Quảng cáo trên… mây
Các công ty tiền điện tử như FTX trong vài năm qua đã bùng nổ trên thị trường đầu tư. Họ chạy những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, giới thiệu sản phẩm của mình như những khoản đầu tư ổn định và an toàn. Trong khi các ngân hàng và công ty môi giới truyền thống bị hạn chế trong những phát ngôn của mình, các công ty tiền điện tử như FTX lại không bị ràng buộc gì.
Từ năm ngoái, FTX đã ký các thỏa thuận về quyền đặt tên trong nhiều năm trị giá hơn 100 triệu USD với sân bóng rổ chuyên nghiệp ở Miami và sân bóng đá tại Đại học California, Berkeley. Công ty cũng đạt được các thỏa thuận tiếp thị với đội bóng chày Major League và đội bóng rổ Golden State Warriors.
FTX đã đăng ký một số vận động viên và người nổi tiếng làm “đại sứ thương hiệu”. Vào tháng 9-2021, FTX đã chi 60 triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình. Nathaniel Whittemore, Giám đốc tiếp thị của FTX, cho biết chiến dịch quảng cáo và tiếp thị tại Mỹ tập trung vào “xây dựng thương hiệu” và nâng cao “hồ sơ của FTX và tiền điện tử nói chung”.
Eric Goldman, Giáo sư tại Trường Luật Đại học Santa Clara, cho biết các chiến dịch tiếp thị lớn và xây dựng thương hiệu sân vận động thể thao, là cách phổ biến để các công ty khởi nghiệp công nghệ truyền đi thông điệp rằng doanh nghiệp họ thừa sức thừa tiền và chắc chắn sẽ phát triển lâu dài. Kết quả, FTX đã được hàng chục nhà đầu tư uy tín như Sequoia và SoftBank rót tiền vào, kéo theo các nhà đầu tư cá nhân từ khắp nơi trên thế giới. Điều này nhanh chóng biến FTX trở thành công ty tiền ảo lớn thứ 2 trên thế giới, với giá trị lên đến 32 tỷ USD.
Tuy nhiên, sự buông lỏng trong quản lý những gì công ty được phép quảng cáo đã tạo ra lỗ hổng chết người. Joshua Fairfield, Giáo sư chuyên về các vấn đề công nghệ tại Trường Luật Washington & Lee, cho biết: “Các công ty tiền điện tử như FTX đều tạo ấn tượng về tính bảo mật giống như ngân hàng. Họ muốn có được sự tin tưởng của khách hàng nhưng không có trách nhiệm đi kèm.
Chính điều này đã tạo ra lỗ hổng. Theo đó, nếu ngân hàng hoặc công ty môi giới truyền thống phá sản, sẽ có những quỹ được chính phủ hỗ trợ đảm bảo cho các nhà đầu tư lấy lại được tiền của mình. Còn với ngành công nghiệp tiền điện tử không có sự bảo đảm như vậy. Tức khi nó phá sản, nhà đầu tư rất khó đòi lại tiền của mình”.
Nhà đầu tư mắc bẫy
Butkus cho biết anh đã đầu tư vào BlockFi với phần lớn số tiền từ việc bán căn nhà ở Plainfield, Illinois (Mỹ). Anh hy vọng khoản lãi từ BlockFi có thể giúp anh xây ngôi nhà mới. Nhưng đến nay gia đình anh đang ở nhờ nhà mẹ vợ. Tương tự, Frank Friemel, người đã mở tài khoản với FTX vào tháng 3, với suy nghĩ FTX là nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới, lại được sự hỗ trợ tài chính của các công ty đầu tư nổi tiếng như SoftBank, nên nó có nền tảng vững chắc.
Nhưng đến ngày 8-11, sau khi có tin FTX gặp rủi ro, Friemel cố gắng rút tiền nhưng đã quá muộn. Hay Mashood Alam đã đầu tư 20.000USD vào FTX, nhưng không biết khi nào lấy lại được tiền. Còn Scott Jerutis, nhà môi giới bất động sản ở Queens, đang có khoảng 33.000USD tiền kỹ thuật số Ethereum trong tài khoản BlockFi bị đóng băng.
Các nhà đầu tư phát hiện họ hầu như không có cơ sở pháp lý để đòi lại tiền. Stoltmann, một luật sư tranh tụng chứng khoán, cho biết công ty ông đã nhận được khoảng 10 cuộc gọi mỗi ngày khi FTX sụp đổ. Ông Stoltmann nói nhiều khách hàng muốn biết liệu họ có thể kiện để lấy lại số tiền bị mất. Cho đến nay, khoảng vài chục cá nhân đã nộp đơn yêu cầu tòa án phá sản đòi lại số tiền họ đã đầu tư trên FTX, từ vài ngàn đến hàng chục ngàn USD.
Tương lai nào cho tiền ảo?
Kể từ khi phát triển, ngành công nghiệp tiền ảo đã nhiều lần sụp đổ rồi phục hồi. Nhưng sự sụp đổ của FTX được miêu tả là thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành. Nguồn gốc của tiền điện tử bắt đầu từ năm 2008, khi một nhân vật bí ẩn có tên Satoshi Nakamoto xuất bản sách trắng về Bitcoin.
Bài viết đã vạch ra nền tảng công nghệ của Bitcoin, đó là sổ cái có thể xem công khai được gọi là chuỗi khối (blockchain), nơi các giao dịch sẽ được ghi lại cho tất cả mọi người xem. Những người ủng hộ tin rằng Bitcoin có thể trở thành nền tảng của hệ thống tài chính bình đẳng, minh bạch hơn so với hệ thống tài chính truyền thống, vốn có sự tập trung quyền lực vào các ngân hàng.
Nhưng giao dịch tiền điện tử ngày càng trở nên tập trung, diễn ra trên một số sàn giao dịch lớn, bao gồm Binance, FTX và Coinbase. Trong những tháng trước khi FTX sụp đổ, chỉ riêng khối lượng giao dịch tiền điện tử trên Binance đã lớn hơn con số của 7 đối thủ cạnh tranh gần nhất cộng lại. Charley Cooper, Giám đốc điều hành của công ty blockchain R3, nhận xét: “Tiền điện tử giờ đây thậm chí còn tập trung hơn những gì chúng ta thấy trong ngành ngân hàng”.
FTX từng được coi là công ty “quá lớn để sụp đổ”. Nhưng chỉ cần làn sóng rút tiền dấy lên, công ty phá sản chóng vánh. Vụ sụp đổ của FTX được mô tả là "thời điểm Lehman" đối với tiền điện tử. Dù vậy, một số nhân vật nổi bật trong lĩnh vực tiền điện tử coi sự sụp đổ của FTX là tích cực.
Như Binance, về cơ bản hoạt động cùng loại hình kinh doanh như FTX, nhưng ông Zhao, CEO của Binance, gần đây đã công bố “hệ thống bằng chứng dự trữ” mới, xua tan những lo ngại công ty sẽ giống như FTX. Coinbase cũng đã cố gắng xoa dịu lo ngại về rủi ro sụp đổ, bằng cách đăng bài đăng trên blog, cho biết “Không thể có tình trạng như FTX tại Coinbase”.
Kể từ khi FTX sụp đổ, một số người đam mê tiền điện tử đã đổ xô đến các công ty nhỏ hơn trong lĩnh vực thử nghiệm tài chính phi tập trung (DeFi), cho phép các nhà giao dịch vay, cho vay và thực hiện các giao dịch không cần ngân hàng hoặc nhà môi giới. Thay vào đó dựa vào hệ thống được quản lý bởi mã thông báo. Nhưng DeFi cũng dễ bị tin tặc tấn công.
Các công ty tiền điện tử luôn quảng cáo sản phẩm của mình là khoản đầu tư ổn định và an toàn. Nhưng chỉ cần làn sóng rút tiền dấy lên, nó phá sản nhanh chóng, nhà đầu tư mất trắng tiền. |