà đầu tư bên ngoài như tờ trình nêu, GPbank phải có các cuộc tiếp xúc nhà đầu tư, công bố kết quả hoạt động, triển vọng kinh doanh, khả năng cổ tức nhà đầu tư kỳ vọng… như các công ty đại chúng, NH đại chúng vẫn làm trước các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn.
2015 là năm rất quan trọng để hoàn thành đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Trong một diễn đàn với các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định năm 2016 sẽ không còn NH yếu kém, vi phạm pháp luật và đưa nợ xấu đạt mức 3% - mức thông thường trong kinh tế. Như vậy, với tình hình hiện tại có thể nói GPbank sẽ là trường hợp NH yếu kém cuối cùng được tái cơ cấu.