Sử dụng AI ngăn chặn hành vi trốn thuế

(ĐTTCO) - Với việc áp dụng Big Data và AI, hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hoá đơn điện tự sẽ dễ dàng truy vết và tìm ra trường hợp nghi ngờ mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Trả lời ĐTTC, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DNNVV và Hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế, cho biết nhằm ngăn chặn hành vi gian lận hóa đơn điện tử (HĐĐT) để trốn thuế, thời gian qua Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế, đã thu được những kết quả khả quan.

PHÓNG VIÊN: - Việc đưa vào vận hành hệ thống quản lý HĐĐT đã giúp người nộp thuế được thuận tiện hơn, cơ quan thuế cũng quản lý được tốt hơn. Hiện ngành thuế tiếp tục triển khai hệ thống HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, kết quả bước đầu ra sao, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Lan Anh: - Để triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, Tổng cục Thuế đã đặt lộ trình theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ 15-12-2022 đến 31-3-2023 và giai đoạn 2 từ 1-4 đến 31-12 năm nay.

Tính đến hết ngày 30-6, toàn quốc đã có 25.997 cơ sở kinh doanh đã áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, đạt 63,8% so với kế hoạch phấn đấu. Trong đó, có 54/63 tỉnh, thành phố đã đạt và vượt chỉ tiêu phấn đấu 30% hết quý II. Có 9/63 tỉnh, thành phố chưa đạt chỉ tiêu phấn đấu, trong đó tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa triển khai. Số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đã phát hành lũy kế trong hơn 6 tháng kể từ khi bắt đầu triển khai là 10,36 triệu hóa đơn.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, chủ yếu do cơ sở pháp lý chưa bắt buộc để người bán phải xuất HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền cho người mua theo từng giao dịch, do đó số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền phát hành chưa sát thực tế.

Cùng với đó, sự quyết liệt trong việc phối hợp giữa cơ quan ban, ngành địa phương trong việc rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ để thúc đẩy các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh trong lĩnh vực bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng xuất hóa đơn theo quy định, chưa thực sự tốt.

- Nhưng vì sao mua bán hóa đơn vẫn diễn ra tràn lan?

- Về hệ thống quản lý HĐĐT nói chung, sau 1 năm áp dụng tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp vẫn diễn ra, cụ thể nhiều cá nhân rao bán HĐĐT trên các trang mạng. Tình trạng này do sự thiếu hiểu biết pháp luật về thuế. Đơn cử, nhiều DN xuất khẩu hàng nông sản, thu mua hàng phế liệu, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng… thu mua hàng hóa của người trực tiếp sản xuất nhỏ, hoặc thu mua nhỏ lẻ từ các đầu mối thu gom không có hóa đơn, sau đó tìm mua hóa đơn.

Do thiếu hiểu biết về chính sách thuế, các DN này cho rằng phải có hóa đơn mới hợp lý hóa được hàng hóa mua vào, nên họ đi tìm mua HĐĐT trên mạng xã hội, mà không biết rằng trong những trường hợp như vậy, chỉ cần có bảng kê mua hàng hóa là được.

Bên cạnh đó, tình trạng trên liên quan đến những khoản chi phí có mức khống chế nhất định như chi phí trang phục cho người lao động. Theo quy định, khoản chi trang phục được tính vào chi phí được trừ nếu chi bằng tiền cho người lao động không vượt quá 5 triệu đồng/người/năm, còn chi bằng hiện vật cho người lao động phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ.

Tuy nhiên, một bộ phận DN, thậm chí có cả DN lớn hàng năm đều trích tiền cho nhân viên may đồng phục trên 5 triệu đồng và kế toán DN đã hợp pháp hóa khoản chi vượt quy định bằng HĐĐT mua trên mạng xã hội.

- Vậy giải pháp AI để ngăn chặn và truy vết?

- Với việc áp dụng Big Data và AI, hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý HĐĐT sẽ dễ dàng truy vết và tìm ra trường hợp nghi ngờ mua bán hóa đơn bất hợp pháp, cũng như phát hiện nhanh việc sử dụng bất hợp phát HĐĐT. Đơn cử, vừa qua thông qua Big Data, AI, ngành thuế đã phát hiện một bộ phận đối tượng thành lập DN, thậm chí thành lập hàng loạt DN không hoạt động sản xuất, kinh doanh, chỉ nhằm bán hóa đơn, gây thất thoát và chiếm đoạt ngân sách của nhà nước.

- Từ ngày 1-8, cơ quan thuế thí điểm quản lý hộ kinh doanh bằng bản đồ tại một số tỉnh thành. Bà có thể nói rõ hơn về hình thức này?

- Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13-6-2019 và Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 1-6-2021 hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, có quy định về việc công khai thông tin trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Tuy nhiên, trước đây việc công khai thông tin hộ kinh doanh được thực hiện theo hình thức thủ công, và công khai trên website của ngành thuế mới ở dạng danh sách, chưa được thể hiện một cách trực quan, chưa hỗ trợ tra cứu và tìm kiếm được dễ dàng.

Bên cạnh đó, việc công khai do từng địa phương tổ chức thực hiện nên thông tin công khai không được cập nhật trên hệ thống tập trung, dẫn đến việc khai thác, tra cứu, phân tích dữ liệu quản lý không được thuận tiện, khó thực hiện việc chia sẻ thông tin với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Với việc áp dụng Big Data và AI, hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý HĐĐT sẽ dễ dàng truy vết và tìm ra trường hợp nghi ngờ mua bán hóa đơn bất hợp pháp, cũng như phát hiện nhanh việc sử dụng bất hợp phát HĐĐT.

Để tiếp tục tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số, điện tử hóa trong công tác quản lý thuế, Tổng cục Thuế triển khai việc thực hiện chức năng bản đồ số hộ kinh doanh áp dụng trong toàn ngành thuế để nâng cao hiệu quả của việc công khai thông tin hộ kinh doanh theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Quá trình này sẽ được thực hiện thông qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ từ ngày 1-8 đến 31-12 triển khai tại 5 cục thuế Hà Nội, Bình Định, Long An, Thanh Hóa, Hòa Bình. Kết thúc giai đoạn 1, các cục thuế báo cáo đánh giá những kết quả đạt được, các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.

Trên cơ sở đó Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai giai đoạn 2, từ ngày 1-2-2024 đối với 58 cục thuế còn lại. Từ ngày 1-3-2024 sẽ tiếp tục đáp ứng cho việc tra cứu và phản hồi thông tin của hộ kinh doanh, người dân, DN, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác.

Bản đồ số hộ kinh doanh sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ cơ quan thuế quản lý người nộp thuế một cách trực quan, nắm bắt tốt địa bàn, chống sót hộ, chống thất thu ngân sách. Đồng thời, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, DN, cơ quan quản lý nhà nước và hộ kinh doanh thực hiện việc phản hồi thông tin đến cơ quan thuế về công tác quản lý thuế hộ kinh doanh của cơ quan thuế địa phương; tăng cường công khai, minh bạch trong công tác quản lý thuế.

Chức năng bản đồ số hộ kinh doanh được triển khai trên ứng dụng eTax Mobile để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng có thể tra cứu, phản hồi thông tin trên thiết bị thông minh cầm tay mọi lúc, mọi nơi.

- Xin cảm ơn bà.

Các tin khác